Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch COVID-19

25/02/2020 | 14:00 PM

 | 

Sáng 25/2/2020 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu.

Chủ trì Hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo Hiểm xã hội Việt Nam; đại điện Lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng Chính phủ, các Vụ, Cục, Tổng Cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ Y tế; Tổ chức Y tế thế giới; Công đoàn Ngành Y tế và các đơn vị liên quan. Tại các điểm cầu địa phương có đại diện Lãnh đạo, chuyên viên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện một số Sở, Ban, Ngành của tỉnh, thành phố, Sở Y tế; Các đơn vị y tế thuộc địa phương trên toàn quốc.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2019, Bộ Y tế đã hoàn thành vượt 2 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, số giường bệnh trên vạn dân giao 27 – đạt 27,5, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế giao 88,1%, đạt 90% dân số. Đạt và vượt 8/11 các chỉ tiêu y tế cơ bản.

Bộ Y tế đã tiếp tục triển khai và hoàn thành một số nhiệm vụ của các Nghị quyết Trung ương về công tác y tế, dân số. Phòng chống dịch bệnh chủ động, không để dịch lớn xảy ra. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vắc xin, sinh phẩm, thiết bị y tế có chất lượng và giá hợp lý cho việc khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, thiên tai.

Trong năm 2020, Bộ Y tế cũng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu chung như làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh và góp phần tăng tuổi thọ người dân, cải thiện các chỉ số sức khoẻ cơ bản. Đặc biệt, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của các tầng lớp Nhân dân…

Đoàn Chủ tọa Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế trình bày nội dung “Công tác dự phòng, trong đó có dự phòng dịch bệnh COVID-19”. Thứ trưởng cho biết: thời gian qua, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị thực hiện các giải pháp quyết liệt, kịp thời chủ động phát hiện cách ly, điều trị kịp thời. Các kết quả tích cực này đã được cộng đồng Quốc tế đánh giá rất cao và Nhân dân tin tưởng. Đến nay, nước ta đã chữa khỏi được 16 bệnh nhân mắc bệnh COVID-19, và những ngày qua không ghi nhận thêm bệnh nhân mắc bệnh.

“Tuy nhiên, trên thế giới dịch bệnh vẫn còn những diễn biến mới, phức tạp như tại Hàn Quốc, Italia, Iran và một số quốc gia khác. Qua đây, thay mặt Bộ Y tế tôi cũng mong muốn chúng ta không chủ quan, mà coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, khống chế, không để ai bị mắc, nhiễm bệnh mà không được biết tới, nếu có thì nhanh chóng điều trị kể cả người trong nước lẫn người nước ngoài ”. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm

Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

 

Đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo về công tác khám, chữa bệnh, công tác điều trị bệnh COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Chúng ta đã thực hiện tốt công tác cách ly 4 tại chỗ và thành công chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, cả các trường hợp cao tuổi mắc các bệnh nền và bệnh nhi 3 tháng tuổi”.

Đối với công tác dược, trang bị y tế, đảm bảo hậu cần phòng chống dịch COVID-19, ông Trương Quốc Cường- Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Trong thời gian vừa qua, các đơn vị cũng đã chuẩn bị tốt giúp cho việc khám chữa bệnh được diễn ra suôn sẻ và đạt được những thành tựu tích cực trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp…

Đồng chí Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế trình này nội dung  “Công tác dược, trang thiết bị y tế; đảm bảo hậu cần phòng, chống dịch bệnh COVID-19”

Đồng chí Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế trình bày nội dung “Công tác kinh tế y tế, bảo hiểm y tế;  truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19”

Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, Các đại biểu đã được nghe tham luận đại diện tỉnh Tỉnh Cao Bằng nội dung “Công tác chuyển người cách ly dịch bệnh COVID-19 xuống tuyến dưới” ; đại diện tỉnh Vĩnh Phúc tham luận nội dung “Kinh nghiệm triển khai các hoạt động y tế trong vùng cách ly dịch bệnh COVID-19 tại Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc” ; đại diện Lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Truong ương tham luận nội dung “Công tác giám sát, tổ chức cách ly dịch bệnh COVID-19”; Ủy Ban nhân dân Thành phố Hà Nội tham luận nội dung “Tổ chức vệ sinh, khử khuẩn tại các cơ sở đào tạo, trường học chuẩn bị đủ điều kiện phục vụ giáo viên, học sinh”;  Ủy Ban Nhân dân tỉnh Đà Nẵng tham luận  nội dung “Công tác cách ly dịch bệnh COVID-19 tại sân bay và khách du lịch”; đại diện Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh tham luận nội dung “Công tác phòng, chống dịch bệnh”.

Đồng chí Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có bài tham luận nội dung liên quan đến công tác khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế trong thanh toán bảo hiểm xã hội.

Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Sau khi nghe các bài tham luận, phát biểu ý kiến từ các tỉnh tại các điểm cầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đến giờ phút này, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19. Trong đó, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch ngay từ đầu. Với những kinh nghiệm đã có, phương châm của Việt Nam là phải ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm, cách ly ngay lập tức, khoanh vùng gọn và dập dịch triệt để”.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Việt Nam vẫn thận trọng và đã tính đến kịch bản 5 bước: Ngăn chặn triệt để; phát hiện và phát hiện sớm nhất; cách ly và cách ly ngay lập tức; khoanh vùng và khoanh thật gọn; dập tắt và dập tắt triệt để trong đó khẳng định Việt Nam có thể ứng phó tốt khi có 3.000 bệnh nhân. “Chúng ta chống dịch trong thời đại công nghệ thông tin. Chính vì vậy, thông tin cần minh bạch, kịp thời thì mới cảnh báo được nguy cơ đến người dân. Bên cạnh đó, người dân phải tích cực phối hợp với các đơn vị và cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống dịch” – Phó Thủ tướng  nhấn mạnh.

Chỉ đạo tỉnh Cao Bằng, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ những người đến từ vùng dịch, tổ chức các điểm cách ly và đảm bảo cách ly tốt, an toàn, không để lây nhiễm chéo.

“Đây là đợt diễn tập cho các tình huống chống dịch. Mặc dù là quốc gia có biên giới đường bộ, đường thủy, người qua lại đông, nguy cơ lây nhiễm cao nhất, nhưng Việt Nam chỉ có 16 ca dương tính, đã chữa trị khỏi cho 16/16 bệnh nhân. Chúng ta đã kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, đây là chiến dịch đầu tiên, còn có thể có những chiến dịch kế tiếp, nên chúng ta cần vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam chia sẻ: “hôm nay đã sang ngày thứ 13 phong tỏa xã Sơn Lôi, vùng tâm dịch và đã qua ngày thứ 10 không ghi nhận bệnh nhân mới, đã triển khai tất cả các biện pháp mạnh. Dù tình hình trên thế giới có nhiều thay đổi như ở Hàn Quốc, Ý, Iran, và một số nước khác nhưng 5 phương châm trên không thay đổi.”

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã tri ân những người thầy thuốc nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-02. Đồng thời biểu dương, ghi nhận những kết quả Ngành Y tế đạt được cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh COVID – 19 trong thời gian qua. Phó Thủ tướng đề nghị Ngành Y tế trong thời gian tới cần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; trước diễn biến dịch bệnh COVID -19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, không được chủ quan, cần tích cực tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức trong công tác phòng chống dịch. Các địa phương chủ động tăng cường các biện pháp cách ly đối với người bị nghi nhiễm và các biện pháp phòng chống dịch thiết thực, hiệu quả..../.


Thăm dò ý kiến