NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA BỘ Y TẾ

02/12/2023 | 04:09 AM

 | 

 

Ngày 01/12/2023, tại Thành phố Hồ Chí minh đã diễn ra cuộc tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính của Bộ Y tế”.

Tham dự tọa đàm có Ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ, Tổ phó thường trực Tổ công tác cải cách hành chính của Bộ Y tế; ông Đỗ trung Hưng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược; đại diện Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế; Lãnh đạo, chuyên viên Phòng Kiểm soát TTHC, Bộ Y tế; Sở y tế các tỉnh, thành phố khu vực Miền Nam, Tây nguyên; đại diện của gần 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực Dược, trang thiết bị và công trình y tế.

Theo nội dung được trình bày tại cuộc tọa đàm, hiện nay, Bộ Y tế hiện đang thực hiện 488 TTHC công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. So với năm 2022, Bộ đã giảm 38 TTHC trong đó lĩnh vực Dược phẩm, Mỹ phẩm (131 TTHC), Khám chữa bệnh (127 TTHC), Giám định y khoa (39 TTHC), Y dược cổ truyền (29 TTHC), An toàn thực phẩm và dinh dưỡng (27 TTHC), Trang Thiết bị - Công trình (26 TTHC), Đào tạo và nghiên cứu khoa học (19 TTHC), Thi đua khen thưởng (10 TTHC), Dân số  - sức khỏe sinh sản (9 TTHC), Tài chính y tế (9 TTHC), Tổ chức cán bộ (4 TTHC). Trong năm 2023, Bộ đã Công bố mới 15 TTHC, Sửa đổi, bổ sung 122 TTHC, Bãi bỏ 43 TTHC. Về công bố TTHC và cập nhật trên CSDLQG về TTHC, 100% Quyết định công bố TTHC của Bộ sau khi ban hành đều được cập nhật, công khai vào CSDLQG về TTHC đầy đủ, đúng thời gian theo quy định.

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh Phòng KSTTHC

Hiện nay, Bộ Y tế đang thực hiện rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC, dịch vụ công cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ; bảo đảm mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% thông tin phải khai báo.

Triển khai phương án phân cấp trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cần thực hiện phân cấp 69 TTHC 07 lĩnh vực, cùng với đó là 14 Thông tư, 04 Nghị định. Bộ đã ban hành nhiều văn bản và Dự thảo Thông tư quy định việc phân cấp giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế đang trong giai đoạn xin ý kiến góp ý để nghiên cứu hoàn thiện, trình Bộ Y tế ban hành.

Năm 2023, Bộ đã thực hiện rà soát, làm sạch toàn bộ TTHC thuộc phạm vi quản lý đã được công bố, công khai trên CSDLQGvề TTHC, bảo đảm chính xác đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Bộ cũng đã rà soát và có phương án đối với 34 TTHC có yêu cầu liên quan đến việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu giấy, Sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú. 

Thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế theo Quyết định 1661/QĐ-TTg, đến tháng 10/2023 Bộ Y tế đã ban hành theo thẩm quyền liên quan đến hoạt động kinh doanh, Bộ đã bãi bỏ 16 TTHC, 10 TTHC được cắt giảm, đơn giản hóa.

Trong lĩnh vực ATTP được quy định tại Thông tư số 28/2021/TT-BYT ngày 20/12/2021 ban hành danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm đã được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam phục vụ cho kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu và có hiệu lực từ ngày 02/02/2022, Bộ đã cắt giảm tối thiểu 50% số dòng hàng trong Danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm đã được xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam phục vụ cho kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu ban hành; Cắt giảm được 50,4% số dòng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

Lĩnh vực trang thiết bị và công trình y tế, Bộ đã bãi bỏ 06 TTHC và sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hóa 05 TTHC tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP.

Lĩnh vực dược, Bộ đã bãi bỏ 01 TTHC tại Thông tư số 12/2022/TT-BYT; Sửa đổi, bổ sung, thay thế theo hướng đơn giản hóa 05 TTHC tại Thông tư số 08/2022/TT-BYT và Thông tư số 12/2022/TT-BYT; Bãi bỏ 08 TTHC tại Thông tư số 08/2023/TT-BYT ngày 14/4/2023 bãi bỏ một số VBQPPL do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, trong đó đã bãi bỏ Thông tư số 03/2016/TT-BYT ngày 21/01/ 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hoạt động kinh doanh dược liệu; Đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Dược do Chính phủ ban hành và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế theo trình tự, thủ tục rút gọn, Bộ Y tế đã đề xuất đối với trường hợp nguyên liệu làm thuốc là tá dược, vỏ nang, bán thành phẩm dược liệu theo hồ sơ đăng ký thuốc đã có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam sẽ không phải thực hiện đăng ký lưu hành. 

Lĩnh vực YDCT, bãi bỏ 01 TTHC tại Thông tư 39/2021/TT-BYT.

Lĩnh vực Khám chữa bệnh, hiện nay Bộ Y tế đang tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15. Nghị định này dự kiến bãi bỏ 87 TTHC của Nghị định 109/2016/NĐ-CP, Nghị định 155/2018/NĐCP, Nghị định 87/2013/NĐ-CP, Thông tư 07/2015/TT-BYT, Thông tư số 30/2014/TT-BYT

Lĩnh vực Y tế dự phòng, Hiện nay đang hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Nghị định này sau khi ban hành sẽ bãi bỏ 03 Nghị định, một phần Nghị định số 155/2018/NĐ-CP và dự kiến bãi bỏ 05 TTHC liên quan đến việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện; Đã tổ chức thẩm định dự thảo Thông tư của Bộ Y tế thay thế Thông tư số 14/2015/TT-BYT ngày 25/6/2015 của Bộ Y tế về quản lý thuốc Methadone. 

Lĩnh vực Dân số - Sức khỏe sinh sản, hiện đang lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo đó, Bộ Y tế sẽ thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đối với 02 TTHC: (1) Công nhận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; (2) Công nhận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Ông Hà Anh Đức phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh Phòng KSTTHC

Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng tập trung thảo luận, góp ý về những vướng mắc trong quá trình thực hiện TTHC của người dân, doanh nghiệp; thông tin về những cách làm hiệu quả trong cải cách TTHC của các địa phương và đưa ra những kiến nghị nhẳm nâng cao hiệu quả trong cải cách TTHC chủa Bộ Y tế trong thời gian tới.

Theo ông Hà Anh Đức, Cải cách hành chính là nội dung quan trọng của nền hành chính Nhà nước, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Đây là quá trình cải biến có kế hoạch cụ thể để đạt mục tiêu hoàn thiện một hay một số nội dung của nền hành chính nhằm xây dựng nền hành chính công đáp ứng yêu cầu của một hành chính hiệu quả và hiện đại. Cải cách hành chính được thực hiện gồm nhiều nội dung như: Cải cách thể chế hành chính nhà nước; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính.

Với đặc thù là cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân nên các quy trình thủ tục trong lĩnh vực y tế đòi hỏi phải chặt chẽ, chính xác…Bộ y tế hiện đang thực hiện 488 TTHC, mỗi năm, các Vụ, Cục của Bộ xử lý hàng chục nghìn lượt các thủ tục trên các lĩnh vực. 

Trên tinh thần cải cách, cắt giảm tối đa các TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, công tác cải cách hành chính của Bộ Y tế cơ bản đảm bảo các yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Bộ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chất lượng phục vụ người dân.. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều bất cập, cần cải cách, cần sự chung tay của các cơ quan có thẩm quyền, ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính của Bộ Y tế trong thời gian tới.

Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ



Tin liên quan