Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm 2020 là một năm gian nan nhưng tự hào đối với những “chiến sĩ áo trắng”

06/01/2021 | 21:17 PM

 | 

 

Đó là lời chia sẻ củaThủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Y tế toàn quốc diễn ra vào sáng 06/01/2021.

Tham dự Hội nghị có, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; đồng chí Phan Thanh Bình, BCH Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương; đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…Đại diện Lãnh đạo các Bộ/ Ban/ ngành Trung ương cùng hơn 500 đại biểu ngành Y tế trên toàn quốc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ trưởng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị

 

Về phía Bộ Y tế có GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Đỗ Xuân Tuyên, Trần Văn Thuấn; đại diện Lãnh đạo các Vụ, Cục, Văn phòng, đơn vị thuộc Bộ Y tế; Lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố; Sở Y tế và các đơn vị liên quan.

Năm 2020 là một năm gian nan nhưng tự hào đối với những “chiến sĩ áo trắng”

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng năm 2020 là một năm gian nan nhưng tự hào đối với những “chiến sĩ áo trắng”, những người đã nỗ lực, dấn thân, nhất là những người trực tiếp phòng chống đại dịch COVID-19 với tinh thần không quản khó khăn, sẵn sàng cống hiến, hy sinh, cùng với lực lượng quân đội, công an, ngoại giao… để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân.

Tại Hội nghị, đồng chí Thủ tướng biểu dương và gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến lãnh đạo Bộ Y tế, đến đội ngũ giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở cách ly, các cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở khám, chữa bệnh trong suốt một năm qua với tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, không ngừng nỗ lực, cống hiến cao cả, tận tâm hết mình vì một Việt Nam an toàn trước đại dịch.

Điểm lại một số thành quả nổi bật của ngành Y tế, đồng chí Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, đánh giá công tác xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong thời gian qua đã tạo được nền tảng rất quan trọng trong ngành Y tế.

Năng lực điều trị ở các tuyến được nâng lên rõ rệt; hầu hết các kỹ thuật cao trên thế giới đã được thực hiện ở Việt Nam, như ghép tạng, phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, điều trị ung thư, góp phần điều trị hiệu quả, cứu sống được nhiều người bệnh. Nhiều kỹ thuật trước đây chỉ làm được ở các bệnh viện Trung ương, tuyến cuối nay đã trở thành thường quy ở nhiều bệnh viện tỉnh, huyện. Số giường bệnh trên 1 vạn dân tăng từ 25 năm 2016 lên 28 năm 2020. “Chúng ta đã rất chú ý đến việc tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine. Tôi được biết ngày 21/01/2021 tới đây, các đồng chí đưa vaccine thứ hai và tháng 3 tới đưa vaccine thứ ba vào thử nghiệm lâm sàng trên người”, đồng chí Thủ tướng nhấn mạnh. Điều này thể hiện năng lực nghiên cứu, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và cả sự nhanh nhạy, chạy đua với thời gian cũng như sự khát khao, niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong bảo vệ người dân trước đại dịch lịch sử này.

Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ vui mừng vì trong giai đoạn 2016 – 2020, hầu như năm nào ngành Y tế cũng có những thành tích nổi bật trong lĩnh vực này. Đó là ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh; lần đầu tiên ghép ruột thành công tại Bệnh viện Quân y 103; Bệnh viện Việt Đức tiếp tục phá vỡ kỷ lục trong ghép tạng do chính Bệnh viện lập trong năm 2019 với 10 ngày thực hiện liên tiếp 23 ca ghép tạng.

Tiếp tục lấy phương châm “người bệnh là trung tâm”, tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú tăng từ 80,8% năm 2018 lên 83,62%; của người bệnh ngoại trú tăng từ 74,8% năm 2018 lên 78,9%.

Về dân số và chất lượng dân số, mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995.

Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam không ngừng tăng và đã đạt 73,7 tuổi, đứng thứ 56 trong tổng số 138 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ 2 khu vực ASEAN chỉ sau Singapore…

Đây là những thành tựu đáng tự hào của đất nước, của ngành Y tế, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, là những bó hoa tươi thắm của ngành chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Ngành Y tế tiếp tục hoàn thành những mục tiêu và tầm nhìn đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII

Tại Hội nghị, đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Y tế tiếp tục hoàn thành những mục tiêu và tầm nhìn đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò quan trọng và thiết thực của Sở Y tế tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước, y tế quân đội, công an và y tế các Ngành.

Theo đó, một số vấn đề trọng tâm mà ngành Y tế cần đặc biệt chú trọng trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 bao gồm:

1. Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế. Thực hiện đồng bộ các biện pháp ngành Y tế, đặc biệt “Thông điệp 5K” của Bộ Y tế về phòng chống COVID-19. Các ngành chức năng như công an, quân đội, các tỉnh có biên giới cần các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn nhập cư trái phép. Nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với biểu hiện lơ là, chủ quan, coi thường lợi ích cộng đồng trong phòng, chống dịch COVID-19 để đón Tết lành mạnh, an toàn.

2. Các dịch bệnh như sốt xuất huyết, bạch hầu vẫn tồn tại và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Do đó, phải tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế để ứng phó với với các tình huống khẩn cấp, phòng chống dịch bệnh chủ động, phát hiện sớm, khống chế kịp thời, đặc biệt là kiểm soát tốt dịch COVID-19.

3. Bên cạnh đó, phải quan tâm đến phòng, chống các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật và 73% số ca tử vong. Ngành Y tế và các cấp phải đẩy mạnh công tác phòng, chống tăng cường truyền thông, sàng lọc phát hiện sớm các loại bệnh không lây nhiễm, chủ động phòng ngừa đối với các loại bệnh đã có vắc xin, tăng cường chuyên môn, trang thiết bị trong việc tầm soát, điều trị bệnh cũng như chăm sóc giảm nhẹ trong cộng đồng.

4. Ngành Y tế làm nòng cốt phối hợp với các bộ, ban, ngành trong hướng dẫn, vận động, kêu gọi người dân chủ động bảo vệ sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm và các bệnh lý khác bằng chế độ ăn uống, vận động khoa học, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, chủ động khám bệnh định kỳ để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, không trì hoãn khám, chữa bệnh tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.

5. Với việc đã hoàn thiện 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân, ngành Y tế đã tạo được tiền đề để hiện thực hóa chủ trương mọi người dân Việt Nam đều được bác sĩ quản lý, theo dõi, tư vấn và chăm sóc sức khỏe toàn diện bất cứ khi nào người dân cần hoặc có nhu cầu. Vì vậy, ngành Y tế phải tiếp tục đổi mới, với trọng tâm là y tế cơ sở, phải có những giải pháp đột phá về chuyên môn, cơ chế tài chính cho y tế cơ sở, trạm y tế xã, đặc biệt phải hoàn thành cho được gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế công cộng y tế, dự phòng, tạo động lực cho hoạt động y tế cơ sở; sớm hoàn thành Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế vùng khó khăn trình Chính phủ phê duyệt.

6. Ngành Y tế tiếp tục không ngừng cải thiện chất lượng, lấy chất lượng và sự an toàn, sức khỏe của người bệnh, người dân là mục tiêu quan trọng nhất. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai khám chữa bệnh từ xa. Thực hiện công khai chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh để người dân được biết và có quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh. Phải thực hiện việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, liên thông kết quả chẩn đoán hình ảnh giữa các bệnh viện để người bệnh giảm bớt phiền hà khi phải thực hiện lại xét nghiệm, hạn chế tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm và góp phần tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, tiến tới bệnh án dùng chung cho các tuyến.

7. Từ ngày 01/01/2021 theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, đã thực hiện thông tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc, đây là thách thức không nhỏ của cả ngành và cả các chính quyền địa phương, khi người dân được lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh theo nhu cầu và theo nguyện vọng; do đó ngành Y tế và chính quyền các địa phương phải chủ động nâng cao chất lượng, không để tình trạng người bệnh dồn về một số bệnh viện, gây quá tải cục bộ, dẫn đến giảm chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

8. Ngành Y tế tiếp tục công khai, minh bạch trong quản trị ngành; trong mua sắm, đấu thầu; tập trung hoàn thành Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, đảm bảo nguồn nhân lực để đưa vào hoạt động trong năm 2021, không thể để chậm chễ lâu hơn nữa, đáp ứng lòng mong mỏi của Nhân dân có cơ sở khám chữa bệnh mới, khang trang, hiện đại.

9. Chủ động, phối hợp với các Bộ/Ngành xây dựng các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư để nhanh chóng hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành Y tế phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân.

Đồng chí Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về vấn đề xã hội hóa, kinh tế trong y tế cần phải phát huy mạnh mẽ trên cơ sở công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, “để người dân không phải gánh chịu chi phí không cần thiết, không thể đưa giá thiết bị lên 5-7 lần để lấy chi phí của người bệnh cao hơn 5-7 lần so với bình thường”.

10. Ngành Y tế phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý cũng như cơ chế quản trị trong từng bệnh viện, cơ sở y tế; sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công cho ngành.

11. Chính phủ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế. Do đó, Bộ Y tế cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiếp tục triển khai lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với thực hiện bảo hiểm y tế, phấn đấu đạt mục tiêu hơn 95% vào năm 2025.

12. Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết về thí điểm tự chủ cho 4 bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K, Chợ Rẫy và phê duyệt các đề án tự chủ cụ thể cho Bệnh viện: Bạch Mai, K. Bộ Y tế và các bệnh viện khẩn trương thực hiện, sơ kết thí điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng, theo phương châm tự chủ không phải là tăng thu mà tự chủ là tạo điều kiện để các bệnh viện phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và tiếp thêm nhiệt huyết, sức mạnh để cán bộ y tế cống hiến hết mình cứu chữa, chăm sóc người bệnh.

13. Nghiên cứu đề xuất tăng mức đóng BHYT phù hợp, bảo đảm phục vụ tốt nhất quyền lợi của người bệnh, sử dụng quỹ hợp lý và hiệu quả, bảo đảm cân đối quỹ BHYT; phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng treo, nợ quỹ.

14. Ngành Y tế đảm bảo  hơn nữa tính minh bạch về viện phí, kiểm soát tốt hơn chi phí dược phẩm, phác đồ và thuốc chữa bệnh cũng như vật tư, thiết bị y tế. Chống tiêu cực, tham nhũng và đẩy mạnh công khai, minh bạch hóa bằng ứng dụng công nghệ thông tin ở các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Đồng thời, phải khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

15. Công tác dân số và phát triển luôn được trong trọng tâm ưu tiên của Đảng, Chính phủ. Riêng trong năm 2020, Thủ tướng đã phê duyệt 5 Đề án; Bộ Y tế và các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện bằng những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để duy trì và tận dụng tối đa thời kỳ dân số vàng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời thích ứng được với xu hướng già hóa dân số trong những năm sắp tới.

Nhấn mạnh vai trò nhân lực ngành Y tế, Thủ tướng cho rằng, việc đào tạo bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ lý, điều dưỡng phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, tất cả các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện phải xem xét cho dừng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ trưởng Chính phủ cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng chắc chắn ngành Y tế tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đạt được, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân được Đảng, Nhà nước giao phó./.


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Thông điệp truyền thông phòng, chống Ho gà

Thứ Năm, ngày 28/03/2024 16:57

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan dự họp báo cáo công tác quản lý nhà nước đối với thuốc lá mới

Thứ Năm, ngày 28/03/2024 13:40

Tổng thuật trực tiếp chiều 18/3: Phiên chất vấn và trả lời chất vẫn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao

Thứ Hai, ngày 18/03/2024 08:13

Vietnam Medi-Pharm 2024 diễn ra từ ngày 09 - 12/ 5 tại Hà Nội

Thứ Ba, ngày 19/03/2024 03:01

Hội nghị trực tuyến liên ngành về tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024

Thứ Tư, ngày 27/03/2024 09:07

Giới hạn tuổi nào cho bệnh nhân phẫu thuật điều trị ung thư đường tiêu hóa

Thứ Tư, ngày 27/03/2024 06:56

Danh sách tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng hình thức khen thưởng huân chương và danh hiệu vinh dự nhà nước

Thứ Hai, ngày 25/03/2024 01:21

Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người năm 2024

Thứ Tư, ngày 27/03/2024 00:40

Tổng thuật: Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với thanh niên

Thứ Ba, ngày 26/03/2024 03:07

[Ảnh] Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3

Thứ Hai, ngày 25/03/2024 08:43

Phát hiện 08 ca sốt phát ban nghi mắc sởi tại huyện Đức Thọ

Chủ Nhật, ngày 24/03/2024 10:33

Thăm dò ý kiến