Thông tin ngày 06/08/2020

06/08/2020 | 14:55 PM

 | 

11. Kế hoạch tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh

 

Ngày 30/12/2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 248/KH-UBND về Tuyên truyền công tác cải cách hành chính tỉnh Sơn La năm 2020  

Nhằm không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân, tổ chức về ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác cải cách hành chính (CCHC) đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính bằng nhiều hình thức, thiết thực, hiệu quả; giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng thường xuyên các tiện ích của chính quyền điện tử trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông cấp huyện, cấp xã; cách thức thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến ở mức độ 3, 4 và qua dịch vụ bưu chính công ích.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai công tác tuyên truyền cần bám sát nội dung Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 3490/QĐ-BNV ngày 10/10/2016 của Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020”; Quyết định số 262/QĐ-UBND ngày 05/02/2013 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về cải cách hành chính giai đoạn 2012 - 2020 của tỉnh Sơn La”; Kế hoạch CCHC tỉnh Sơn La năm 2020 và kế hoạch này để lựa chọn hình thức, nội dung, phương pháp tuyên truyền thích hợp tại cơ quan, đơn vị đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tuyệt đối không chung chung, hình thức. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể, công chức, viên chức tích cực tham gia công tác tuyên truyền CCHC để thực hiện tốt Kế hoạch CCHC năm 2019 đã đề ra; kết hợp hình thức tuyên truyền truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền nhằm mang lại hiệu quả cao. Việc tuyên truyền về CCHC phải gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thực hiện lồng ghép việc tuyên truyền CCHC với việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản mới của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Sơn La.

UBND tỉnh cũng đề nghị 100% Cổng/Trang thông tin điện tử các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Đài truyền thanh huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tăng cường nội dung tuyên truyền; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã đăng tải, cập nhật đầy đủ bộ thủ tục hành chính100% cơ quan báo chí của tỉnh, cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại tỉnh có chương trình tuyên truyền công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh cập nhật thường xuyên, kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, các bộ thủ tục hành chính trên các loại hình thông tin tuyên truyền; hướng dẫn về thủ tục hành chính cần chính xác, chi tiết, tăng cường trả lời các tình huống cụ thể.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể, công chức, viên chức tích cực tham gia công tác tuyên truyền CCHC để thực hiện tốt Kế hoạch CCHC năm 2019 đã đề ra; kết hợp hình thức tuyên truyền truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền nhằm mang lại hiệu quả cao. Phát huy vai trò tích cực của các cơ quan tuyên truyền, cơ quan thông tin đại chúng trong việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về CCHC. Phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời những mặt tích cực cũng như hạn chế trong công tác CCHC ở các cấp, các ngành, các địa phương để cán bộ, nhân dân nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện về việc tổ chức thực hiện chương trình CCHC trên địa bàn tỉnh./(853) (2)

(Nguồn: https://sonla.gov.vn/)

12. Điện Biên: Tổng kết Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020

Ngày 10-7, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030.

Giai đoạn 2011-2020, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật. Điển hình là, công tác quán triệt, tuyên truyền về CCHC được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương; ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức tăng lên. Nhờ nỗ lực trong công tác CCHC Nhà nước, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) nên những năm gần đây chỉ số PCI của tỉnh đều có sự thăng hạng về thứ bậc trên bảng xếp hạng toàn quốc. Theo kết quả công bố của VCCI, năm 2019 chỉ số PCI của tỉnh Điện Biên đạt 64,11 điểm, tăng 3 bậc so với năm 2018, xếp thứ 44 trên bảng xếp hạng toàn quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014 chỉ số PCI của tỉnh đã vươn lên nằm trong nhóm các tỉnh có chỉ số khá của cả nước, xếp hạng thứ 7/14 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham luận về công tác tham mưu xây dựng cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và các giải pháp để nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; đổi mới, nâng cao công tác cải cách thể chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cấp huyện; công tác CCHC thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông...

Giai đoạn 2021-2030, chương trình CCHC Nhà nước tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu là: Cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính; triển khai hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 tại các cơ quan đơn vị trong tỉnh.

Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 9 tập thể và 15 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020. (420) (1,5)

(PHẠM KIÊN- https://www.qdnd.vn/)

 

13. TP Hà Tĩnh liên tục dẫn đầu về chỉ số CCHC trong khối huyện, thị xã, thành phố trong 4 năm (2016 -2019)

Giai đoạn 2011 – 2020, công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP Hà Tĩnh đạt được kết quả rõ nét trên cả 6 nội dung. Đây là đơn vị liên tục dẫn đầu về chỉ số CCHC trong khối huyện, thị xã, thành phố trong 4 năm (2016 -2019).

Thời gian qua, TP Hà Tĩnh đã đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được ban hành đúng thẩm quyền, đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý, khả thi. Giai đoạn 2010 – 2020, UBND thành phố đã ban hành 32 văn bản QPPL. Công tác tự kiểm tra văn bản QPPL được chú trọng.

Năm 2012, thành phố chính thức đưa vào sử dụng mô hình một cửa hiện đại. Tháng 4/2018, Trung tâm Hành chính công đi vào hoạt động. Nhiều quy trình, thủ tục hành chính (TTHC) được đơn giản hóa, thời gian giải quyết được rút ngắn, tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân trong thực hiện giao dịch hành chính.

Về kết quả giải quyết TTHC giai đoạn 2011 - 2020, tại thành phố đã tiếp nhận 189.579 hồ sơ TTHC, trong đó đã giải quyết đúng hạn 187.830 hồ sơ, đang giải quyết trong hạn 1.215 hồ sơ; phường, xã tiếp nhận 425.128 hồ sơ, đã giải quyết đúng hạn 424.451 hồ sơ.

Từ tháng 9/2018, UBND thành phố đã triển khai chỉ đạo áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích.

Những năm qua, các phòng, đơn vị đã có nhiều sáng kiến, giải pháp CCHC mang lại hiệu quả thiết thực như: thành lập Tổ dân phố điện tử, triển khai dịch vụ “Shipper hành chính” với giá 0 đồng…

Kết quả chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tăng theo các năm và năm 2019 đạt mức 95,2%.

Thời gian qua, thành phố cũng đã tích cực rà soát, kiện toàn bộ máy hành chính. Theo đó, số lượng đơn vị sự nghiệp trực thuộc giảm 9 đơn vị và 18 cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Về thực hiện tinh giản biên chế, so với biên chế được giao năm 2015, biên chế hiện có khối hành chính, sự nghiệp giảm 38 người. Việc bố trí, sử dụng công chức, viên chức trong thời gian qua đảm bảo đúng ngành nghề được đào tạo, phù hợp với năng lực chuyên môn.

Công tác triển khai các chính sách cải cách về thuế, thu nhập, tiền lương, tiền công và các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Việc thực hiện phân bổ, giao dự toán thu – chi ngân sách nhà nước hằng năm được thực hiện kịp thời, đúng quy định.

Về hiện đại hóa hành chính, hiện 100% cơ quan, đơn vị tập trung ứng dụng hệ thống phần mềm hồ sơ công việc, ý kiến chỉ đạo điều hành. 100% các TTHC theo quy định được tiếp nhận hồ sơ qua phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến.

Giai đoạn 2021 – 2030, TP Hà Tĩnh tiếp tục tập trung ban hành các văn bản chỉ đạo CCHC; tăng cường công tác thể chế; nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát TTHC; thực hiện tốt các nội dung về tổ chức bộ máy Nhà nước theo quy định; rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng người, đúng việc…

Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Quốc Tuấn đề nghị UBND thành phố, các cấp, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản, nghị quyết về công tác CCHC; thực hiện chỉ tiêu về triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, hồ sơ TTHC đã đề ra; sắp xếp bộ máy hành chính ngày càng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả… để tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về các chỉ số CCHC khối huyện, thị, thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường, trưởng các phòng, ban cần xem công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá để thực hiện có hiệu quả. Trung tâm Hành chính công là “bộ mặt” của thành phố, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đạo đức công vụ, thái độ làm việc. (790) (2)

(Ngọc Loan-Baohatinh.vn) 

 

14. Tăng cường thông tin về cải cách hành chính của Công an

Ngày 9-7, CATP Đà Nẵng tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) 6 tháng đầu năm 2020. Đại tá Trần Đình Chung, Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng chủ trì hội nghị.

Thời gian qua, CATP thực hiện hiệu quả các phần mềm, hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác và giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức; khai thác sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Theo báo cáo, từ tháng 12-2019 đến tháng 6-2020, CATP đã tiếp nhận 2.114.661 hồ sơ. Trong đó có 1.749.870 hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến với các thủ tục tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài; tiếp nhận thông báo lưu trú công dân Việt Nam; cấp hộ chiếu phổ thông. Theo đó đã trả kết quả đúng hạn 2.112.590 hồ sơ và số còn lại đang giải quyết. Ngoài ra, các đơn vị cũng đã phối hợp với Bưu điện Đà Nẵng chuyển trả 3.386 kết quả giải quyết TTHC, giấy tờ tạm giữ vi phạm giao thông đến địa chỉ yêu cầu của người dân. Hiện nay, CATP đã triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm hành chính thành phố và Bộ phận Một cửa UBND các quận, huyện thuộc 4 lĩnh vực: Cấp chứng minh nhân dân, đăng ký quản lý con dấu, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy.

Tiếp tục thực hiện hiện đại hóa hành chính, CATP đã triển khai thêm 3 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, nâng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên 13 dịch vụ, tương ứng với 15 TTHC. Phối hợp với Cục Cảnh sát Giao thông cài đặt, đưa vào hoạt động thí điểm dịch vụ công trực tuyến nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, CATP thường xuyên cập nhật thông tin ứng dụng “Tra cứu thông tin vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát” trên Trang thông tin điện tử CATP và UBND thành phố để người dân thuận tiện tra cứu, kiểm tra, chấp hành pháp luật.

Tại cuộc họp, Đại tá Trần Đình Chung chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác CCHC 6 tháng cuối năm, thực hiện nghiêm túc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả TTHC tại Bộ phận Một cửa. Đặc biệt là phải tăng cường thông tin về tình hình, kết quả cải cách hành chính. Đẩy mạnh tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân biết và thực hiện.(515) ( 1,5)

(M.V-http://cadn.com.vn/)

 

15. TPHCM nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư

Mới đây, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, qua đó nâng cao chỉ số PCI của TPHCM.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 được công bố vào tháng 5-2020, TPHCM đạt 67,16 điểm, xếp vị trí thứ 14, trong khi, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu đưa thành phố vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng PCI. Vì vậy, TPHCM đưa ra nhiều giải pháp nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, qua đó nâng cao chỉ số PCI.

Điểm tăng, nhưng thứ hạng ngày một giảm

Chỉ số PCI có 10 chỉ số thành phần; thang điểm mỗi chỉ số đều là 10. Điểm PCI được cộng lại từ điểm đánh giá 10 chỉ số thành phần này. Năm 2019, TPHCM có điểm PCI là 67,16 điểm, xếp thứ 14 trong 63 tỉnh thành của cả nước. Tuy nhiên, trong số 10 chỉ số thành phần thì TPHCM có tới 4 chỉ số chỉ đạt hơn 5. Chỉ số thành phần khá nhất là “dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” cũng chỉ đạt 7,39 điểm và chỉ số “thiết chế pháp lý” lại đứng áp chót. Nhìn lại, TPHCM từng đứng thứ 4 (năm 2014), nhưng sau đó thứ hạng giảm từng năm, xuống 6 (năm 2015), xuống 8 (trong năm 2016 và năm 2017) rồi thứ 10 (năm 2018). Đến năm 2019 xếp thứ 14, thấp hơn tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh tới 6,24 điểm. Đây là kết quả đáng quan tâm. Bởi lẽ, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng PCI.

Đi sâu phân tích, TPHCM có những chỉ số thuộc nhóm điểm cao, như “dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” (7,39 điểm), “chính sách đào tạo lao động tốt” (7,3 điểm). Và nhìn tổng thể, TPHCM vẫn tăng điểm PCI qua các năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng điểm vẫn khá chậm so với các địa phương dẫn đầu. Cụ thể, năm 2017, bảng xếp hạng PCI ghi nhận nhiều địa phương có tăng điểm bứt phá. Trong khi TPHCM tăng được 3,47 điểm thì Quảng Ninh tăng thêm 5,09 điểm và vươn lên vị trí dẫn đầu cả nước và giữ vững vị trí đứng đầu cả nước suốt 3 năm qua.

Kết quả trên cho thấy, mặc dù TPHCM có tổng điểm tăng, nhưng tốc độ tăng chậm so với tốc độ chung của các địa phương nhóm đầu; đồng thời, TPHCM vẫn còn có nhiều chỉ số thành phần điểm thấp, thậm chí giảm điểm. Đó là lý do mà thứ hạng của TPHCM trên bảng xếp hạng PCI cả nước ngày càng giảm.

Chia sẻ thêm về cách tính điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế của VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), Giám đốc chương trình PCI, cho biết có 12.429 doanh nghiệp (DN) tham gia điều tra PCI năm 2019; trong đó có 10.846 DN dân doanh ở tất cả tỉnh thành và 1.583 DN FDI ở 21 tỉnh thành.

Với cách tính này, TPHCM cho rằng việc lấy phiếu đánh giá của một nhóm các DN để đánh giá cho năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TPHCM chưa phản ánh toàn diện thực tế phát triển của địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, lãnh đạo TPHCM vẫn nhìn nhận sự chuyển biến trong cải cách chưa thực sự mạnh mẽ.

Nâng vị trí xếp hạng PCI 

Mới đây, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, qua đó nâng cao chỉ số PCI của TPHCM. Trước hết, TPHCM sẽ duy trì nhóm các chỉ số tốt như dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động. Các chỉ số này dù giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng nhưng có xu hướng giảm, nên cần tập trung các biện pháp để duy trì mức điểm cao và tăng lên trong năm 2020 cũng như trong giai đoạn 2020-2025. Trong đó, TPHCM xác định sẽ tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng lực sản xuất.

Các chỉ số bình quân cần có những giải pháp cải thiện về lâu dài là chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số về tính minh bạch, chỉ số chi phí thời gian. Trong đó, đáng chú ý là TPHCM sẽ thực hiện nghiêm quy định về cung cấp, đăng tải thông tin đấu thầu; tăng cường áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng đảm bảo lộ trình theo quy định của Bộ KH-ĐT. Cụ thể, trong năm 2020, TPHCM tập trung tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 100% các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù… 

TPHCM cũng xác định nhóm các chỉ số dưới trung vị cả nước cần tập trung cải thiện ngay, gồm chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số chi phí không chính thức, chỉ số cạnh tranh bình đẳng, chỉ số tính năng động, chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Để tăng chỉ số cạnh tranh bình đẳng, TPHCM nhấn mạnh sẽ kêu gọi đầu tư đối với các công trình trọng điểm, các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích đầu tư của thành phố theo quy định pháp luật tới các DN trên địa bàn, đảm bảo sự cân xứng trong việc tiếp nhận thông tin của các DN trong và ngoài nước, khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn.

Đặc biệt, với chỉ số về thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (chỉ số được các chuyên gia cho là rất quan trọng với một môi trường đầu tư hướng tới dịch vụ giá trị gia tăng cao như TPHCM), thì thành phố xác định xây dựng ngay cơ chế, quy trình giúp DN tố cáo các hành vi tham nhũng của cán bộ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. TPHCM cũng sẽ làm việc với VCCI để được hỗ trợ tư vấn cho thành phố cải thiện thứ hạng và điểm số. (1.165)  (2,5)

 (MAI HOA-https://www.sggp.org.vn/)

 

16. Ðẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về dịch vụ công trực tuyến 

Từ đầu năm đến nay, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn quận Ô Môn đạt nhiều kết quả tích cực. Việc tuyên truyền, hướng dẫn về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được đẩy mạnh. Qua đó, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết TTHC, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Theo UBND quận Ô Môn, 6 tháng đầu năm 2020, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết trong kỳ báo cáo là 14.191 hồ sơ (bao gồm cả hồ sơ giải quyết theo cơ chế Một cửa và Một cửa liên thông). Số hồ sơ đã giải quyết trong kỳ là 13.899 hồ sơ, tồn 292 hồ sơ còn trong thời hạn giải quyết; trong đó, tất cả 13.899 hồ sơ đều được giải quyết đúng hẹn.

Bên cạnh nỗ lực giải quyết hồ sơ TTHC, các ban, ngành, đoàn thể quận còn đẩy mạnh tuyên truyền cải cách hành chính (CCHC). Ðặc biệt, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của quận và các phường tập trung hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 khi giao dịch TTHC. Nội dung hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã được quận điều chỉnh phù hợp với thực tế do thành phố chuyển đổi sang phần mềm Dịch vụ công thành phố Cần Thơ. Ông Nguyễn Thanh Giang, ngụ phường Thới Hòa, quận Ô Môn, nói: "Hiện nay, khi đến phường thực hiện các TTHC, tôi nhận thấy cán bộ phường thân thiện, nhiệt tình, thủ tục nhanh và đơn giản hơn trước nhiều. Ðôi khi, có người không viết được đơn, cán bộ hoặc đoàn thanh niên còn hỗ trợ viết giúp".

Tại phường Thới An, lãnh đạo phường đã ban hành kế hoạch thực hiện khâu đột phá CCHC thông qua mô hình "Hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3". Bà Trần Thị Lệ Hà, công chức Tư pháp phường Thới An, cho biết: "Khi người dân liên hệ làm TTHC tại bộ phận Một cửa, công chức Văn Phòng - Thống kê chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện các bước nộp hồ sơ trực tuyến, như: đăng ký thông tin cá nhân, đăng nhập tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến và hướng dẫn tra cứu theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ. Song song với việc hướng dẫn tổ chức, công dân nộp hồ sơ trực tuyến, UBND phường sẽ kết hợp phát tờ bướm "Những nét chính về công tác CCHC quận Ô Môn" để người dân tìm hiểu và tự nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà khi có nhu cầu. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, phường đã hướng dẫn cho 33 người".

Theo ông Nguyễn Quang Duy, Trưởng Phòng Nội vụ quận Ô Môn, 6 tháng đầu năm, toàn quận chưa phát sinh hồ sơ của người dân, tổ chức nộp qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mặc dù công tác tuyên truyền hướng dẫn sử dụng phần mềm Dịch vụ công trực tuyến được thực hiện thường xuyên và liên tục. Việc duy trì tổ chức chương trình "Thứ bảy gặp gỡ doanh nghiệp" định kỳ vào ngày thứ bảy đầu tiên của tháng, nhằm kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp và các hộ tiểu thương, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra hướng giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình chưa nhiều. Bên cạnh đó, trên hệ thống Một cửa điện tử còn thể hiện 108 hồ sơ giải quyết quá hạn, nguyên nhân do sơ suất trong quá trình xử lý hồ sơ trên Hệ thống Một cửa điện tử của công chức thực hiện giải quyết hồ sơ nên hệ thống báo trễ hẹn trong khi thực tế người dân đã nhận hồ sơ đúng thời gian quy định.

Trước tình hình đó, quận chỉ đạo Văn phòng HÐND và UBND quận xúc tiến ban hành văn bản đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ TTHC theo quy định, không để phát sinh hồ sơ trễ hạn; cập nhật đầy đủ, kịp thời tình hình, tiến độ, kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống Một cửa điện tử, đảm bảo thống nhất với hồ sơ thực tế (hồ sơ giấy).

Lãnh đạo quận cũng đã triển khai, đôn đốc, nhắc nhở các phòng chuyên môn quận tăng cường việc gửi nhận liên thông văn bản điện tử thông qua phần mềm Hệ thống Quản lý văn bản điều hành thành phố Cần Thơ đã được triển khai thực hiện đến tất cả cơ quan hành chính quận. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân và tổ chức thực hiện nộp hồ sơ qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, dịch vụ bưu chính công ích tại quận và phường. Ðồng thời, duy trì và đổi mới nội dung tuyên truyền CCHC quận Ô Môn và hướng dẫn các bước sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 phù hợp với thực tế. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu về các nội dung của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) gắn với trách nhiệm các cơ quan, đơn vị quận, trách nhiệm của người đứng đầu. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI giai đoạn 2018-2020. (976)  (2)

(HOÀNG YẾN-https://baocantho.com.vn/)

 

17. TP.HCM: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 7 chương trình đột phá

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, 7 chương trình đột phá được TP. HCM thực hiện thời gian qua đã đạt nhiều kết quả nhưng cần rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn với hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm vừa có báo cáo về kết quả 5 năm (2015-2020) thực hiện 7 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, tại hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 42.

Ông Liêm đã khái quát những điểm làm được và những mặt hạn chế trong thực hiện 7 chương trình đột phá.

Cải cách hành chính đem lại sự hài lòng cao

 Về chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Liêm cho biết đến nay đã đào tạo được hơn 76.650 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, các chỉ tiêu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học đạt kết quả khả quan.

“Đội ngũ cán bộ, công chức thuộc các chương trình cán bộ trẻ được đào tạo tốt và có phẩm chất, năng lực, có tư duy năng động, đổi mới, sáng tạo, khao khát cống hiến cho sự phát triển của TP”, ông Liêm nói.

Tuy nhiên, theo ông Liêm ở chương trình đột phá này nhiều chỉ tiêu chưa đạt được.

Về chương trình cải cách hành chính, ông Liêm cho biết tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp qua các đợt khảo sát, đánh giá bình quân trên 80%. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đối với tổng số thủ tục hành chính ở 3 cấp của TP đạt trung bình (2016-2019) là 99,4% và ngày càng tốt hơn qua các năm.

Mặc dù vậy, ông Liêm cũng nhìn nhận việc đánh giá, khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp tuy đã được chú trọng thực hiện nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn trong các lĩnh đầu tư, đất đai, xây dựng. Thái độ khi giải quyết thủ tục hành chính của một số cán bộ còn thiếu chuẩn mực, chưa thật sự xác định người dân là đối tượng cần phục vụ. Chưa phát huy được các chính sách về thu hút, sử dụng người có tài năng đặc biệt.

Năng lực cạnh tranh chưa cao

Về chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế TP, có 3 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch.

Trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, GRDP tăng bình quân 7,6%. Chất lượng tăng trưởng theo hướng tích cực và hiệu quả, tạo điều kiện để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hiện đại, tăng cơ cấu ngành dịch vụ, phát triển công nghiệp và duy trì ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, dưới tác động mạnh của dịch COVID-19, GRDP năm 2020 của TP ước chỉ tăng 5-5,3%. Ông Liêm cho rằng đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế cả nhiệm kỳ chưa đạt 8-8,5%/năm.

Ngoài ra, ở chương trình đột phá này chưa thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn. Chỉ tiêu xếp hạng cạnh tranh PCI thuộc nhóm 5 tỉnh thành tốt nhất cả nước chưa đạt, mặc dù điểm số đều tăng qua các năm. Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao.

Khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm, giảm ùn tắc

Về chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, đến cuối năm nay cơ bản sẽ đạt 6/7 chỉ tiêu đề ra. TP đã tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại nhiều khu vực như Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái.

Tuy nhiên, tai nạn và ùn tắc giao thông vẫn còn diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp hơn, số người chết do tai nạn giao thông vẫn còn cao.

Về chương trình giảm ngập nước, ông Liêm khẳng định chỉ tiêu giảm ngập các tuyến đường do mưa đã đạt kết quả tích cực. Đơn cử như đối với tuyến đường trục chính giải quyết được 25/36 tuyến (đạt 69,4%), đối với các tuyến đường, hẻm do quận huyện quản lý đã hoàn thành 179/179 tuyến.

Đối với các tuyến đường bị ngập do triều, dự kiến đến cuối năm nay giải quyết được 9/9 tuyến đường. Đã hoàn thành 22 công trình chống ngập.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng lún ngày càng rõ nét, mật độ đô thị hóa nhanh trong khi hạ tầng kỹ thuật không theo kịp, bê tông hóa làm mất diện tích điều hòa, trữ nước...

Cần đột phá mạnh hơn

Về chương trình giảm ô nhiễm môi trường, đã hoàn thành 12/16 chỉ tiêu đặt ra, 37/54 chương trình đã hoàn thành.

Theo ông Liêm, kết quả quan trọng mang tính đột phá trong giai đoạn này là đã vận động người dân toàn TP quan tâm phân loại rác tại nguồn, giảm sử dụng túi ni-long khó phân hủy và hình thành ý thức bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều vấn đề về môi trường tại khu vực giáp ranh chưa giải quyết được triệt để.

Về chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, đã có những bước chuyển biến tích cực, cơ bản đã hoàn thành 3/4 nội dung. Hoàn tất kiểm định chất lượng 474 chung cư; cải tạo, sửa chữa 199 chung cư và hoàn tất di dời 14 chung cư.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng bảy chương trình đột phá được triển khai bằng nhiều biện pháp và đã đạt nhiều kết quả, góp phần vào sự phát triển của TP.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để các chương trình đạt 100% mục tiêu đề ra. Từ đó, ông đề nghị các đại biểu cần đánh giá kết quả thực hiện đối với từng chương trình, rút kinh nghiệm để TP tiếp tục đột phá mạnh hơn trong thời gian tới. (1.086) (2,5)

(TÁ LÂM- https://plo.vn/)

 

18. Phường 10 quận 5 hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính tại nhà

Sáng 8-7, Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 10, quận 5 tổ chức buổi ra mắt công trình phục vụ nhân dân, gồm tổ hỗ trợ tiếp nhận và trả hồ sơ tại nhà; tờ gấp chung tay cải cách hành chính. Buổi ra mắt có sự tham gia của nhiều người dân trên địa bàn phường.

Tổ hỗ trợ tiếp nhận và trả hồ sơ tại nhà cho người dân trên địa bàn phường 10 gồm 5 thành viên, do Bí thư đoàn thanh niên phường 10 làm tổ trưởng, và thành viên là cán bộ hội phụ nữ, đoàn thành niên, chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình, trật tự đô thị phường.

Tại buổi ra mắt, Chủ tịch UBND phường 10 Nguyễn Xuân Thọ cho biết, người dân có thể liên hệ qua số điện thoại của tổ trưởng tổ hỗ trợ khi có nhu cầu hỗ trợ các thủ tục chứng thực bản sao, cấp bản sao trích lục hộ tịch (kết hôn, khai sinh, khai tử). Tổ hỗ trợ sẽ có mặt tại nhà dân, tiếp nhận hồ sơ hoặc hướng dẫn bổ sung hồ sơ theo đúng quy định. Khi người dân có nhu cầu, cán bộ phường sẽ tới tận nhà nhận hồ sơ, sau đó mang về phường giải quyết và trả hồ sơ tại nhà cho người dân

ờ gấp cung cấp mã QR hướng dẫn quy trình giải quyết thủ tục hành chính người dân thường xuyên thực hiện, như chứng thực bản sai, chứng thực chữ ký, đăng ký khai sinh, kết hôn, trích lục hộ tịch, hướng dẫn đăng ký tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện…

Bí thư Đảng ủy phường 10 Chu Xuân Khoa nhấn mạnh, việc ra mắt công trình cải cách hành chính phục vụ người dân lần này có ý nghĩa thiết thực chào mừng đại hội Đảng bộ quận. Từ đây, người dân có thêm nhiều phương thức để thực hiện thủ tục hành chính. (344) (1,5)

(MAI HOA- https://www.sggp.org.vn/)

 

19. Điểm nhấn trong cải cách hành chính của Bộ đội biên phòng

 “Bộ đội biên phòng (BĐBP) là đơn vị đầu tiên của Bộ Quốc phòng ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với 21 thủ tục biên phòng điện tử (BPĐT) ở mức độ 3, 4 trên Cổng thông tin thủ tục BPĐT kết nối Cổng thông tin điện tử quốc gia; tự động hóa kiểm soát xuất nhập cảnh (XNC) tại cửa khẩu biên giới đất liền, rút ngắn được thời gian làm thủ tục, giảm nhân lực, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi trong công tác XNC, xuất nhập khẩu cho người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh” - Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khẳng định tại buổi làm việc với UBND thành phố Hải Phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Hải Phòng về công tác cải cách hành chính (CCHC), ngày 4-7, tại thành phố Hải Phòng.

Trong giai đoạn 2011-2020, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt nội dung CCHC. Chủ động tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền những vướng mắc, bất cập và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác CCHC. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục BPĐT theo Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; áp dụng công nghệ mã vạch 2D trong kiểm soát XNC. Chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố niêm yết thủ tục hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền tiếp nhận; thiết lập đường dây “nóng” tiếp nhận phản ánh, kiến nghị tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, tránh gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai có hiệu quả việc sử dụng Internet tại 36 cửa khẩu với 21 thủ tục hành chính điện tử. Thực hiện thủ tục cấp thị thực và các loại giấy phép vào tất cả các ngày trong tuần, tạo thuận lợi, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho thuyền viên, hành khách.

Theo Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP, BĐBP đã rà soát trên 2.000 văn bản về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đề nghị thay thế 61 văn bản; sửa đổi, bổ sung 27 văn bản; ban hành mới 48 văn bản. Tham mưu cho các cơ quan chức năng cắt giảm từ 9 loại bản khai xuống còn 5 loại, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục biên phòng xuống còn 10 - 15 phút. Làm thủ tục cho một con tàu cập cảng, chuyển cảng đi và đến, thông qua thực hiện thủ tục BPĐT theo Cơ chế một cửa quốc gia, người làm thủ tục có thể thực hiện khai báo và nhận kết quả tại bất cứ địa điểm nào có internet và cùng một lúc có thể làm thủ tục cho nhiều tàu. “Với quy trình đơn giản, thủ tục biên phòng trước khi tàu đến cảng, rời cảng không mất thời gian chờ đợi, tiết kiệm được chi phí đi lại, chi phí neo đậu tại cảng... BĐBP đã chuyển đổi phương thức kiểm tra, giám sát bằng phương tiện kỹ thuật, triển khai thí điểm kiểm tra, kiểm soát bằng công nghệ in mã vạch 2D, qua đó rút ngắn thời gian đăng ký xuống 30-60 giây/người. Dự kiến, trong năm 2020, sẽ triển khai mở rộng từ 5-7 cửa khẩu cảng và đến cuối năm 2021, sẽ triển khai toàn bộ các cửa khẩu cảng trên toàn quốc” – Thiếu tướng Lê Đức Thái nhấn mạnh.

Đối với cải cách tổ chức bộ máy hành chính, BĐBP là một trong những đơn vị đi đầu của toàn quân về việc tinh giản bộ máy, tinh giản tổ chức, biên chế. Trong 5 năm qua, BĐBP đã giảm 24 đầu mối khối cơ quan Bộ Tư lệnh BĐBP; 23 đầu mối đơn vị trực thuộc và 103 đầu mối thuộc BĐBP cấp tỉnh. “Thực hiện Đề án “Tổ chức lực lượng của BĐBP giai đoạn 2017 - 2021 và những năm tiếp theo”, mục tiêu đến năm 2021, giảm khoảng 8,5% quân số; các năm tiếp theo trung bình mỗi năm giảm 1,5% quân số, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng BĐBP tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” – Thiếu tướng Lê Đức Thái cho hay.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi nhận kết quả CCHC của BĐBP, đồng thời nhấn mạnh: Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai nghiêm túc các đề án, quy định của Bộ Quốc phòng về tổ chức, biên chế, các đơn vị cơ sở được thu gọn theo hướng giảm mạnh đầu mối, quân số của cơ quan trung gian, tăng cường cho các đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến biên giới, nhất là địa bàn trọng điểm. “BĐBP là đơn vị đầu tiên của Bộ Quốc phòng ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với 21 thủ tục BPĐT ở mức độ 3, 4 trên Cổng thông tin thủ tục BPĐT kết nối Cổng thông tin điện tử quốc gia. Đồng thời, tự động hóa kiểm soát XNC tại cửa khẩu biên giới đất liền, rút ngắn được thời gian làm thủ tục, giảm nhân lực, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi trong công tác XNC, xuất nhập khẩu, đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng được hình ảnh hiện đại tại cửa khẩu; từng bước đáp yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội dung nhiệm vụ CCHC, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, BĐBP tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác giáo dục - đào tạo, huấn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, xây dựng đội ngũ cán bộ cửa khẩu có bản lĩnh chính trị vững vàng; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. (1.215) (2,5)

 (Viết Hà- https://www.bienphong.com.vn/)

 



Tin liên quan