Thời gian xét nghiệm trung bình giảm từ 3 giờ còn 1 giờ
09/11/2024 | 10:11 AM
|
Việc triển khai chuyển đổi số và áp dụng bệnh án điện tử, trong đó các quy trình xét nghiệm đều được số hoá, đã rút ngắn thời gian chờ đợi xét nghiệm của người bệnh trung bình từ 3 giờ xuống còn 1 giờ.
Thời gian trung bình xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai giảm từ 3 giờ còn 1 giờ - Ảnh: VGP/HM
TS. BS Nguyễn Tuấn Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với báo chí thông tin này bên lề Hội thảo khoa học chuyên ngành hóa sinh và lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Khoa Hóa sinh, Bệnh viện Bạch Mai, tổ chức ngày 8/11.
Trước đó, ngày 1/11, Bệnh viện Bạch Mai chính thức công bố là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên triển khai thành công bệnh án điện tử sau thời gian thí điểm.
Theo TS Nguyễn Tuấn Tùng, trước khi triển khai chuyển đổi số áp dụng bệnh án điện tử, trung bình mỗi xét nghiệm của người bệnh mất khoảng 3 tiếng mới trả kết quả (không kể cấp cứu).
Tuy nhiên, hiện nay, thời gian bệnh nhân nhận kết quả xét nghiệm trung bình dưới 1 giờ đồng hồ, có xét nghiệm chỉ sau 20-30 phút là có kết quả. Các kết quả này được ký số và chuyển về khoa lâm sàng trên hệ thống phần mềm. Ngay lập tức, các bác sĩ ở khoa lâm sàng nhận được kết quả này của bệnh nhân.
Với một số xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng, người bệnh c chỉ cần quét mã QR để xem xét quả.
Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Khoa Hóa sinh, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP/HM
Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 7.000-10.000 lượt người bệnh đến khám ngoại trú và khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Vì vậy, theo TS Nguyễn Tuấn Tùng, Bệnh viện rất chú trọng thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tốt nhất khi người dân đi khám chữa bệnh.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo sự phân công của Bộ Y tế, Khoa Hóa sinh, Bệnh viện Bạch Mai là phòng xét nghiệm tham chiếu cho các cơ sở y tế trong cả nước, tham gia công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo và tư vấn về công tác đảm bảo chất lượng cho tuyến dưới.
Đây cũng là phòng xét nghiệm sinh hóa đầu tiên được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO 15198 tại Việt Nam và đạt những yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng khác của quốc tế.
Hiện, Khoa Hoá sinh, Bệnh viện Bạch Mai đang thực hiện hơn 300 quy trình xét nghiệm với số lượng gần 10.000 xét nghiệm mỗi ngày. Dự kiến, Khoa sẽ triển khai thêm 38 danh mục xét nghiệm mới trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của các chuyên khoa.
Theo ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trong hệ thống thống khám chữa bệnh, đối với lĩnh vực cận lâm sàng, hoá sinh là thực hiện các xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu, dùng xét nghiệm để chẩn đoán, điều trị, đặc biệt là theo dõi điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, vai trò của Khoa Hoá sinh rất quan trọng.
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu Khoa Hoá sinh cần tiếp tục chủ động phối hợp với các khoa lâm sàng và các bác sĩ điều trị để thực hiện các xét nghiệm nhanh, kịp thời, phục vụ việc chẩn đoán, điều trị cho người bệnh thuận tiện nhất.
Nguồn: chinhphu.vn
Tin liên quan
- Chính thức cấm kinh doanh, vận chuyển, sử dụng các loại thuốc lá mới
- Bộ Y tế công bố 62 bệnh hiếm, hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến được hưởng BHYT 100%
- Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Kenya tăng lên 31
- Pakistan có 68 ca mắc bệnh bại liệt năm 2024
- Cục An toàn thực phẩm: Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, nhãn mác
- Số ca mắc sởi tăng 130 lần, cần tuân thủ 5 khuyến cáo phòng chống bệnh này
- Bộ Y tế đề xuất không xử lý kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ 3