Tấn công trong chống dịch

07/05/2021 | 20:24 PM

 | 

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ở nước ta và trong khu vực, chúng ta đã quyết liệt hành động, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Nhưng tình hình diễn biến xấu, đòi hỏi có biện pháp mạnh hơn, chủ động hơn và tấn công mạnh mẽ hơn để chống dịch, vì sức khỏe nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang...

Một biện pháp tấn công dịch hữu hiệu là vaccine. Thời gian qua, chúng ta đã tích cực chuẩn bị vũ khí này - Ảnh: Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y) đang nghiên cứu thử nghiệm vaccine COVID-19 của Việt Nam (VGP)

Diễn biến dịch bệnh xuất hiện tình huống mới, phức tạp hơn, nhất là khi virus có biến chủng mới. Dịch bệnh lần sau khó khăn, phức tạp, diễn biến khó lường hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, cách xử lý khó khăn hơn, tác động xấu hơn.

Mỗi khi có ca mắc mới, chúng ta lại rốt ráo “ra trận”, “chống dịch như chống giặc”, khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc, xét nghiệm rộng và nhanh; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng… Nhưng trong lúc yên bình trước dịch bệnh, lại xuất hiện tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác, lơ là. Chính sơ hở này là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới đợt dịch trong nước.

Chúng ta đã giành chiến thắng qua mỗi trận đánh, nhưng để giành thắng lợi cả cuộc chiến trước dịch bệnh, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, lối đánh mới, phải tạo thế chủ động tấn công mà trong thể thao, người ta coi “tấn công chính là cách phòng thủ tốt nhất”.

Một biện pháp tấn công dịch hữu hiệu là vaccine. Thời gian qua, chúng ta đã tích cực chuẩn bị vũ khí này. Có 4 đơn vị trong nước đang nghiên cứu trong đó có 2 đơn vị đang trong giai đoạn thử lâm sàng ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Một số nước trên thế giới đã xác nhận sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 cho Việt Nam. Chúng ta cũng nỗ lực tìm thêm các nguồn để mua, nhập khẩu vaccine trong bối cảnh tình trạng khan hiếm vaccine vẫn đang diễn ra trên toàn cầu. Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 (từ các nguồn cung nước ngoài về Việt Nam) đang được đẩy nhanh (hơn 675.000 người đã được tiêm) và sẽ được tiêm hết vào giữa tháng 5 này.

Để chuyển trạng thái sang tấn công trong chống dịch, chúng ta cần nỗ lực, khẩn trương hơn trong khâu trang bị “vũ khí” vaccine cho mỗi người dân. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021 vào ngày 5/5, Bộ Y tế đã được Chính phủ nhất trí giao khẩn trương, chuẩn bị kỹ Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine và bố trí, huy động mọi nguồn lực để thực hiện.

Một giải pháp tấn công cũng rất hữu dụng là công nghệ. Tương tự vaccine chỉ có tác dụng khi được tiêm phòng trước khi nhiễm bệnh, bộ “vũ khí” công nghệ như Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nghiễm COVID-19); NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện); Khai báo y tế cho người nhập cảnh; Hệ thống ghi nhân người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR); Hệ thống bản đồ chống dịch an toàn COVID-19… sẽ phát huy hiệu quả cao nhất nếu được triển khai trước khi có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng. Trong trường hợp dịch bùng phát, sự chuẩn bị sẵn sàng cao của giai đoạn trước sẽ giúp các giải pháp phục vụ hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng phạm vi lây lan của dịch, mà không cần phải cách ly xã hội diện rộng, tạo gánh nặng lên phát triển kinh tế.

Các y, bác sỹ lan tỏa thông điệp cả nước chung tay quyết tâm chống dịch COVID-19.

Và trên hết, một vũ khí tấn công mạnh cần kể tới là “vũ khí tinh thần”. Để đất nước an toàn trước dịch bệnh thì mỗi người luôn sẵn sàng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích cộng đồng và lợi ích của chính bản thân mình, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác. Chỉ chủ quan một chút thôi, không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo phòng chống dịch thì hậu quả xấu rất có thể sẽ lại ập tới. Cho dù có vaccine đi chăng nữa thì thông điệp 5K của Bộ Y tế vẫn cần được thực hiện nghiêm túc mọi lúc, mọi nơi.

Các giải pháp công nghệ cũng sẽ tự thân không thể giúp phòng, chống dịch nếu không có sự tự giác của mỗi người dân và sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương. Càng nhiều người dân cài đặt và sử dụng, thì các ứng dụng sẽ càng phát huy hiệu quả.

Điều quan trọng nữa là các bộ, ngành, địa phương, dựa trên chức năng, nhiệm vụ của mình, phải giành thế chủ động trong phòng chống dịch, không trông chờ, phải dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân. Phải khắc phục các sơ hở trong phòng chống dịch, chẳng hạn như khâu cách ly, nếu chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương cảnh giác, kiểm soát chặt chẽ người cách ly, theo dõi tại nhà (sau 14 ngày cách ly tập trung) thì sẽ không để xảy ra sự việc đáng tiếc như vừa qua. Bản thân các địa phương cũng phải chủ động xây dựng được bản đồ an toàn phòng, chống dịch cho các xã, phường; giúp nhân dân xác định được nơi nào an toàn, nơi nào an toàn ở mức độ vừa phải, nơi nào phải thực hiện các bước để an toàn hơn nữa, trên tinh thần chống dịch “4 tại chỗ”.

Chủ động tấn công là không đợi dịch đến mà phải chủ động chống dịch từ sớm, từ xa, với phương châm “3 trước” như tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai rốt ráo: Nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước.

Dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục phức tạp, sẽ còn lâu dài, chưa thể khẳng định thời điểm hết dịch. Vì thế, phải sẵn sàng “tinh thần chủ động tấn công” đối phó với dịch bệnh ở mức cao nhất, phải sống an toàn khi dịch còn đâu đó quanh ta./.

Nguồn: Chinhphu.vn


Thăm dò ý kiến