Thông tin Cải cách hành chính tháng 3/2021

15/03/2021 | 10:07 AM

 | 

Cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nội dung chủ yếu của khoa học hành chính, không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn mang tính thực tiễn cao. Bộ máy hành chính nhà nước là một bộ phận không tách rời khỏi bộ máy nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị của một quốc gia nói chung, nên nó chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các yếu tố chính trị, yếu tố kinh tế - xã hội, cũng như mang tính đặc trưng khác của mỗi quốc gia như truyền thống văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển… CCHC ở các nước khác nhau nên cũng mang sắc thái riêng, được tiến hành trên những cấp độ khác nhau, ở nội dung khác nhau. Ở Việt Nam, CCHC được xác định là một bộ phận quan trọng của công cuộc đổi mới, là trọng tâm của tiến trình cải cách nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thông tin Cải cách hành chính tháng 3/2021

1. Về tổ chức bộ phận một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính

Thực hiện quy định tại Điều 7 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ, thời gian qua các Bộ, ngành và địa phương đã tập trung triển khai hiệu quả các nội dung theo quy định. Đặc biệt, Bộ phận Một cửa (BPMC) đã được quan tâm kiện toàn, hầu hết các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân ở cấp tỉnh, cấp huyện và 100 % Ủy ban nhân dân ở 3 cấp chính quyền: tỉnh, huyện, xã đều thành lập BPMC (vừa tập trung vừa riêng lẻ tại từng cơ quan, đơn vị). Đến thời điểm hiện nay, cả nước có tổng số 11.461 BPMC (chưa kể BPMC của các cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương), cụ thể:

Tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Đã thành lập 76 BPMC, trong đó: BPMC tập trung là 14; trực thuộc đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 62 BPMC. Đây là đầu mối tập trung của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp nhận 2.811 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Cấp tỉnh: Đã thành lập 52 Trung tâm Phục vụ hành chính công, trong đó: Trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là 02 (tỉnh Quảng Ninh và Bắc Ninh) và  265 BPMC tại các sở, ban ngành thuộc tỉnh là đầu mối tập trung của tỉnh tiếp nhận khoảng 1.326 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Cấp huyện: Có 706/706 (100%) Ủy ban nhân dân cấp huyện đều đã thành lập BPMC thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trụ sở BPMC cấp huyện đa phần nằm trong khuôn viên Ủy ban nhân dân cấp huyện. BPMC cấp huyện là đầu mối tập trung để tiếp nhận khoảng 263 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các phòng, ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Cấp xã: Có khoảng 10.220 BPMC được thành lập tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Các BPMC này đa phần đều được đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xãthực hiện nhiệm vụ tiếp nhận khoảng 126 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp xã. Với quy định và cách thức tổ chức BPMC như hiện nay dẫn đến tình trạng bất hợp lý, đó là: Số lượng BPMC trên cả nước rất nhiều (được thành lập vừa tập trung, vừa riêng lẻ tại từng cơ quan, đơn vị) (478. 1).

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ Y tế.

2. Nhân sự tại Bộ phận một cửa các cấp đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định

Theo quy định tại Điều 10, 11 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì nhân sự làm việc tại Bộ phận Một cửa (BPMC) của cấp nào là do cấp đó cử đến và phải đảm bảo tiêu chuẩn: Đủ tiêu chuẩn chung về phẩm chất theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại BPMC cấp bộ (bao gồm tổng cục và tương đương, cục), cấp tỉnh, cấp huyện đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên; có thâm niên công tác tối thiểu 03 năm trong ngành, lĩnh vực được phân công và được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ; có phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong thi hành nhiệm vụ được giao; có tác phong, thái độ giao tiếp, cư xử lịch sự, hòa nhã, cởi mở, thân thiện, chuẩn mực, đúng quy chế văn hóa công sở.

Trên cơ sở quy định trên, các cơ quan đơn vị đã bố trí cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại BPMC. Theo số liệu báo cáo của 26 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 60/63 địa phương thì đến hết tháng 6 năm 2020 cả nướctrên 51.000 cán bộ, công chức, viên chức trực tại BPMC, cụ thể:

Nhân sự tại BPMC của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gồm 922 công chức, viên chức thuộc biên chế của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong đó nhiều nhất là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 655 cán bộ, viên chức được bố trí tại 64 chi nhánh ở địa phương; ít nhất là Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 01 công chức; nhân sự tại BPMC cấp tỉnh có tổng số 2.008 cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế của các sở, ban, ngành với số lượng trung bình mỗi Trung tâm bố trí khoảng 34 công chức, viên chức (nhiều nhất là tại Bình Dương với 105 cán bộ, công chức, viên chức; ít nhất là tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Phú Yên với 14 cán bộ, công chức, viên chức); nhân sự tại BPMC cấp huyện gồm cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện và của các phòng, ban chuyên môn, với tổng số 6.329 người, nhiều nhất là tỉnh Quảng Ninh với 443 người; ít nhất là tỉnh Quảng Nam với 104 người. Trung bình mỗi BPMC cấp huyện là 10 người; nhân sự tại BPMC cấp xã gồm các công chức và người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã với tổng số 39.767 người, nhân sự trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả từ 01 đến 03 người/01 BPMC (522. 1).

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ Y tế.

3. Số lượng thủ tục hành chính đưa ra Bộ phận Một cửa các cấp trong cả nước

Cả nước hiện có tổng số 6.787 thủ tục hành chính, trong đó: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: 4.282 thủ tục hành chính; địa phương 2.505 thủ tục hành chính. Trong đó, sthủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông là 3.209 thủ tục, cụ thể: Bộ phận một cửa của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp nhận 2.811 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Bộ phận một cửa cấp tỉnh tiếp nhận khoảng 1.326 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Bộ phận một cửa cấp huyện là đầu mối tập trung để tiếp nhận khoảng 263 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các phòng, ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; Bộ phận một cửa cấp xã thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận khoảng 126 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp xã (250. 0.5).

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ Y tế.

4. Kết quả tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa

Theo số liệu thống báo tổng kết của Văn phòng Chính phủ, từ năm 2018 (từ khi Nghị định 61/2018/NĐ-CP có hiệu lực) đến Quý IV năm 2020, số lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết tại BPMC, cụ thể như sau: Tổng số hồ sơ tiếp nhận: 234.856.342 hồ sơ, gồm: Tiếp nhận trực tiếp, bưu chính: 220.952.063 hồ sơ, tương ứng 94,08%; Tiếp nhận trực tuyến: 13.904.279 hồ sơ, tương ứng 5,92 %; Tổng số hồ sơ đã giải quyết: 125.413.887 hồ sơ, gồm: Đúng hạn, trước hạn: 124.395.598 hồ sơ, tương ứng 96,64%; Quá hạn: 1.018.289 hồ sơ, tương ứng 0,81 %;

Đã trả kết quả: 116.849.297 hồ sơ, gồm: Trả kết quả trực tiếp, bưu chính: 110.645.372 hồ sơ, tương ứng 94,7 %; Trả kết quả trực tuyến: 6.203.925 hồ sơ, tương ứng 5,3 %.

- Chưa giải quyết: 109.443.455 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 46,6 % so với số hồ sơ đã tiếp nhận. Trong đó: Cấp bộ: Tiếp nhận 4.194.749 hồ sơ; đã giải quyết: 3.975.798 hồ sơ (quá hạn 93.738 hồ sơ = 2,35%); chưa giải quyết: 218.951 hồ sơ; Địa phương: Tiếp nhận 230.662.593 hồ sơ; đã giải quyết: 121.438.089 hồ sơ (quá hạn 924.551 hồ sơ = 0,76%); chưa giải quyết: 109.224.504 hồ sơ.Số liệu trên cho thấy: các cơ quan một cửa đều đang thực hiện XUẤT SẮC các TTHC công ( >96% trước hạn hoặc đúng hạn). Tuy nhiên thực tế đi sâu vào dữ liệu có những vấn đề sau: Số hồ sơ chưa giải quyết trên tổng số hồ sơ từ 2018 là 109.443.455 chiếm 46,6 % tổng số hồ sơ – số này quá lớn, hoặc sai số liệu hoặc đây chính là vấn đề để đạt được 96% đúng hạn, các BPMC đã loại các hồ sơ không muốn giải quyết; Trung bình một CBCCVC tại BPMC của bộ, ngành có năng suất tiếp nhận 3.583 hồ sơ, trong khi tại địa phương là 1.879 hồ sơ/năm tương đương tiếp nhận 4 - 6 hồ sơ/ngày. Sự chênh lệch này cho thấy năng suất tiếp nhận và xử lý hồ sơ thấp.

Bên cạnh đó, do chưa có cách thức theo dõi, đánh giá năng suất, chất lượng việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ tại BPMC một cách khách quan, toàn diện, hiệu quả nên thực tế khâu hướng dẫn, kiểm tra, xem xét trước khi nhận hồ sơ thường là khâu dễ phát sinh nhũng nhiễu, phiền hà cho cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC nhất. Do chỉ khi công chức tại BPMC đồng ý thì hồ sơ mới được tiếp nhận, dẫn đến mặc dù tỷ lệ giải quyết TTHC đúng và trước hạn rất cao, nhưng không hoàn toàn đồng nghĩa với tỷ lệ hài lòng của cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC, vẫn còn nhiều trường hợp không tiếp nhận hồ sơ với những lý do hết sức vô lý, trái quy định của pháp luật. Do đó, người dân vẫn phải đi lại nhiều lần để nộp hồ sơ trực tiếp, do hồ sơ bị trả lại nhiều lần (Phú Yên). Ngoài ra, người dân còn chưa quan tâm, đánh giá mức độ hài lòng đối với giải quyết TTHC, kết quả này còn chưa được đưa vào việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại BPMC (585. 1).

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ Y tế.

5. Yêu cầu đổi mới Quy trình giải quyết thủ tục hành chính

Quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Bộ phận Một cửa các cấp hiện nay có thể khái quát gồm 05 bước cụ thể như sau: B1: Hướng dẫn kê khai, chuẩn bị hồ sơ thực hiện TTHC; B2: Tiếp nhận HS TTHC; B3: Chuyển HS đến Cơ quan có thẩm quyền giải quyết; B4: Cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC; B5: Trả HS kết quả giải quyết TTHC.

Theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP thì tất cả các công việc từ hướng dẫn (Điều 15), tiếp nhận hồ sơ TTHC (Điều 17), chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết (Điều 18), giải quyết TTHC (Điều 19) đều do công chức trực tại BPMC thực hiện. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu về nội dung, tính chất công việc tại các bước trong quy trình giải quyết TTHC và thực tiễn thực hiện cho thấy, các công việc tại bước hướng dẫn (Điều 15), tiếp nhận hồ sơ TTHC (Điều 17), chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết (Điều 18) và trả hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC không nhất thiết phải do cơ quan nhà nước thực hiện, cụ thể: Hướng dẫn kê khai, chuẩn bị hồ sơ thực hiện TTHC; tiếp nhận hồ sơ TTHC (xem xét, kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ; quét (scan) và lưu trữ hồ sơ điện tử, cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương, thu phí, lệ phí (nếu có) lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả (hồ sơ giấy), hoặc xem xét, kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ (hồ sơ trực tuyến); chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; nhận kết quả từ cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức. Riêng đối với việc giải quyết TTHC (xem xét, thẩm định hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và phê duyệt kết quả giải quyết TTHC) vẫn thuộc cơ quan hành chính nhà nước thực hiện.

Việc giao cho công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa (BPMC) chịu trách nhiệm thực hiện tất cả các công việc từ khâu đầu (hướng dẫn) cho đến khâu cuối (trả kết quả giải quyết TTHC), tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị như hiện nay cho thấy cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện TTHC vẫn phải tiếp xúc trực tiếp với công chức, viên chức nhà nước - người giải quyết TTHC. Đồng thời, do phải trực tại BPMC hàng ngày, trong khi số lượng công chức, viên chức hạn chế nên rất khó khăn trong việc bố trí người thay thế dẫn đến công chức, viên chức bộ phận này không được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức một cách thường xuyên. Do đó, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc cũng như đáp ứng yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ tại BPMC (566. 1).

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ Y tế.

6. Thẩm quyền giải quyết thủ tục tại Bộ phận Một cửa các cấp

Điều 14 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP quy định về phạm vi tiếp nhận thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa:

Tại Bộ, cơ quan ngang bộ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của các đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; tổng cục và tương đương, cục thuộc bộ tiếp nhận hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của cơ quan, đơn vị mình; các cơ quan của Trung ương được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương tiếp nhận hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của cơ quan, đơn vị mình;

Tại cấp tỉnh: Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp nhận hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, những TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, của Ủy ban nhân dân cấp huyện được giao tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công; Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tiếp nhận TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của cơ quan mình, TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, của Ủy ban nhân dân cấp huyện được giao tiếp nhận tại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh;

Tại cấp huyện: Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện thực hiện tiếp nhận hồ sơ tất cả TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện, một số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao tiếp nhận tại cấp huyện;

Tại cấp xã: Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã tiếp nhận hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã và những TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện được giao tiếp nhận hồ sơ tại cấp xã (461. 1).

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ Y tế.

   7. Về cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính

Đến nay hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều đã, đang xây dựng và hoàn thiện Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch công kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại Trung tâm phục vụ hành chính công, hoặc Bộ phận Một cửa (BPMC) cấp tỉnh đã được thực hiện rộng rãi ở nhiều công đoạn. Đối với bộ phận một cửa cấp huyện đã được ứng dụng CNTT (phần mềm một cửa) để phục vụ cho công tác quản lý nội bộ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả cho tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT tại BPMC cấp xã còn hạn chế. Một số địa phương đã triển khai trong việc ứng dụng CNTT (mô hình một cửa liên thông) trong công tác giải quyết TTHC. Tuy nhiên, việc theo dõi, quản lý chủ yếu vẫn được thực hiện thủ công (bằng sổ, sách), chưa có sự hỗ trợ nhiều của CNTT.

Thực tế, về bản chất Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công chỉ là một, cùng để thực hiện việc giải quyết TTHC, dịch vụ công cho người dân, trong đó có thể hiểu một cách khái quát là: Cổng dịch công là giao diện bên ngoài, “một cửa” điện tử (ảo) để tiếp nhận hồ sơ thực hiện TTHC của người dân. Tuy nhiên, do mỗi địa phương xây dựng Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử theo mô hình khác nhau: có Bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử chung trên cùng một hệ thống, có nơi lại xây dựng thành hai Hệ thống riêng biệt. Đặc biệt, tất cả các hệ thống này trên phạm vi cả nước đều chưa có sự kết nối, chia sẻ thông tin hai chiều, mà mới chỉ thực hiện được một chiều…(348. 1).

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ Y tế.

8. Hiệu quả của việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến

 Có thể thấy dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Tại Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020 định hướng đến năm 2025, Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 - mức độ người dân chỉ cần ở nhà đăng ký dịch vụ, kết quả sẽ được trả về tận nhà mà không phải đến các cơ quan chức năng nhận lại giấy tờ. Điều này không chỉ góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và các tổ chức khi đi giải quyết các TTHC mà các hoạt động giải quyết hành chính của cơ quan nhà nước cũng minh bạch hơn, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người dân và cơ quan công quyền, góp phần phòng chống tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng, qua đó cải cách hành chính của đất nước toàn diện hơn. 

Với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhiều người dân tỏ ra hài lòng vì có thể giải quyết công việc và nhận kết quả tại nhà mà không phải trực tiếp tới các cơ quan chức năng, đặc biệt là trong thời gian cách ly xã hội. Các TTHC được quy trình hóa trên hệ thống phần mềm hồ sơ, thủ tục được giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xử lý đến hoàn trả kết quả. Sự chuyên nghiệp trong quy trình giải quyết hồ sơ điện tử không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng hài lòng. Nhờ dịch vụ công trực tuyến mà người dân, doanh nghiệp hạn chế đi lại, hạn chế đến nơi đông người, chỉ cần có điện thoại thông minh (smartphone) hoặc máy tính có kết nối mạng là có thể giải quyết được công việc.

Tuy nhiên, nhìn lại có thể thấy những tỉnh, thành phố đạt con số sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 chỉ rơi vào một số thành phố lớn. Với những tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn còn nhiều bất cập, gian nan trong việc ứng dụng công nghệ khi mà Internet chưa được phủ rộng, trang thiết bị ở các cơ quan công sở ở xã, huyện còn lạc hậu, chưa đầy đủ và người dân vẫn còn chưa thuần thục các cách thức giao dịch qua mạng. Thế nên tại các BPMC vẫn còn nhiều người dân đến thực hiện các TTHC cho dù những thủ tục ấy đã được điện tử hóa đến mức độ 4 - mức mà họ chỉ việc ngồi ở nhà để thực hiện các thao tác trên máy tính rồi nhận kết quả tại nhà (511. 1).

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ Y tế.

9. Áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 là một lựa chọn thích hợp trong quản lý của cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước

Trước yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của đời sống và phát triển nền kinh tế  - xã hội của đất nước, Nhà nước ta đã sớm có chủ trương và chỉ đạo tiến hành cải cách hệ thống bộ máy nhà nước và phương thức hoạt động, nhằm tìm giải pháp từng bước và đồng bộ cho việc cải cách, xây dựng một bộ máy hành chính nhà nước có năng lực và hiệu quả. Hướng đến một nền hành chính hiện đại, dân chủ, trong sạch và vững mạnh, việc sử dụng công cụ quản lý thích hợp, có ý nghĩa rất quan trọng. Trong các mô hình quản lý có thể đưa vào áp dụng trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước, hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 là một lựa chọn thích hợp.

Việc triển khai xây dựng, áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 trong thời gian đầu còn khá mới mẻ, khó khăn do các khái niệm, thuật ngữ, quy định trong tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 còn trừu tượng, khó hiểu, đội ngũ cán bộ thực hiện việc xây dựng, áp dụng chưa được đào tạo bài bản, vẫn nặng tư tưởng giải quyết công việc theo tư duy cũ. Tuy nhiên, cho đến nay hoạt động này đã trở thành một công cụ hữu hiệu, phổ biến cho toàn bộ các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên phạm vi cả nước. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua gần 15 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định việc ứng dụng HTQLCL trong hoạt động quản lý nhà nước phục vụ các tổ chức, cá nhân là cần thiết, có hiệu quả thiết thực, phù hợp với xu thế xây dựng nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế thế giới của nước ta, hỗ trợ đắc lực cho chương trình cải cách hành chính của Chính phủ (386. 1).

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ Y tế.

10. Hệ thống các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương thuộc hệ thống hành chính nhà nước xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp TCVN ISO 9001 đối với thủ tục hành chính

Theo Báo cáo tổng kết của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến hết năm 2020 20/22 Bộ, ngành (tỷ lệ 91%) đã thực hiện việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo quy định (tất cả các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng của các Bộ, ngành đã xây dựng, công bố HTQLCL phù hợp TCVN ISO 9001 đối với toàn bộ thủ tục hành chính). Đồng thời, các Bộ, ngành cũng đã đẩy mạnh việc triển khai xây dựng, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng (74/98 cơ quan, tổ chức, tỷ lệ 75,5%).

Tại địa phương: 61/63 địa phương (tỷ lệ 96,8%) đã thực hiện việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo quy định (tất cả các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng của địa phương đã xây dựng, công bố HTQLCL phù hợp TCVN ISO 9001 đối với toàn bộ thủ tục hành chính). Đồng thời, các địa phương cũng đã đẩy mạnh việc triển khai xây dựng, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng, theo đó  có 61/63 địa phương (tỷ lệ 96,8%) đã triển khai việc xây dựng, áp dụng HTQLCL tại các UBND cấp xã, trong đó đã có 5.499/8.845 UBND cấp xã (tỷ lệ 62%) đã xây dựng, áp dụng, công bố HTQLCL phù hợp TCVN ISO 9001 theo quy định (293. 0.5).

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ Y tế.

 



Tin liên quan