TPHCM: Ca bệnh sởi vẫn tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại
14/12/2024 | 11:39 AM
|
Ca bệnh sởi tiếp tục tăng, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng do chưa được tiêm vaccine. Bác sĩ cảnh báo trẻ có thể trở nặng nếu không được phát hiện, hỗ trợ kịp thời và chăm sóc đúng cách.
Ca bệnh vẫn tăng cao từng ngày, nhiều ca nặng phải thở máy, lọc máu
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tuần 49 (2/12 - 8/12) TPHCM ghi nhận 357 ca sởi (tăng 47,8% so với trung bình 4 tuần trước). Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 49 là 2.805 ca.
So sánh với trung bình 4 tuần trước, TPHCM có 19 quận huyện có số ca tăng, gồm: Quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 7, quận 8, quận 10, quận 11, quận 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Củ Chi, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè, Phú Nhuận, Tân Phú, TP Thủ Đức.
BS.CKI Võ Thành Luân, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, dù TPHCM đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine để hạn chế ca bệnh nhưng tới nay tình hình bệnh vẫn tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bệnh nhi bị sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: P.T.
"Bệnh sởi là bệnh có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Có thể nói bệnh sởi là bệnh có tỷ lệ lây truyền cao nhất trong tất cả những bệnh lý truyền nhiễm có thể lây", BS Luân nhận định.
BS Luân cho biết, hiện nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng như những bệnh viện khác ở TPHCM và các tỉnh lân cận đều đang tiếp nhận rất nhiều ca bệnh sởi. Số ca bệnh sởi tăng từng ngày. Hiện tại khoa Nhiễm và khoa Hồi sức nhiễm của bệnh viện đang điều trị số lượng lớn bệnh nhân. Tất cả các khoa phòng đều trong tình trạng kín giường
"Tại khoa Hồi sức nhiễm của bệnh viện đang điều trị cho rất nhiều ca sởi nặng phải lọc máu, thở máy. Các trẻ nặng đều là những trẻ chưa được tiêm ngừa hoặc chưa được tiêm đầy đủ, trẻ mắc bệnh nền hoặc suy dinh dưỡng. Hầu như không có trẻ khoẻ mạnh, được tiêm vaccine đầy đủ trở nặng khi mắc sởi", BS Luân cho biết.
Các dấu hiệu cảnh báo bệnh sởi khá riêng biệt so với sốt siêu vi như sốt cao 39-40 độ C liên tục, khó hạ và kéo dài 5-6 ngày, ho đàm, khò khè, chảy nước mũi, mắt đỏ, đổ gèn, xuất hiện đốm trắng trong miệng, phát ban (bắt đầu từ mặt sau đó lan ra các vị trí khác như tai, gáy, cổ…), tiêu chảy, loét miệng…. Khi phụ huynh phát hiện trẻ có các dấu hiệu trên thì hầu như trẻ đã nhiễm sởi.
Ngoài ra, có nhiều trẻ đã được tiêm vaccine sởi nhưng chưa được tiêm đầy đủ khi mắc sởi có thể xuất hiện các triệu chứng không điển hình và không theo diễn tiến trình tự. Theo đó, trẻ chưa được tiêm đủ mũi có thể xuất hiện các dấu hiệu như ho, sổ mũi, phát ban ít… khi mắc sởi. Ngay khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trên cần đưa trẻ tới cơ sở y tế thăm khám để được hỗ trợ kịp thời, tránh trường hợp diễn tiến nặng.
Trẻ tiêm vaccine sởi trong chiến dịch tiêm vaccine sởi tại TPHCM. Ảnh: P.T.
Khi trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như thở nhanh, thở mệt, lõm ngực, khò khè, tím tái, li bì, tiếp xúc chậm, nôn ói… là trẻ đang chuyển nặng. Lúc này, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được xử trí và điều trị kịp thời.
Trẻ tiêu chảy do sởi có nên cho ăn cháo trắng?
BS Võ Thành Luân khuyến cáo, một trong những biến chứng của bệnh sởi đó là tiêu chảy. Khi trẻ bị tiêu chảy, nhiều phụ huynh có quan niệm không cho trẻ ăn hoặc chỉ cho trẻ ăn cháo trắng để dễ tiêu hoá. Tuy nhiên, việc cho trẻ ăn cháo trắng lúc bị tiêu chảy rất có hại cho trẻ và có thể khiến trẻ gặp nhiều biến chứng hơn, tăng nguy cơ biến chứng viêm phổi, suy dinh dưỡng sau sởi, tăng nguy cơ mắc các bệnh khác rất nặng và tăng nguy cơ tử vong cho trẻ.
Theo đó, khi trẻ bị tiêu chảy, bị bệnh sởi, cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để trẻ chống chọi với bệnh tật và giúp bé có thêm sức khoẻ để phục hồi sau bệnh.
Bên cạnh đó, khi con mắc sởi phụ huynh nên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, mặc đồ sạch thoáng mát, cách ly trẻ khỏi các trẻ khác và gia đình (nên bố trí phòng riêng, sử dụng dụng cụ riêng…), theo dõi trẻ. Nếu trẻ sốt có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, chườm ấm cho trẻ. Trường hợp trẻ không hạ sốt, li bì, co giật… phụ huynh cần đưa trẻ tới bệnh viện để thăm khám kịp thời, tránh trường hợp trở nặng.
Trong tuần 49 (2/12 - 8/12), TPHCM ghi nhận 659 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (giảm 6,6% so với trung bình 4 tuần trước). Tính từ đầu năm tới nay, thành phố đã ghi nhận 14.193 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, quận 1, TP Thủ Đức và quận 7 có số ca mắc cao nhất.
Ngoài sốt xuất huyết và sởi, TPHCM cũng ghi nhận 214 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (giảm 29,3% so với trung bình 4 tuần trước). Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 49 là 16.166 ca.
Ngày 9/12, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản khẩn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC); các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập; Phòng Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh viêm phổi nặng do virus (SVP).
Theo báo cáo của HCDC và một số bệnh viện chuyên khoa nhiễm, nhi trên địa bàn thành phố, thời gian qua đã ghi nhận các trường hợp viêm phổi nhập viện. Đặc biệt, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị ca bệnh cúm A (H5) được chuyển từ tỉnh Long An lên điều trị tại TPHCM.
Trước tình hình, diễn tiến bệnh qua đường hô hấp có chiều hướng khó lường, Sở Y tế TPHCM đề nghị thủ trưởng các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tập trung triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch cụ thể như sau:
- Khuyến cáo người dân đến khám, điều trị, liên hệ công tác tại các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế.
- Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế về công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên người theo hướng dẫn của Sở Y tế về phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên người tại TPHCM.
- Tiếp tục thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Sở Y tế về quy trình báo cáo các tình huống dịch bệnh khẩn cấp tại các cơ sở y tế.
- HCDC chủ trì, phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện các hoạt động giám sát các trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do virus (SVP) trên địa bàn thành phố đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn giám sát viêm phổi nặng do virus. Định kỳ báo cáo Ban Giám đốc Sở Y tế kết quả giám sát và đề xuất các nội dung nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm.
- Phòng Y tế triển khai nội dung công văn này đến các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa trên địa bàn quản lý. Đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn báo cáo các ca bệnh hoặc nghi ngờ bệnh viêm phổi do virus về Trạm Y tế, Trung tâm Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức để được hỗ trợ kịp thời.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Tuổi trẻ ngành Y tế Việt Nam đổi mới, sáng tạo trong thời kỷ nguyên số
- Người phụ nữ 3 lần sinh mổ, có rối loạn kinh nguyệt vẫn không biết mình mang thai
- Phú Yên: Ra Nghị quyết giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập
- Gia đình xin về, bác sĩ quyết tâm cứu bệnh nhi mắc khối u tuyến tùng nguy hiểm
- Trẻ hóc dị vật đường thở, bác sĩ chỉ ra sai lầm trong sơ cứu
- Ngành Y tế Hà Nội tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch sởi
- Giun dài 14 cm sống trong mắt nhiều ngày