Thông tin ngày 30/08/2020

30/08/2020 | 15:15 PM

 | 

60. Tích hợp, cung cấp 3 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp

 

Chiều 14-2, tại trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với Bộ Tư pháp và một số cơ quan liên quan về tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp, gồm đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký khai sinh, cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho biết, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với một số đơn vị có liên quan, trao đổi, thống nhất về giải pháp triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với các thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh, đăng ký giao dịch bảo đảm.

Qua thực hiện cho thấy, các thủ tục về đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh là các thủ tục hành chính có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, đồng thời có tần suất thực hiện lớn. Ông Ngô Hải Phan dẫn chứng, năm 2018, đăng ký khai sinh là trên 3,7 triệu trường hợp; cấp phiếu lý lịch tư pháp trên 562.800 trường hợp; 627.651 hồ sơ thực hiện biện pháp đăng ký giao dịch bảo đảm, trong đó 30% hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tiếp, qua đường bưu chính, 70% số hồ sơ thực hiện theo phương thức trực tuyến. Năm 2019, đăng ký khai sinh là gần 2,1 triệu trường hợp; 559.810 yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp; 710.489 hồ sơ thực hiện biện pháp đăng ký giao dịch bảo đảm.

Hiện nay, các địa phương đã thực hiện liên thông các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. Việc này đã góp phần đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí đi lại cho người dân. Tuy nhiên, còn có thể tiết giảm được đến mức tối đa chi phí thực hiện (thời gian, thành phần hồ sơ) nếu được thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công như: cắt giảm giấy chứng sinh khi kết nối với dữ liệu của các cơ sở y tế...

Cũng theo ông Ngô Hải Phan, để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, hiện nay nhiều địa phương đã thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 6 địa phương (Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Tây Ninh, Lai Châu) đã tích hợp thủ tục đăng ký khai sinh (1.063 hồ sơ đã được tiếp nhận, xử lý trực tuyến), 16 tỉnh đang thực hiện tích hợp, kiểm thử. Về cấp phiếu lý lịch tư pháp, 14 tỉnh, thành phố đang thực hiện tích hợp, kiểm thử để cung cấp dịch vụ công này trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, cơ sở dữ liệu đăng ký, quản lý hộ tịch đã được Bộ Tư pháp triển khai đến 60/63 địa phương. Đây là thuận lợi lớn để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi toàn quốc tại Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, việc triển khai này sẽ giúp địa phương không phải nhập số liệu, hồ sơ nhiều lần vào hệ thống, qua đó giảm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho hay, “3 thủ tục trên đã đi rất xa trong ứng dụng công nghệ thông tin”. Đăng ký giao dịch bảo đảm đã cung cấp dịch vụ công ở cấp độ 4. Đăng ký khai sinh trực tuyến cho trẻ đã triển khai ở 60 tỉnh, thành rất thuận lợi. Cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, về cơ bản là thao tác trên môi trường mạng.

Với dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp, ở đầu mối của Bộ, việc tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia chỉ còn vấn đề kỹ thuật. Với việc đăng ký khai sinh, Bộ Tư pháp chỉ quản lý nhà nước, không thực hiện trực tiếp. Bộ sẵn sàng chia sẻ thông tin quản lý nhà nước mà Bộ có.

Với dịch vụ đăng ký giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp chỉ thực hiện dịch vụ này đối với tài sản là động sản (trừ tàu bay, tàu biển thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải). Đây là dịch vụ công tốt nhất vì rất nhanh, rất hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, toàn bộ bản quyền thiết kế từ năm 2000 đến nay là của Ngân hàng Thế giới vì nằm trong khoản vay cam kết Chính phủ.

Do đó, Bộ Tư pháp chưa thể trả lời về việc kết nối dịch vụ giao dịch bảo đảm lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ông Ngọc đề nghị Văn phòng Chính phủ có ý kiến tháo gỡ. Nếu được, chắc chắn việc kết nối không có khó khăn gì vì hiện hệ thống đang chạy rất tốt.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định sẽ làm việc với Ngân hàng Thế giới về vấn đề này để chuyển giao bản quyền về Bộ Tư pháp.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến địa phương bày tỏ nhất trí với việc tích hợp 3 dịch vụ trên lên Cổng dịch vụ công quốc gia và đề nghị thực hiện càng sớm càng tốt, ngay từ quý I-2020.(969)(2)

(Theo Chu Thanh Vân-TTXVN)

 

61. Cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về thực hiện một số nhiệm vụ vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, địa phương triển khai các nhiệm vụ để trong quý II-2020 có thể cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao Bộ Tư pháp hoàn thiện Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin "một cửa" điện tử tập trung của Bộ để khai thác, sử dụng các hạ tầng dùng chung đã được xây dựng trên Cổng dịch vụ công quốc gia, như: Xác thực, định danh người dùng, nền tảng thanh toán tập trung; kết nối, đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để theo dõi tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thời hạn hoàn thành trong quý I-2020.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục hành chính làm cơ sở để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với các thủ tục: Đăng ký khai sinh; cấp phiếu lý lịch tư pháp; nhóm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm. Thời hạn hoàn thành trước ngày 10-3-2020.

Trước ngày 10-3-2020, Bộ Tư pháp hoàn thành tích hợp, chia sẻ dữ liệu hệ thống đăng ký khai sinh với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin "một cửa" điện tử cấp tỉnh để phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đăng ký khai sinh trên Cổng dịch công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tổ chức tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thời hạn hoàn thành trong quý II-2020.

Bộ Tư pháp tích hợp hệ thống đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin "một cửa" điện tử cấp tỉnh để thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với nhóm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trước ngày 10-3-2020…(529)(1,5)

(Trí Thư-http://www.hanoimoi.com.vn/)

 

62. Bộ Nội vụ thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử không kèm bản giấy

Bộ Nội vụ vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về danh mục văn bản điện tử không gửi kèm bản giấy.

Theo đó, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ gương mẫu trong tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ theo nội dung Công văn số 775/VPCP-KSTT của Văn phòng Chính phủ, sử dụng chữ ký số, phê duyệt hồ sơ, văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường mạng theo quy định; tuân thủ các quy định về thời gian gửi, nhận văn bản; cập nhật đầy đủ nội dung thông tin, bảo đảm đúng thể thức văn bản theo quy định; gửi văn bản điện tử đúng thẩm quyền.

Trung tâm Thông tin thường xuyên giám sát, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ hệ thống theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông cho phần mềm quản lý văn bản và điều hành; đảm bảo khả năng hoạt động ổn định đối với hạ tầng kỹ thuật phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử (máy chủ, bảo mật, đường truyền), có phương án dự phòng trong trường hợp sự cố xảy ra; chịu trách nhiệm nếu để lộ lọt thông tin trong quá trình gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý công việc trên môi trường mạng.

Đối với Văn phòng Bộ, Bộ trưởng yêu cầu thực hiện tốt việc tổ chức triển khai gửi, nhận văn bản điện tử không kèm bản giấy theo danh mục gửi kèm Công văn số 775/VPCP-KSTT của Văn phòng Chính phủ. Thực hiện các quy định tại Quyết định số 1095/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quy trình xử lý văn bản đến và Quy trình tạo lập hồ sơ, trình ký, phát hành văn bản điện tử của Bộ Nội vụ đối chiếu với danh mục nêu trên để kiểm soát, phát hành văn bản đi, đến theo quy định.

Danh mục văn bản điện tử không gửi kèm bản giấy giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước tại Công văn số 775/VPCP-KSTT gồm 26 loại văn bản (4 văn bản quy phạm pháp luật và 22 văn bản hành chính). Trong đó có 4 loại văn bản quy phạm pháp luật gồm: Thông tư; thông tư liên tịch; nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; quyết định của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. 

22 loại văn bản hành chính gồm: Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, tờ trình, công văn, công điện, giấy ủy quyền, giấy mời, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu báo. (497)(1)

(Theo Vân - Tuấn- TTXVN)

 

 

63. Cơ hội cho ứng dụng trực tuyến trong nước

Theo thống kê, trung bình mỗi tuyến cáp quang biển gặp sự cố 1 lần/năm. Sự cố trên tuyến AAG (Asia America Gateway) mới đây lại “rơi” vào lúc cả nước đang thực hiện cách ly xã hội, nhu cầu sử dụng ứng dụng trực tuyến gia tăng nên gây ra không ít phiền toái với người dùng. Song qua đây cũng cho thấy cơ hội để phát triển ứng dụng trực tuyến trong nước.

Theo số liệu từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), sự cố trên tuyến AAG khiến các nhà mạng trong nước bị sụt giảm đáng kể băng thông đi quốc tế. Trong đó Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) bị mất 1.140Gb; Tập đoàn FPT bị mất 550Gb; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) bị mất 370Gb.

Chị Nguyễn Ngọc Trâm (ngõ 169 Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết, từ khi tuyến cáp này gặp sự cố, việc truy cập các ứng dụng trực tuyến của nước ngoài thường xuyên bị “treo” nhất là vào buổi tối. Cùng ý kiến này, anh Nguyễn Anh Quân (nhà CT10A, Khu đô thị Đại Thanh, huyện Thanh Trì) đề nghị, các nhà mạng cần bảo đảm chất lượng dịch vụ như cam kết, thay vì tăng thêm dung lượng khuyến mãi mà khách hàng không truy cập được.

Ngay sau khi xảy ra sự cố trên tuyến AAG, một số nhà mạng bị ảnh hưởng đã định tuyến lưu lượng sang các hướng cáp quang biển và cáp quang trên đất liền khác. Ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, ngoài giải pháp san tải lưu lượng sang các tuyến cáp quang khác để bảo đảm dịch vụ cung cấp cho khách hàng, VNPT đã có phương án cùng với đối tác nước ngoài đầu tư thêm tuyến cáp quang mới.

Theo ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông, sự cố trên tuyến AAG xảy ra, người dân khi dùng ứng dụng của các nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, YouTube sẽ bị khó khăn. Tuy nhiên, các ứng dụng trực tuyến do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển sẽ không bị ảnh hưởng vì đặt máy chủ và “chạy” trên cáp quang trong nước.

Thực tế, trong thời gian qua, các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, FPT đã đưa ra các giải pháp, ứng dụng trực tuyến để phục vụ khách hàng làm việc, học tập từ xa, tại nhà trong thời gian chống dịch Covid-19 và thực hiện cách ly xã hội. Trong đó phải kể đến VNPT với giải pháp hội nghị truyền hình trực tuyến (VNPT-Meeting) phục vụ các cơ quan, doanh nghiệp. Theo ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển dịch vụ (Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone), VNPT đã kết nối 80 phòng họp từ Văn phòng Chính phủ tới 28 điểm cầu là các bộ, ngành, địa phương; cũng như đã triển khai giải pháp này tới hàng nghìn khách hàng là cơ quan, doanh nghiệp.

Trong khi đó, bà Lê Hà, Trưởng phòng Marketing Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Viettel) cho biết, đã triển khai 700 điểm cầu truyền hình trực tuyến để Bộ Y tế thiết lập hệ thống cầu truyền hình với 23 bệnh viện lớn. Đặc biệt, Viettel cũng vừa triển khai cầu truyền hình trực tuyến phục vụ hội nghị ASEAN 3 trong các ngày 8 và 9-4 vừa qua.

Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Huy Dũng nhận xét, có những phần mềm phục vụ phòng, chống dịch được làm xong chỉ trong vòng 48 giờ. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia xây dựng ứng dụng độc đáo, mới lạ, hiệu quả, đi trước so với thế giới, cho thấy năng lực của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam rất lớn. Dịch Covid-19 không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để doanh nghiệp phát triển ứng dụng trực tuyến và người dùng trải nghiệm ứng dụng do doanh nghiệp trong nước phát triển. (705)(1,5)

(Việt Nga-  http://www.hanoimoi.com.vn/)

 

64. Nhiều lợi ích từ Cổng dịch vụ công quốc gia

Được khai trương từ ngày 9-12-2019, đến nay Cổng dịch vụ công quốc gia đã có những kết quả thể hiện là kênh hữu hiệu nhất để thực hiện mục tiêu Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Song theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Cổng dịch vụ công quốc gia có rất nhiều lợi ích mà người dân, doanh nghiệp cần tận dụng hơn nữa.

Với mốc khởi đầu ngày khai trương chỉ có 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp, đến nay, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp hàng trăm dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 235 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 5-2020, có hơn 140.000 tài khoản đăng ký, hơn 68.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống cũng tiếp nhận hơn 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Một số nhóm thủ tục hành chính có tần suất thực hiện lớn là đăng ký hoặc thông báo khuyến mãi của doanh nghiệp; xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông; một số thủ tục mảng bảo hiểm, thuế.

Chia sẻ về trải nghiệm của người dùng, bà Vũ Thị Tuyến, Phó Trưởng ban Nghiên cứu thị trường và phát triển dịch vụ, Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT - Vinaphone cho biết, khi sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia để đăng ký các chương trình khuyến mãi chỉ cần qua 3 bước đơn giản là đăng ký cấp chữ ký số, truy cập website: dichvucong.gov.vn và khai báo thông tin khuyến mãi là đã tiết kiệm được thời gian, nguồn lực tài chính không nhỏ. Ngoài ra, doanh nghiệp được phản hồi qua thư điện tử và còn được các cơ quan có thẩm quyền theo dõi, giám sát, hỗ trợ trong việc nộp tiền, tiếp nhận, xử lý hồ sơ. "Trong 1 năm chúng tôi thực hiện khoảng 300 chương trình khuyến mãi thì tiết kiệm được 200 triệu đồng", bà Tuyến cho hay.

Bên cạnh thủ tục thông báo hoạt động khuyến mãi, ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, chỉ với 1 tài khoản đăng nhập trên Cổng dịch vụ công quốc gia, doanh nghiệp có thể thực hiện nhiều dịch vụ liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, không ít đơn vị còn gửi thông tin đề nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên ứng dụng này nên Bảo hiểm xã hội Việt Nam có cơ sở tiếp thu, tương tác rất kịp thời.

Với người dân, 3 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố như đổi giấy phép lái xe; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế bị mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp, trung áp cũng đang được nhiều gia đình hồ hởi đón nhận. Anh Nguyễn Thi Tuấn (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) đã trực tiếp đăng ký thủ tục cung cấp điện trung áp qua ứng dụng này chia sẻ, chỉ trong ít phút, anh đã đăng ký xong và nhận được thông báo của cơ quan chức năng xác nhận đã hoàn thành thủ tục.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dù số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tăng, song tỷ lệ mở tài khoản của doanh nghiệp chưa nhiều. Để tăng cường sự tham gia của nhóm này trong sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ sẽ tăng cường tuyên truyền để lan tỏa những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, giá trị của Cổng dịch vụ công quốc gia đã được chứng minh trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Với các biện pháp giãn cách xã hội được đưa ra nhằm ngăn chặn lây nhiễm, người dân và đặc biệt là doanh nghiệp, cán bộ cơ quan nhà nước ngày càng sử dụng nhiều các dịch vụ công thiết yếu bằng phương thức trực tuyến.

Ông Ousmane Dione cũng đề xuất 2 biện pháp hành động, một cho cộng đồng doanh nghiệp và một cho Chính phủ, để tăng cường tác động của chính sách đổi mới kỹ thuật số trong thời gian sắp tới. Đó là, cộng đồng doanh nghiệp cần đẩy mạnh quá trình số hóa. Về phía Chính phủ, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến nên bắt đầu từ việc đơn giản hóa các quy trình. Bởi, dù có nhiều dịch vụ được cung cấp trực tuyến mà không giúp làm giảm thời gian và chi phí giao dịch cho doanh nghiệp thì cũng không mang lại nhiều ý nghĩa đối với doanh nghiệp.(881)(1,5)

(Hải Hà-http://www.hanoimoi.com.vn/)

 

 

 

65. Thành phố Hồ Chí Minh: Kích tăng trưởng bằng cải cách hành chính

Thời gian qua, dịch Covid-19 khiến kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng thấp. Bởi vậy yêu cầu về cải cách hành chính càng trở nên cấp thiết trong giai đoạn "bình thường mới". Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra là từ 5% đến 6% trong năm 2020, thành phố đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính tương tác trực tuyến trong cải cách hành chính...

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Trong thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Anh Trần Phan Tuấn Anh (ngụ phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) cho biết, vừa hoàn tất hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không cần đến UBND quận 1. Anh cũng không sử dụng hồ sơ giấy, chỉ hoàn toàn thực hiện thủ tục trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của quận.

Hiện UBND quận 1 đã triển khai tiếp nhận, đăng ký giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính “không giấy” tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của quận ở lĩnh vực kinh tế, lao động. Kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của quận từ đầu năm 2020 đến nay tăng mạnh và đạt hơn 90% trong quý I-2020. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, từ nay đến năm 2025, quận tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với chủ đề “Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp gắn với xây dựng môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp”. Quận 1 sẽ hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến làm cầu nối giữa người dân và chính quyền.

Trong khi đó, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp và cách làm hiệu quả trong cải cách hành chính như triển khai hệ thống dịch vụ thuế điện tử (eTax) từ đầu năm 2020 đến nay. Đặc biệt, ngành Thuế thành phố cũng tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn hiệu quả thông qua sáp nhập Chi cục Thuế quận 7 với Chi cục Thuế huyện Nhà Bè thành Chi cục Thuế quận 7 - huyện Nhà Bè. Sắp tới, thành phố cũng sẽ sáp nhập Chi cục Thuế quận 12 và Chi cục Thuế huyện Hóc Môn. Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phương châm xuyên suốt của ngành Thuế thành phố là “thu được thuế, thu được lòng dân”, hoàn thành mục tiêu thu ngân sách thành phố”.

Đến thời điểm này, các sở, ngành, quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tự xây dựng các phần mềm trên cơ sở khai thác kho dữ liệu dùng chung của thành phố (giai đoạn 1) để cải cách thủ tục hành chính. Hiện đã có 100% sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nội bộ theo tiêu chuẩn ISO 9001 trong hoạt động của cơ quan hành chính; 100% sở, ngành, quận, huyện ứng dụng ISO điện tử trong hoạt động.

 

Đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ tăng trưởng

Theo kế hoạch từ tháng 6 đến tháng 12-2020, UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2020 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đoàn sẽ kiểm tra, khảo sát các nội dung như: Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện kế hoạch công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; công tác phối hợp thực hiện 72 nhóm thủ tục hành chính liên thông giữa Văn phòng UBND thành phố với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng vừa phát động đợt thi đua cao điểm về cải cách hành chính năm 2020 với nhiệm vụ trọng tâm là “Nâng cao văn hóa công sở, văn hóa công vụ, nâng cao ý thức thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp”. Tất cả các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị và địa phương; có đăng ký các mô hình sáng kiến, giải pháp, cách làm hay trong thực hiện cải cách hành chính và triển khai, áp dụng hiệu quả...

Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu thực hiện đề án không tổ chức HĐND cấp quận/huyện, phường/xã; đề án thành lập Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông theo mô hình “thành phố trực thuộc thành phố”; tiếp tục triển khai Đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh… “Các đề án trên gắn chặt chẽ đến công tác tổ chức chính quyền đô thị, tổ chức bộ máy hành chính và nhiệm vụ cải cách hành chính trong thời gian tới”, ông Trương Văn Lắm nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, do tác động của dịch Covid-19 nên trong quý I-2020, tăng trưởng kinh tế của thành phố chỉ đạt 1,03%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 5% đến 6% trong năm 2020, thành phố tăng cường hơn nữa công tác cải cách hành chính, chú trọng cải cách hành chính theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại và thu hút đầu tư. Thành phố duy trì kênh đối thoại trực tuyến giữa thành phố với các nhà đầu tư...(1.018) (2,5)

(Trọng Ngôn-http://www.hanoimoi.com.vn/)

66. PAPI năm 2019: Cải thiện lớn nhất ở lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong khu vực công

Ngày 28-4, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) đã tổ chức công bố trực tuyến Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI).

Năm 2019, nghiên cứu PAPI đã khảo sát từ 14.138 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Giống như năm 2018, PAPI 2019 gồm 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Theo báo cáo PAPI, trong năm 2019, cải thiện lớn nhất được ghi nhận ở lĩnh vực “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Báo cáo PAPI 2019 cho thấy tác động rõ nét của chiến dịch phòng, chống tham nhũng lên cảm nhận của người dân về tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Lĩnh vực này cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2019 ở cấp quốc gia và cấp xã, với tỷ lệ người dân cho biết tham nhũng giảm ở hai cấp này tăng 5% so với năm 2018.

Tuy điểm của chỉ số kiểm soát tham nhũng đã cải thiện, song vẫn còn tỷ lệ đáng kể (từ 20 đến 45%) người dân cảm nhận tham nhũng còn phổ biến trong một số dịch vụ công. Điều này cho thấy cần tăng cường nỗ lực kiểm soát tham nhũng trong những năm tới.

Cũng theo báo cáo PAPI, điểm số của lĩnh vực “thủ tục hành chính công” gần như không thay đổi và thậm chí đi xuống một chút trong năm 2019. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Chính phủ ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia vào tháng 12-2019 đánh dấu một bước quan trọng trong định hướng đúng đắn này. Trong thời gian dịch Covid-19, sự quan tâm của các nhà lãnh đạo và người dân đối với việc sử dụng cổng thông tin trực tuyến đã tăng lên đáng kể. Điều này dự kiến sẽ làm thay đổi điểm số của lĩnh vực quản trị điện tử trong thời gian tới.  

Đáng chú ý, nghèo đói, lao động, việc làm, môi trường tiếp tục là những vấn đề nhiều người dân quan ngại. Ở hầu hết các tỉnh, thành phố, người dân tham gia khảo sát phản ánh chất lượng không khí giữ nguyên hoặc giảm đi.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc nghiên cứu, phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân là một kênh thông tin quan trọng không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở mà còn là chỉ báo về hoạt động quản trị và hành chính công cấp tỉnh, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và phương pháp hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Theo công bố, tổng số điểm Chỉ số PAPI năm 2019 của Hà Nội đạt 41,54 điểm/80 điểm. Trong đó: Chỉ số “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt 5,04/10 điểm; chỉ số “công khai, minh bạch” đạt 4,99/10 điểm; “trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,57/10 điểm; “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 6,13/10 điểm; “thủ tục hành chính công” đạt 7,13/10 điểm; “cung ứng dịch vụ công” đạt 7,1/10 điểm; “quản trị môi trường” đạt 2,72/10 điểm; “quản trị điện tử” đạt 3,86/10 điểm. Năm 2019, Hà Nội vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp Chỉ số PAPI thấp nhất. (692) (1,5)

(Hiền Thu-http://www.hanoimoi.com.vn/)

 

67. Kết nối, liên thông văn bản điện tử với các tổ chức chính trị - xã hội

Chiều 27-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội về phương án kết nối, liên thông văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt trong triển khai chính phủ điện tử nhằm từng bước hiện đại hóa nền hành chính. Ngày 12-3-2019, Trục liên thông văn bản quốc gia đã chính thức khai trương, phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước. Sau hơn 1 năm tích cực triển khai, đến nay, 31 cơ quan trung ương và 63 địa phương đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thường xuyên gửi, nhận văn bản điện tử hai cấp chính quyền thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, tiến tới trước ngày 30-6-2020, hoàn thành kết nối 4 cấp chính quyền.

Ngoài các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ đã triển khai kết nối và thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và một số cơ quan tỉnh ủy; đang thử nghiệm kết nối tới Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; triển khai thử nghiệm kết nối tới các doanh nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Tổng cộng hiện nay, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối tới 129 điểm.

Từ ngày 12-3-2019 (thời điểm khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia) đến nay, có khoảng 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính. Số lượng văn bản điện tử được gửi, nhận trong tháng 3-2020 so với tháng đầu tiên khi vận hành trục này đã tăng gấp 5 lần. Đặc biệt, trong những tháng cả nước quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, số lượng văn bản điện tử tăng mạnh, hằng tháng có khoảng 200.000 văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan.

Trục liên thông văn bản quốc gia ngoài phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử còn là nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của Văn phòng Chính phủ trong triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Hệ thống phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet). Các hệ thống này từ khi triển khai đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đều bày tỏ muốn sớm triển khai kết nối, liên thông trao đổi thông tin văn bản giữa Văn phòng Chính phủ và các cơ quan để hình thành mạng lưới trao đổi thông tin, văn bản thông suốt, góp phần từng bước hiện đại hóa nền hành chính Việt Nam. Nhiều nơi vừa qua đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trong nội bộ nhưng kết nối với các cơ quan bên ngoài còn rất lúng túng.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết đã 2 lần họp trực tuyến với Chính phủ từ cơ quan trung ương Hội. Nhận thấy rõ lợi ích của việc thực hiện kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ, Hội đã ký kết với các đối tác cung cấp dịch vụ để thực hiện chuyển đổi số. Dự kiến, sau ngày 30-4, Hội sẽ kết nối liên thông văn bản với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài cho biết, cơ quan này còn chậm và lúng túng trong ứng dụng công nghệ thông tin, vẫn loay hoay với câu trả lời hệ thống nào phù hợp nhất, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả. Ông Phùng Khánh Tài đề nghị Văn phòng Chính phủ chia sẻ, chuyển giao cách nền tảng, phần mềm đang áp dụng để MTTQ có thể học hỏi và triển khai ngay.

Tại cuộc họp, các nhà cung cấp dịch vụ đều thể hiện cam kết sẽ triển khai kết nối, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho các đơn vị sử dụng. Liên quan đến ý kiến của các bên về thiếu hệ thống chữ ký số, chứng thư số, lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, đã cấp cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Chính phủ hơn 220.000 chữ ký số. Riêng với Trục liên thông văn bản quốc gia và các dịch vụ đã cung cấp gần như đầy đủ yêu cầu ban đầu. Các dịch này được thực hiện trơn tru, chưa có sự cố đáng tiếc nào. Ban Cơ yếu Chính phủ đã cài đặt bảo mật đường truyền cho các thông tin mật trong chính phủ điện tử. Trong các tổ chức chính trị - xã hội, đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên đã được cấp chứng thư số. Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ cấp chứng thư cho các cơ quan ngay trong ngày, khi có yêu cầu.

Khẳng định Văn phòng Chính phủ sẵn sàng đồng hành cùng với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp triển khai, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt mục tiêu đến giữa tháng 5-2020 hoàn thành kết nối các phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các đơn vị trên Trục liên thông văn bản quốc gia, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa Văn phòng Chính phủ và các đơn vị. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giao Cục Kiểm soát thủ tục hành chính chủ trì, phối hợp cùng với Ban Cơ yếu Chính phủ, Trung tâm tin học, Vụ Hành chính (Văn phòng Chính phủ) và các đơn vị chức năng của MTTQ, các tổ chức để triển khai công tác này. (1.073) (2,5)

(Theo Chu Thanh Vân-TTXVN)

68. Kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công

Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, trước hết là Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định.

Đây là một trong các nội dung tại Thông báo 159/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 896 (Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu có liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020) tại cuộc họp Ban Chỉ đạo.

Thông báo nêu rõ, năm 2020 là năm cuối thực hiện Đề án 896, trong khi đó, để thực hiện Đề án thành công, còn 3 nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ rất quan trọng, gồm: 1- Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 2- Thu thập, cập nhật thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 3- Ban hành văn bản thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các Nghị quyết của Chính phủ.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ nêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phải chủ động hơn nữa, quyết liệt hơn nữa thực hiện nhiệm vụ theo đúng phương châm hành động của Chính phủ để tạo sự bứt phá, đồng thời thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò quyết định trong nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, là cơ sở dữ liệu quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an cần khẩn trương thực hiện các bước xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đưa vào vận hành thử nghiệm cuối năm 2020, sử dụng, khai thác từ năm 2021, tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2022-2025; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, trước hết là Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định.

Bộ Công an khẩn trương thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về bố trí vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư và phương án lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại Thông báo số 39/TB-VPCP ngày 4-2-2020. Ngoài nguồn vốn do Bộ Công an đã chủ động cân đối, nguồn vốn còn lại Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất bố trí vào nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ, ngành bám sát tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hoàn thành việc ban hành các văn bản hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính quy định trong các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của bộ, ngành mình. (643) (1,5)

(A.T-http://www.hanoimoi.com.vn/)

 

69. Dịch vụ công trực tuyến kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 77/2020/NĐ-CP quy định việc quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; dịch vụ công trực tuyến phục vụ cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam; kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động.

Trong đó, Nghị định quy định dịch vụ công trực tuyến phục vụ cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam và kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động.

Cụ thể, dịch vụ công trực tuyến phục vụ cấp, quản lý, kiểm soát hộ chiếu của công dân Việt Nam được triển khai trên Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và liên kết, tích hợp thông tin với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Dịch vụ công trực truyến nêu trên cho phép tiếp nhận thông tin tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu, đặt lịch hẹn và hỗ trợ cung cấp thông tin hướng dẫn trình tự thực hiện cấp hộ chiếu; tra cứu trạng thái, kết quả xử lý đề nghị cấp hộ chiếu.

Đối tượng có nhu cầu xuất cảnh, nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động phải thực hiện thủ tục đăng ký: Công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu có gắn chíp điện tử đến các nước không miễn thị thực nhập cảnh; công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu không gắn chíp điện tử; công dân Việt Nam sử dụng giấy thông hành theo thỏa thuận giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới trên đất liền; người nước ngoài có thẻ thường trú, thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Người nêu trên thực hiện thủ tục đăng ký trực tiếp tại cơ quan cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh nơi có cổng kiểm soát tự động hoặc qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao như sau:

Khai đầy đủ thông tin vào tờ khai theo mẫu; xuất trình hộ chiếu, giấy tờ xuất nhập cảnh; đối với công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu đến các nước không miễn thị thực nhập cảnh thì phải xuất trình thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh; đối với người nước ngoài xuất trình thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú; cung cấp ảnh chân dung; cung cấp vân tay theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an; việc đăng ký chỉ thực hiện một lần; khi có sự thay đổi, bổ sung thông tin trong hộ chiếu, giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh Việt Nam hoặc thị thực, giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh thì phải khai bổ sung thông tin theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này.

Nghị định cũng quy định đối tượng được xuất cảnh, nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động gồm: 

Công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu có gắn chíp điện tử đến các nước miễn thị thực nhập cảnh.

Các trường hợp đã hoàn tất thủ tục theo quy định nêu trên; đối với các trường hợp công dân Việt Nam sử dụng giấy thông hành theo thỏa thuận giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới trên đất liền chỉ được xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ. (607) (1,5)

(A.T-http://www.hanoimoi.com.vn/)

 

70. Từ 15-8, lên mạng đăng ký ô tô, xe máy qua Cổng dịch vụ công quốc gia

Dịch vụ công đăng ký ô tô, xe máy mới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước dự kiến sẽ được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia vào ngày 15-8, đánh dấu thời điểm công bố dịch vụ công thứ 1.000 được tích hợp trên cổng này.

Như vậy, khi dịch vụ đăng ký ô tô, xe máy mới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG), người dân, doanh nghiệp không cần đến gặp cơ quan hành chính nhà nước mà thực hiện đăng ký trực tuyến theo hướng thủ tục được rút gọn.

Sáng 8-7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải về kết nối Cổng dịch vụ công Bộ Tài chính với Cổng DVCQG, tích hợp Hệ thống thông tin báo cáo Bộ Tài chính với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ (TTBCCP).

Tiếp tục cải cách để đón làn sóng đầu tư

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, VPCP mời Bộ Tài chính và các bộ liên quan làm việc nhằm tiếp tục tích hợp các dịch vụ lên Cổng DVCQG và chuẩn bị để dự kiến ngày 15-8 khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới nền kinh tế số, xã hội số. Theo đó, ngày 9-12-2019, đã khai trương Cổng DVCQG. Sau 7 tháng vận hành, Cổng DVCQG đã có 188.000 tài khoản đăng nhập hệ thống, trên 49 triệu người truy cập, trên 11 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 16.000 cuộc gọi đề nghị giải đáp...

Kết quả trên có sự đóng góp rất lớn của các bộ, cơ quan, trong đó có Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ như cơ quan thuế, hải quan đã có nhiều cải cách. Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải cũng là những đơn vị đi đầu trong việc tích hợp dịch vụ công lên Cổng DVCQG.

Đối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, mục tiêu có 200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội kết nối với hệ thống. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị có nhiều chỉ tiêu cần kết nối nhất, với 101 chỉ tiêu, sau đó là Bộ Tài chính. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng cho biết, tinh thần là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng rất quyết liệt trong cải cách và đã đề nghị cùng với VPCP, Bộ Tài chính tiếp tục cải cách mạnh mẽ.

"Mong muốn của Thủ tướng, của người dân, doanh nghiệp còn rất lớn để đón làn sóng đầu tư, để Việt Nam là điểm đến thuận lợi sau dịch Covid-19. Nếu không tạo điều kiện để môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân thì sẽ mất cơ hội này", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chia sẻ.

Hết năm 2020, tích hợp 194 dịch vụ công về tài chính

Về tình hình kết nối, tích hợp các dịch vụ công lĩnh vực tài chính lên Cổng DVCQG, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) cho biết, theo kế hoạch, đến hết năm 2020, Bộ Tài chính sẽ tích hợp 194 dịch vụ công lên Cổng DVCQG.

Trong quá trình làm việc với VPCP, các đơn vị của Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp, chủ động ban hành kế hoạch để mục tiêu hết năm 2020, hoàn thành kế hoạch tích hợp 194 dịch vụ công. Tính đến hết ngày 1-7, Cổng DVCQG đã tích hợp 119 dịch vụ công lĩnh vực tài chính, bao gồm lĩnh vực: Khai, nộp thuế; kế toán, kiểm toán; kho bạc, hải quan, quản lý giá, tin học thống kê. Như vậy, Bộ Tài chính cần tiếp tục tích hợp thêm 75 dịch vụ công để bảo đảm hoàn thành mục tiêu năm 2020.

Cũng theo ông Ngô Hải Phan, hiện nay, dịch vụ công nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy đang được triển khai thí điểm tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; đã hoàn thành hệ thống truyền nhận để chia sẻ dữ liệu điện tử về thông tin đăng kiểm có ký số của các loại phương tiện ô tô, xe gắn máy mới giữa đăng kiểm và thuế.

Điểm vướng mắc về đồng bộ hồ sơ trên Cổng DVCQG, nhất là đối với các dịch vụ công lĩnh vực thuế, hải quan còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu trạng thái hồ sơ phục vụ nhu cầu tra cứu, khai thác của cá nhân, doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng chưa hoàn thành kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa của Bộ để dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG...

Về việc tích hợp Hệ thống thông tin báo cáo Bộ Tài chính với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ (TTBCCP), Bộ Tài chính đã rà soát, công bố danh mục 301 chế độ báo cáo định kỳ, thông qua phương án đơn giản hóa các chế độ báo cáo.

Bộ Tài chính cũng có Quyết định ban hành danh mục chế độ báo cáo định kỳ kết nối lên Hệ thống TTBCCP năm 2020. Trong đó, xác định có 64 chế độ báo cáo sẽ triển khai xây dựng trên Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, kết nối với Hệ thống TTBCCP thuộc nhiều lĩnh vực như: Dự trữ nhà nước, kinh doanh bảo hiểm, giá, kế toán, kiểm toán độc lập, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hải quan, tài chính doanh nghiệp...

Để bảo đảm tiến độ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính kiến nghị, Bộ Tài chính rà soát, chuẩn hóa chế độ báo cáo định kỳ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ. Với các chế độ báo cáo khác trong danh mục Bộ ban hành, đề nghị sớm thực hiện chuẩn hóa để triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, ưu tiên các báo cáo có tần suất nhiều, số lượng tuân thủ lớn để triển khai trước và mở rộng dần sau các năm.

Công bố dịch vụ công thứ 1.000 vào ngày 15-8

Ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp cho thấy, Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc như Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước cùng các bộ liên quan đều nhấn mạnh tinh thần là quyết liệt, hoàn thành đúng hạn việc kết nối với Cổng DVCQG và Hệ thống TTBCCP. Tuy có nhiều khó khăn nhưng Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính để hoàn thành đúng tiến độ, sớm đưa các dịch vụ công lên Cổng DVCQG.

Theo ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục Tin học thống kê (Bộ Tài chính), Bộ đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát lại các dịch vụ công, những dịch vụ nào nhiều đăng ký, cần thiết thì triển khai trước. Về kết nối hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG, do dịch vụ công về giá, hải quan có một số dịch vụ phát sinh thu phí nên Bộ đang phối hợp với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) kết nối thanh toán trực tuyến và dự kiến hoàn thành trong 2 tuần kế tiếp.

Ông Nguyễn Đại Trí cũng nêu ý kiến giảm chi phí để khuyến khích người dùng sử dụng dịch vụ công. Về ý kiến này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá cao và cho biết, các cơ quan sẽ tiếp thu để nghiên cứu với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng dịch vụ công.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, tổng số dịch vụ công trực tuyến của đơn vị sẽ đưa lên Cổng DVCQG trong năm 2020 là 30%, tương ứng với khoảng 60 dịch vụ công. Các thủ tục hành chính mà Tổng cục Hải quan lựa chọn để đưa lên Cổng DVCQG là các dịch vụ có nhiều hồ sơ nhất, như 2 thủ tục đã đưa lên là dịch vụ khai hồ sơ hải quan và hủy tờ khai bổ sung hồ sơ hải quan (đến nay có 200.000 hồ sơ).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Bộ Tài chính là cơ quan tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính. Những cải cách của Bộ có ý nghĩa lớn, tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi liên quan đến nhiều lĩnh vực như: Thuế, phí, tài chính, lĩnh vực đầu tư tài chính, tài sản công, kho bạc, hải quan...

Vì vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị, Bộ Tài chính và các bộ liên quan tập trung kết nối dịch vụ công với Cổng DVCQG, kết nối các báo cáo chỉ tiêu kinh tế - xã hội với Hệ thống TTBCCP, thực hiện chuẩn hóa chế độ báo cáo để đúng kế hoạch khai trương. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài chính đẩy mạnh dịch vụ công của cơ quan hải quan, thuế lên Cổng DVCQG, bởi dịch vụ công của hai cơ quan này liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp; đề nghị Bộ đẩy mạnh kết nối các dịch vụ công liên quan môi trường đầu tư, kinh doanh, bởi các dịch vụ này sẽ góp phần cải thiện các đánh giá về môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị, Bộ Tài chính và các bộ liên quan chọn dịch vụ đăng ký xe ô tô, xe máy mới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước là dịch vụ công thứ 1.000 kết nối trên Cổng DVCQG và công bố dịch vụ này vào ngày khai trương dự kiến là 15-8. (1.772) (3,5)

(Theo Chinhphu.vn)

 

71. Sở TN&MT Quảng Bình:  Sau gần 1 năm trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ tin nhắn đến người dân

Sau gần 1 năm đưa vào hoạt động dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ tin nhắn SMS Brandname trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình đã gửi đi thành công 16.493 tin nhắn tự động thông báo thông tin tiến độ giải quyết hồ sơ đến người dân.

Xác định thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai luôn là vấn đề nóng trong xã hội, để đẩy mạnh cải cách hành chính, tin học hóa trong lĩnh vực đất đai làm cơ sở cho việc theo dõi, chỉ đạo phối hợp công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình phối hợp với Viễn thông Quảng Bình xây dựng và đưa vào thực hiện dịch vụ trả tin nhắn SMS Brandname thông báo trả  kết quả giải quyết hồ sơ đất đai đến người dân.

Khi đưa vào sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ tin nhắn SMS Brandname, người dân không phải mất thời gian đi lại nhiều lần, tiết kiệm thời gian và chi phí nhưng vẫn nhận được kết quả chính xác, kịp thời.

Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình luôn luôn chú trọng trong công tác cải cách TTHC, đặc biệt  trong lĩnh vực đất đai, để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tin học hóa trong lĩnh vực đất đai làm cơ sở cho việc theo dõi, chỉ đạo đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Hệ thống thông báo qua tin nhắn SMS được tích hợp sẵn vào hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông để tự động gửi về số điện thoại của người dân trong quá trình giải quyết hồ sơ. Sau khi người dân nộp hồ sơ, được cán bộ thụ lý cập nhật đầy đủ thông tin, số điện thoại trên Hệ thống phần mềm một cửa liên thông của tỉnh, hồ sơ sẽ được chuyển đến các bộ phận giải quyết. Thông qua dịch vụ tin nhắn SMS Brandname, người dân có thể yên tâm theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ của mình, chủ động công việc.

Cụ thể có 5 trạng thái nội dung sẽ gửi đến khách hàng: Thông báo chờ hổ sung thuế; thông báo chờ bổ sung hồ sơ, thông báo hồ sơ liên thông, thông báo hồ sơ được gia hạn xử lý, thông báo hồ sơ đã xử lý xong. Trong đó, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Đồng Hới là đơn vị triển khai thực hiện thí điểm đầu tiên và đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính.

Sau gần 1 năm triển khai, đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình đã thực hiện triển khai dịch vụ tin nhắn SMS Brandname trên toàn tỉnh (08/08 huyện, thị xã, thành phố). Hệ thống dịch vụ tin nhắn đã gửi đi thành công 16.493 tin nhắn tự động thông báo thông tin tiến độ giải quyết hồ sơ đến người dân (trong đó: Số lượng tin nhắn thông báo trạng thái hồ sơ đã có kết quả là 12.402; tin nhắn đã chuyển số liệu qua Chi cục thuế là 2.643; tin nhắn xin gia hạn thời gian giải quyết hồ sơ là 34; tin nhắn hồ sơ cần bổ sung thêm thông tin là 982; tin nhắn đã chuyển liên thông UBND cấp huyện là 432).

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Nguyễn Xuân Dũng- Trưởng phòng Pháp chế, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, cho biết: “Với hệ thống thống báo kết quả tin nhắn điện thoại thứ nhất người dân có thể biết được trạng thái tiến độ hồ sơ thủ tục của họ đang như thế nào, kết quả chính xác, kịp thời. Thứ hai rất tiết kiệm được thời gian đi lại và chi phí. Thứ 3 với dịch vụ này sẽ tạo cho cán bộ xử lý hồ sơ có ý thức, trách nhiệm, khoa học và minh bạch. Trong thời gian tới, không chỉ duy trì phát triển mà sẽ đẩy mạnh hoàn thiện, nâng cấp để dịch vụ thông báo trả kết quả qua dịch vụ tin nhắn sẽ đạt được kết quả cáo nhất. Sở xác định, việc sử dụng dịch vụ gửi tin nhắn thông báo trả kết quả cho người dân trong quá trình nộp hồ sơ là một trong những giải pháp quan trọng trong việc thực hiện cải cách TTHC mang lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực, đây cũng là bước tiến tạo đà cho những giải pháp hiện đại hóa cải cách TTHC, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử”.

Ngoài ra, việc áp dụng dịch vụ tin nhắn SMS Brandname sẽ tạo cho cán bộ xử lý hồ sơ có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc xử lý hồ sơ đúng hạn. Công tác quản lý đất đai, xử lý hồ sơ ở các khâu nghiệp vụ đảm bảo nhanh, chính xác hơn, tạo phong cách làm việc khoa học, hiện đại, minh bạch hơn.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình sẽ tiếp tục theo dõi, xử lý kịp thời những vướng mắc và hoàn thiện hệ thống dịch vụ, có phương án nâng cấp chất lượng nội dung tin nhắn, hỗ trợ tối đa việc cung cấp thông tin về quy trình xử lý hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch. (1.001) (2,5)

(Hồng Thiệu- https://baotainguyenmoitruong.vn/)

 

72. Sơn La: Tạo đột phá trong cải cách hành chính về TN&MT

Từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT Sơn La đã tiếp nhận 285 hồ sơ lĩnh vực TN&MT. Trong đó, 242 hồ sơ đã giải quyết xong trả kết quả cho tổ chức, đang giải quyết 9 hồ sơ, 34 hồ sơ thuộc diện tạm dừng và từ chối. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ sớm và đúng hạn đạt 100%.

Rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC)

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Sở TN&MT Sơn La đã có nhiều giải pháp thiết thực đẩy mạnh cải cách TTHC đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Ngay từ cuối năm 2019, Sở TN&MT đã ban hành Kế hoạch số 1474/KH-STNMT ngày 27/12/2019, đề ra các nhiệm vụ để triển khai thực hiện đảm bảo đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở.

Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục duy trì rà soát đơn giản hóa TTHC trong tất cả các lĩnh vực theo hướng giảm thủ tục, giảm thời gian và chi phí; chủ động đề xuất tổ chức triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm (PCI); tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp kịp thời giải quyết những kiến nghị đề xuất thuộc chức năng quản lý của ngành; tăng cường đổi mới cải cách bộ máy…

Cùng với đó, Sở TN&MT đã ban hành hàng loạt kế hoạch về tuyên truyền CCHC, kiểm tra CCHC, kiểm soát TTHC, rà soát quy định TTHC thuộc phạm vi quản lý của Sở. Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Kế hoạch về nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công năm 2020 (PAPI)…

Hàng tuần, tháng, quý, thông qua các cuộc họp giao ban giữa Giám đốc Sở với Lãnh đạo, các phòng, đơn vị thuộc Sở đã thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao của lãnh đạo các phòng, đơn vị và công chức, viên chức thuộc Sở. Kịp thời khắc phục, chấn chỉnh, nhắc nhở, phê bình những nhiệm vụ chưa hoàn thành hoặc hoàn thành nhưng chất lượng chưa cao.

Công tác tuyên truyền CCHC tiếp tục được quán triệt đầy đủ tới cán bộ, công chức và người lao động toàn ngành. Hình thức tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của Sở, và thường xuyên tuyên truyền lồng ghép với các hội nghị, các cuộc họp giao ban của Sở. Từ năm 2019 tới nay, Sở TN&MT đã tổ chức 3 Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh liên quan đến lĩnh vực TN&MT; 1 Hội nghị Đối thoại trực tiếp giữa Giám đốc Sở TN&MT với nhân dân.

Tỷ lệ giải quyết hồ sơ sớm và đúng hạn đạt 100%

Ông Phạm Văn Thi, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Từ đầu năm tới nay, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành hơn 100 văn bản chỉ đạo, điều hành công tác quản lý nhà nước về TN&MT; Sở ban hành gần 800 văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý TN&MT trên địa bàn. Đồng thời, thường xuyên rà soát đảm bảo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC và hệ thống TTHC áp dụng trên địa bàn tỉnh được ban hành đúng quy định, đảm bảo chất lượng, hướng tới mục tiêu CCHC và xây dựng nền hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Về kết quả tiếp nhận và giải quyết hồ sơ lĩnh vực ngành, Sở TN&MT đã phối hợp với Trung tâm Hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục đảm bảo đúng quy định. Cụ thể, Sở TN&MT Sơn La đã tiếp nhận 285 hồ sơ lĩnh vực TN&MT. Trong đó, 242 hồ sơ đã giải quyết xong trả kết quả cho tổ chức, đang giải quyết 9 hồ sơ, 34 hồ sơ thuộc diện tạm dừng và từ chối. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ sớm và đúng hạn đạt 100%. Sở TN&MT không nhận được phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC tại Sở.

Các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở luôn được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Sơn La; niêm yết bằng bản giấy tại các nơi trực tiếp giải quyết TTHC. Ngoài ra, còn được đăng tải trên website của Sở TN&MT tại địa chỉ: http://www.sotnmt.sonla.gov.vn.

Song song đó, Sở đã tiếp tục triển khai, sắp xếp, kiện toàn các phòng, đơn vị, các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực TN&MT được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cử 17 lượt công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ.

Chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc hoàn thiện Đề án xác định vị trí việc làm, trên cơ sở đó, bố trí sử dụng, quản lý công chức, viên chức phù hợp với trình độ, năng lực và sở trường công tác đối với từng công chức, viên chức. Quán triệt công chức, viên chức và người lao động nâng cao ý thức trách nhiệm, xây dựng tác phong làm việc khoa học, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian tới, Sở TN&MT Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ nội dung của Chương trình tổng thể CCHC của tỉnh giai đoạn 2016-2020, Chỉ thị số 33-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo CCHC. Đẩy mạnh triển khai thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ của Kế hoạch CCHC năm 2020 của Sở, kế hoạch kiểm tra CCHC đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Tập trung thống kê, rà soát hệ thống TTHC thuộc phạm vi quản lý của Sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện đảm bảo việc giải quyết hồ sơ cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp đúng thời gian quy định. Chú trọng đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Năm 2019, chỉ số CCHC của Sở TN&MT Sơn La tăng 2,21 điểm so với năm 2018, đạt 85,64 điểm, đứng thứ 11/20 sở, ban, ngành. Đặc biệt, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 (SIPAS), Sở TN&MT đứng thứ 2/20 các sở, ban, ngành, tăng 8 bậc so với năm 2018, với chỉ số hài lòng đạt 97,52%.(1.215) (2,5)

(Nguyễn Nga -https://baotainguyenmoitruong.vn/)

 

73. Sở TN&MT Bà Rịa – Vũng Tàu: Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn đạt 98 %

Trong 3 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ hồ sơ thuộc lĩnh vực TN&MT của Bà Rịa – Vũng Tàu được giải quyết đúng và trước hạn bình quân đạt 98 %. Đặc biệt, tất cả các địa phương trong tỉnh đã áp dụng thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3; mức độ 4 đối với các thủ tục thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, đất đai, khoáng sản, quản lý tài nguyên nước,...

Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian qua, Sở đã tập trung đẩy mạnh việc thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), Theo đó, ngoai việc ban hành quyết định và các văn bản liên quan đến công tác chỉ đạo thực hiện CCHC, Sở TN&MT còn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiệngiải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện các quy định về rà soát, niêm yết công khai TTHC, xây dựng quy trình giải quyết TTHC theo từng nhóm nhiệm vụ cụ thể và bảng phân chia thời gian giải quyết TTHC thuộc chức năng quản lý của Sở TN&MT.

Đồng thời, Sở đã áp dụng phần mềm Vilis 2.0 để xử lý thông tin địa chính tại các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện; sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng để liên thông thông tin địa chính giữa cấp huyện và cấp tỉnh, in thông tin và giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rút ngắn thời gian cấp giấy cho các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình cá nhân như: Phối hợp với Bưu điện tỉnh Triển khai Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Đặc biệt, Sở đã thành lập đường dây nóng, công bố số điện thoại của người đứng đầu cơ quan hành chính giải quyết TTHC cho doanh nghiệp và người dân.

Cũng theo Sở TN&MT, công tác CCHC đã và đang được thực hiện tốt từ tuyến cơ sở đến trung tâm của Sở. Kết quả giải quyết hồ sơ đúng và sớm hạn đạt tỷ lệ cao, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước.

Cụ thể, trong quý I/ 2020, Sở TN&MT Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp nhận 675 hồ sơ, trong đó, đã thực hiện: 394 hồ sơ  với 386 hồ sơ đúng hạn, chiếm 98%; đang thực hiện 281 hồ sơ chưa đến hạn, chiếm 100%. Còn tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các chi nhánh tiếp nhận 6.491 hồ sơ, trong đó: đã thực hiện: 5.130 hồ sơ (5.025 hồ sơ đúng hạn, chiếm 97,95%; 105 hồ sơ chưa đúng hạn, chiếm 2,05%); đang thực hiện 1.361 hồ sơ chưa đến hạn, chiếm 96,69%...

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và giao trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính  thuộc  lĩnh vực bảo vệ môi trường, đất đai khoáng sản, quản  lý tài nguyên nước… qua dịch vụ Bưu chính công ích tiếp tục đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến nay, hầu hết tất cả các địa phương trong tỉnh đã áp dụng thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 nhằm giảm bớt việc đi lại của người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/03/2020, số lượng tiếp nhận và giao trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích đã tăng cao với tổng lượng hồ sơ các Chi nhánh tiếp nhận và giao trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích là: 9.300 hồ sơ, trong đó: 5.835 hồ sơ tiếp nhận và 3.465 hồ sơ giao trả kết quả. (703)(1,5)

(Linh Nga-https://baotainguyenmoitruong.vn/)

 



Tin liên quan