Ký kết biên bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế và Tổ chức Di cư Quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc

19/09/2024 | 15:10 PM

 | 

Chiều ngày 18/9/2024 tại Hà Nội, Bộ Y tế và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thuộc Liên Hiệp Quốc tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong nhiều lĩnh vực liên quan đến việc đảm bảo sức khỏe cho người di cư. TS.BS. Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế và bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam chủ trì ký kết. Tham dự có đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị liên quan; đại diện các thành viên IOM...

 

TS.BS. Nguyễn Tri Thức Thứ trưởng Bộ Y tế và bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác hai bên.

Phát biểu tại lễ ký kết, TS.BS. Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Năm 1988, Tổ chức IOM đã hợp tác với Bộ Ngoại giao và Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện các hoạt động của Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người di cư. Đến nay, các hoạt động này đóng vai trò quan trọng trong công tác kiểm tra sức khỏe và hỗ trợ việc đi lại của những người di cư tại Việt Nam. Đây cũng là cột mốc quan trọng cho quan hệ hợp tác gắn bó, lâu dài giữa Việt Nam và IOM trong lĩnh vực y tế.

TS.BS. Nguyễn Tri Thức Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.

Trong những năm gần đây, Bộ Y tế và IOM đã tích cực hợp tác trong nhiều lĩnh vực liên quan đến việc đảm bảo sức khỏe cho người di cư, bao gồm các hoạt động:

Nâng cao nhận thức về sức khỏe của người di cư: Với sự hình thành của Nhóm Kỹ thuật Sức khỏe người di cư Việt Nam, Nhóm Kỹ thuật liên Bộ do Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập vào tháng 5 năm 2021 đã phát hành và chia sẻ 23.500 cuốn sổ tay sức khỏe cho các lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm nỗ lực nâng cao nhận thức, hiểu biết của người di cư, đặc biệt là các lao động Việt Nam ở nước ngoài đối với sức khỏe và thông tin y tế tại nước sở tại;

Tăng cường hợp tác song phương trong công tác kiểm soát bệnh Lao qua biên giới: Năm 2021, IOM đã công bố một báo cáo nghiên cứu về công tác phòng, chống Lao dọc biên giới Việt Nam – Campuchia, hỗ trợ Tỉnh An Giang, Việt Nam và tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia đã hợp tác thành lập nhóm kỹ thuật về phòng, chống Lao và HIV khu vực biên giới. Theo đó, 200 cán bộ y tế của Việt Nam và Campuchia đã được đào tạo về cách sử dụng phần mềm DHIS2, phần mềm giúp dịch thuật sang tiếng Khmer, giúp các bệnh nhân Lao đi qua biên giới vẫn tiếp tục được điều trị;

Chuẩn bị và ứng phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng: Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, IOM đã hỗ trợ đến 16 cửa khẩu đường không và đường bộ tổng cộng hơn 95.000 khẩu trang N95, 700 máy sát khuẩn tay tự động và 7 camera đo thân nhiệt; 736 cán bộ tuyến đầu đã được đào tạo về phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, cũng như các kiến thức về di cư an toàn; 

Năm 2024, IOM đã hỗ trợ cơ quan y tế của Việt Nam và Vương quốc Campuchia tổ chức hội thảo song phương về công tác chuẩn bị và ứng phó với các dịch bệnh bùng phát. 

Ngoài ra, năm 2023, IOM đã hỗ trợ tăng cường hợp tác khu vực, thông qua các hội thảo khu vực về di cư và sức khỏe người di cư nhằm nâng cao sức khỏe của người di cư. Đồng thời hỗ trợ Việt Nam cũng như ngành Y tế trong việc thực hiện Thỏa thuận Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp Quốc đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 20/03/2020.

Toàn cảnh lễ ký kết.

Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đề nghị, IOM sẽ tiếp tục phát huy để hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam phát biểu.

           Tại lễ ký kết, bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mà sự di chuyển của con người nhiều hơn bao giờ hết, với số lượng người di cư ngày một tăng. Châu Á từ lâu đã là trung tâm chính của lao động di cư, tiếp nhận 14% số người lao động di cư trên toàn cầu. Sự thay đổi nhân khẩu học, chuyển đổi kinh tế và biến đổi khí hậu trên toàn cầu sẽ là động lực chính thúc đẩy di cư ở Châu Á trong thập kỷ tới. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á chứng kiến sự biến động dân số nổi bật với ước tính có 23,6 triệu người di cư từ Đông Nam Á hiện đang sinh sống tại nước ngoài.

Thống kê gần đây cho thấy sự gia tăng trở lại đối với lượng người lao động di cư quốc tế, với khoảng 155.000 người Việt Nam đang có việc làm tại nước ngoài trong năm 2023, tương đương với gần một phần ba số lao động mới gia nhập thị trường lao động.

          Theo Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu số 3 nhằm đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi và Nghị quyết 70.15 “Thúc đẩy sức khỏe của người tị nạn và người di cư” được Đại hội đồng Y tế Thế giới thông qua vào tháng 5 năm 2017, chúng ta phải đảm bảo rằng tất cả người di cư đều được tham gia vào hệ thống y tế quốc gia trong cộng đồng sở tại và có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không gặp rào cản về tài chính hoặc xã hội.

          IOM cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thúc đẩy các chương trình hành động về sức khỏe của người di cư phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) được 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào ngày 10 tháng 12 năm 2018 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

GCM là thỏa thuận liên Chính phủ đầu tiên tập trung và xuyên suốt về vấn đề sức khỏe, trong đó có một số mục tiêu đề cập đến việc tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.

Thỏa thuận mà IOM và Bộ Y tế ký kết hôm nay đặt ra định hướng cho sự hợp tác và quan hệ đối tác giữa hai bên trong lĩnh vực y tế. Với vai trò là Cơ quan Di cư của Liên Hợp Quốc, IOM cam kết hợp tác lâu dài và chiến lược với Việt Nam, và đặc biệt là với Bộ Y tế, để đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của tất cả mọi người, bao gồm cả người di cư. Chúng tôi mong muốn tăng cường sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai bên.”- bà Park Mihyung bày tỏ.

TS.BS. Nguyễn Tri Thức Thứ trưởng Bộ Y tế và bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam cùng các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại lễ ký kết.

 


Thăm dò ý kiến