Phát huy tiềm năng và thế mạnh của Y học cổ truyền Việt Nam
30/11/2024 | 11:06 AM
|
Hội thảo “Phát huy tiềm năng và thế mạnh của Y học cổ truyền Việt Nam”
Ngày 30/11/2024, tại Hà Nội, Hội Quân dân Y Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Phát huy tiềm năng và thế mạnh của Y học cổ truyền Việt Nam”. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, lãnh đạo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế, Hội Quân dân Y Việt Nam và các đơn vị liên quan.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, cùng với sự ra đời và phát triển và phát triển của dân tộc Việt Nam, nền Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã trở thành một nền văn hoá có lịch sử hàng nghìn năm, có nhiều đóng góp to lớn trong bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như phòng và chữa bệnh.
Y Dược học cổ truyền Việt Nam có một hệ thống lý luận độc đáo và là một kho tàng kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Hệ thống lý luận và thực tiễn đó dựa trên lý luận của triết học cổ đại Đông phương …vận dụng một cách sáng tạo, biện chứng vào điều kiện tự nhiên, xã hội và con người, phong tục tập quán, nếp sống của người Việt Nam. Con người muốn có sức khỏe tốt không phải chỉ dùng thuốc đơn thuần mà còn cần một sự tác động toàn diện, tổng hợp của luyện tập dưỡng sinh, khí công, xoa bóp cổ truyền, vệ sinh, nghệ thuật ăn uống, thưởng thức, sinh hoạt và sáng tạo, v.v.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước ta dưới sự lãnh đạo của Đàng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương tăng cường phát triển đông y, kết hợp đông y với tây y, xây dựng nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng. Từ đó đến nay Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cũng như hướng dẫn triển khai thực hiện.
Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/5/2005 của Bộ chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề ra “Đẩy mạnh nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển y học cổ truyền thành một chuyên ngành khoa học.,... Vận động, khuyến khích và hướng dẫn nhân dân nuôi trồng và sử dụng các cây, con làm thuốc ”.
Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội đông y Việt Nam trong tình hình mới nêu quan điểm chỉ đạo: “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giữ gìn tính đặc thù của nền đông y Việt Nam, đưa nền đông y Việt Nam thành một ngành khoa học mạnh, góp phần tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ đông y”.
Thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, hệ thống khám chữa bệnh bằng Y Dược cổ truyển đã hình thành và phát triển rộng khắp trên cả nước và trở thành bộ phận không thể thiếu được trong hệ thống y tế quốc gia. Nhiều công trình nghiên cứu về Y Dược cổ truyền đã được đưa vào ứng dụng thành công trong việc phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Sự kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại cũng ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Về sản xuất thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, một số công ty dược đã nghiên cứu ứng dụng các bài thuốc cổ phương, tân phương đưa vào sản xuất thành công ở quy mô lớn. Do được đầu tư nghiên cứu phù hợp, có sự hợp tác của các nhà khoa học, các sản phẩm đông dược này được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, vẫn giữ được bản sắc cổ truyền và có hiệu quả điều trị cao, đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.
Gần đây nhất, ngày 28/10/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1280/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 86-KL/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn của Y dược cổ truyền, công tác nghiên cứu và ứng dụng các công trình nghiên cứu về y dược cổ truyền còn nhiều bất cập.
Nhiều tiềm năng về Y dược cổ truyền chưa được nghiên cứu khai thác, ứng dụng. Một số nghiên cứu chưa tuân thủ các lý luận và nguyên tắc của Y học cổ truyền dẫn đến hiệu quả điều trị chưa cao.
Nhiều bài thuốc gia truyền đồng bào miền xuôi, của các ông lang, bà mế vẫn chưa được nghiên cứu khai thác, có nguy cơ thất truyền. Còn tồn tại việc chất lượng dược liệu chưa được quản lý triệt để do trôi nổi trên thị trường, khó kiểm soát làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của các bài thuốc cổ phương.
Trong thời gian qua Bộ Y tế và Hội Quân dân Y Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học và phát triển lĩnh vực y dược cổ truyền. Tại hội thảo: Phát huy tiềm năng và thế mạnh của Y học cổ truyền Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên mong rằng trong thời gian tới Hội Quân dân Y Việt Nam tiếp tục đồng hành với ngành Y tế làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học tại hội thảo sẽ góp phần phát triển hơn nữa công tác Y, Dược cổ truyền phát huy đúng vai trò và tiềm năng của Y học cổ truyền Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Y học cổ truyền Việt Nam, với lịch sử hàng nghìn năm, là một di sản văn hóa quý báu, niềm tự hào của dân tộc, luôn đồng hành dọc theo lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta; được bắt nguồn từ một nền y học dân gian phong phú, có lý luận triết học duy vật cổ đại làm nền tảng, được thực tiễn nhiều đời chọn lọc, đúc kết và sáng tạo di sản quý báu từ phòng bệnh đến chẩn trị, bào chế thuốc, làm phong phú thêm cho kho tàng lý luận của Y học cổ truyền Việt Nam. Trên cơ sở đó, nền Y học cổ truyền có điều kiện phát triển, vừa mang tính quần chúng rộng rãi, tính sáng tạo và nhân đạo sâu sắc; vừa giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của hai nền y học cổ truyền Việt Nam và Trung Hoa, mà người có công đầu là Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hữu Trác.
Hội thảo “Phát huy tiềm năng và thế mạnh của Y học cổ truyền Việt Nam” với mục tiêu: tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa các phương pháp chẩn đoán và điều trị; đào tạo đội ngũ bác sĩ, lương y, lương dược có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của thời đại; phát triển sản xuất dược liệu đạt chuẩn GACP, GMP, xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc đông dược hiện đại; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về Y học cổ truyền; hoàn thiện hệ thống pháp luật, có những chính sách ưu đãi để hỗ trợ phát triển Y học cổ truyền; đẩy mạnh xã hội hóa, chủ động đầu tư, phát triển các cơ sở, đơn vị nghiên cứu khoa học Y học cổ truyền ngoài công lập; phát triển đội ngũ cán bộ y tế chuyên trách Y học cổ truyền có trình độ cao, kết hợp Y học hiện đại; nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, bài thuốc Y học cổ truyền phục vụ nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của người dân.
Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền Nguyễn Thế Thịnh trình bày tham luận tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các đại biểu trình bày tham luận về: Thực trạng Y học cổ truyền Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; tiềm năng và thế mạnh nền Y học cổ truyền Việt Nam; những bài thuốc quý trong dân gian có hiệu quả chữa bệnh; tình hình nuôi trồng và phát triển Dược liệu hiện nay; ứng dụng sản phẩm Smart A trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng; ứng dụng Y học cổ truyền trong việc nâng cao chất lượng dân số Việt Nam và cùng thảo luận các vấn đề liên quan đến việc phát huy tiềm năng và thế mạnh của Y học cổ truyền./.
Tin liên quan
- Hội nghị Tổng kết hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và định hướng kế hoạch năm 2025
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh
- Bộ trưởng Đào Hồng Lan thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Hải Dương
- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm, chúc Tết cán bộ, viên chức, người lao động và người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương
- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan làm việc, chúc Tết Sở Y tế tỉnh Hải Dương
- Hội nghị Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam lần thứ tư
- Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ y tế Hải Dương bứt phá, phát triển chuyên môn sâu trong khám chữa bệnh