KẾT QUẢ CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRÊN ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM THỜI GIAN QUA

16/11/2023 | 04:21 AM

 | 

 

 

Là cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân bằng các chương trình truyền  hình và các loại hình báo chí, truyền thông đa phương tiện khác. Đài Truyền hình Việt Nam luôn phát huy cao nhất thế mạnh của Đài truyền hình Quốc gia trong truyền thông chính sách để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là công cuộc cải cách hành chính. Thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đài Truyền hình Việt Nam xác định rõ khi triển khai thực hiện  công tác tuyên truyền và đưa vào luồng thông tin chủ đạo trên hệ thống các kênh của VTV.

Theo tham luận tại phiên họp thứ 6 ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng:

Qua công tác tuyên truyền của Đài Truyền hình Việt Nam, người dân đã từng bước nắm bắt, hiểu biết về Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ, các mục tiêu trước mắt và lâu dài, đặc biệt là các thủ tục, chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống và quyền lợi của người dân. Các chương trình, chuyên mục cũng là nơi ghi nhận các ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức về cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, để từ đó có thể điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế.

Công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính được Đài Truyền hình Việt Nam truyền tải đa dạng với nhiều hình thức khác nhau và được triển khai đồng bộ trên các kênh truyền hình và nền tảng số. Trong đó, nổi bật là những vệt tuyên truyền trên các bản tin thời sự, chương trình tin tức, chuyên mục chuyên biệt, các chương trình toạ đàm chuyên sâu, các chuyên mục chính luận được phát sóng vào khung giờ có nhiều khán giả theo dõi; là hệ thống các chuyên mục chương trình truyền hình đa dạng, ở nhiều thể loại khác nhau trên các kênh; là các sản phẩm truyền thông trên Báo điện tử VTV News, nền tảng truyền hình số quốc gia VTV Go và hệ thống các trang, kênh mạng xã hội ở mảng tin tức của Đài Truyền hình Việt Nam vốn có lượng người theo dõi trong và ngoài nước rất lớn.

Nội dung, hình thức tuyên truyền về cải cách hành chính được đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với mọi đối tượng khán giả và quan tâm đổi mới. Cùng với thông tin quảng bá rộng rãi bằng tiếng Việt trên các kênh VTV1, VTV2, VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam cũng đẩy mạnh thông tin về cải cách hành chính trên kênh VTV4 nhằm hướng tới khán giả đặc thù của kênh là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam; chú trọng thông tin cho khán giả các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên kênh VTV5 bằng nhiều tiếng dân tộc với cách truyền đạt gần gũi, dễ hiểu, dễ xem; các kênh truyền hình quảng bá quốc gia hướng đến khu vực là VTV8, VTV9, VTV Cần Thơ lấy trọng tâm tuyên truyền về cải cách hành chính là hướng về đặc thù hành chính xã hội, dân cư địa bàn phủ sóng.

Đặc biệt, chuyên mục chuyên biệt “Cải cách hành chính” được Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng và duy trì phát sóng hàng tuần vào khoảng 17h00 thứ Hai hàng tuần trên kênh VTV1 với thời lượng 15 phút, từ năm 2004 đến nay với sự phối hợp thông tin chặt chẽ của Bộ Nội vụ. Thời gian qua, chuyên mục đã nhận được sự quan tâm của xã hội và đội ngũ công chức, viên chức. Chuyên mục đều đặn nhận được thư của khán giả gửi về động viên, góp ý cho chuyên mục tốt hơn, hấp dẫn hơn và bám sát với đời sống. Bên cạnh đó, một số đề tài, nội dung trong chuyên mục Cải cách hành chính được rút ra và phát sóng trên các bản tin thời sự 19h và 12h, đã tác động nhất định đến hoạt động của bộ máy hành chính, cơ quan quản lý nhà nước hay là hoạt động của dịch vụ công.

Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức đưa tin, phản ánh kịp thời, đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính trong các Phiên họp của Chính phủ, các Phiên họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; các cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương.

Nội dung thông tin, tuyên truyền bám sát quan điểm chỉ đạo của Chính phủ coi cải cách hành chính là một trong những nội dung trọng tâm, đột phá nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình thực tiễn, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 76/NQ- CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Khi đưa tin về các chỉ đạo của Thủ tướng, các phó Thủ tướng về cải cách hành chính, Đài Truyền hình Việt Nam luôn nhấn mạnh các chỉ đạo trọng tâm là các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trên các lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhiều chỉ đạo quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính được tuyên truyền đậm nét như: Rà soát, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế chung của thế giới; sự quyết liệt của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng trong chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện và đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc.

Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã tổ chức đưa tin đầy đủ các công điện, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác cải cách hành chính trong các bản tin Thời sự như: Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo; Công điện 365/CĐ-TTg về khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, ngày 4/5/2023; Chỉ thị số 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ ngày 30/5/2023; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới ngày 12/5/2023; Công điện số 644/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp ngày 13/7/2023; Kế hoạch cải cách hành chính trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 ngày 6/8/2023.

Trong thời gian vừa qua, Đài Truyền hình Việt Nam cũng luôn chủ động và phối hợp tích cực với các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện cải cách hành chính, coi đây là một trong những đột phá phát triển đất nước; gắn cải cách hành chính đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã tập trung thông tin, tuyên truyền về công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục hoàn thiện thể chế phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Luật Cư trú và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Nhiều loạt phóng sự về nội dung này phát sóng trong hệ thống các bản tin và chuyên mục đã có tác động mạnh mẽ, nhất là loạt phóng sự về ý nghĩa và những tiện ích khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu điện tử; về công tác chuẩn bị xây dựng Trung tâm Dữ liệu Quốc gia. Nội dung tuyên truyền gắn với nêu bật vai trò, ý nghĩa, các khó khăn, thách thức và những giải pháp triển khai nhiệm vụ quan trọng này; tuyên truyền về vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, với mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng, sự tham gia tích cực của các Bí thư Chi bộ khu dân cư, Trưởng Ban Mặt trận, Tổ trưởng dân phố cùng lực lượng công an đến từng nhà, rà từng người để làm Căn cước công dân gắn chíp và định danh điện tử, góp phần cải cách mạnh mẽ quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, ứng dụng hiệu quả công nghệ số, tạo đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, hiện đại, hiệu quả, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Đáng chú ý, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình Tọa đàm: “Gỡ nút thắt xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, phát sóng ngày 03/5/2023, trong đó phản ánh tình trạng thiếu liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng trung tâm dữ liệu dân cư. Tình trạng này dẫn đến dữ liệu dân cư đã xây dựng được nhưng chưa liên thông, dẫn đến việc cải cách hành chính còn gặp khó khăn, người dân còn vất vả trong quá trình làm thủ tục hành chính; Tọa đàm về “Cải cách hành chính”, phát sóng ngày 04/10/2023, trong đó phân tích những kết quả đạt được cho đến tháng 9/2023 trong công tác cải cách hành chính, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những mô hình cần nhân rộng ở các bộ, ngành, địa phương có kết quả cải cách hành chính đáng ghi nhận; đồng thời phân tích những khó khăn, thách thức về hạ tầng công nghệ, sự thiếu kết nối liên thông về dữ liệu dân cư, trình độ còn hạn chế và những vấn đề liên quan đến đạo đức công vụ của một bộ phận đội ngũ cán bộ công quyền; từ đó đề xuất các giải pháp cần triển khai quyết liệt trong thời gian tới.

Về Chuyển đổi số quốc gia, triển khai Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, Đài Truyền hình Việt Nam đã bám sát các sự kiện, vấn đề, nêu bật nỗ lực của Chính phủ và chính quyền các địa phương trong đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia và trong xây dựng mô hình chính quyền số với tính tương tác cao và thân thiện với người dân, như Trung tâm điều hành thông minh ở thành phố Huế và tỉnh Cà Mau, Trợ lý ảo tại chính quyền cấp xã, tỉnh Bắc Giang; mô hình không thu phí đối với các tổ chức, cá nhân khi thực hiện 82 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội; mô hình Làng số - mô hình được Bộ Thông tin và Truyền thông chú trọng nhân rộng kể từ tháng 10/2023.

                                       Phòng KSTTHC, Văn phòng Bộ



Tin liên quan