Cứu bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn suy đa tạng, sốt xuất huyết nguy kịch

19/08/2024 | 04:35 AM

 | 

 

Có tiền sử nghiện rượu, xơ gan và động kinh do rượu nhưng không điều trị, khi mắc sốt xuất huyết Dengue, nam bệnh nhân 54 tuổi tại Hà Giang bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi. May mắn bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện 19-8, Bộ Công an cứu sống.

Bệnh viện 19-8, Bộ Công an thông tin, vừa qua đơn vị đã tiếp nhận nam bệnh nhân V.M.G. (54 tuổi, ngụ tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) nhập viện trong tình trạng động kinh, xơ gan do rượu, sốt xuất huyết Dengue.

Khai thác tiền sử, các bác sĩ thông tin, bệnh nhân G. đã nghiện rượu khoảng 20 năm. Hơn 10 năm trước, bệnh nhân đã được chẩn đoán xơ gan và động kinh do rượu, nhưng không điều trị.

Ngày 16/7, bệnh nhân lên cơn co giật toàn thân, nhãn cầu đảo ngược, sau đó tỉnh lại rất chậm, mệt nhiều, nên tự bắt xe xuống Bệnh viện 19-8, Bộ Công an thăm khám.

Đến ngày 31/7, nam bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực do suy hô hấp, tụt huyết áp, rối loạn nhịp, rối loạn đông máu.

Sau khi kiểm tra và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi, sốt xuất huyết Dengue nặng, xơ gan, động kinh, tiền sử lạm dụng bia rượu.

Hai ngày sau, nam bệnh nhân rơi vào hôn mê gan, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận cấp, phải thở máy và lọc máu liên tục, rơi vào tình trạng nguy cấp.

Ths.BS Bùi Nam Phong, Trưởng Khoa Điều trị tích cực - Chống độc, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an cho biết, các bác sĩ đã quyết định can thiệp kỹ thuật cao là thở máy bảo vệ phổi theo ARDS.NET, lọc máu liên tục và lọc máu đào thải CO2.

Cứu bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn suy đa tạng, sốt xuất huyết nguy kịch- Ảnh 2.

Các bác sĩ triển khai kỹ thuật đào thải CO2 để cứu sống bệnh nhân.

"Lọc máu đào thải CO2 là kỹ thuật cao, mới nhất trong ngành hồi sức cấp cứu. Phương pháp này loại bỏ CO2 ở những bệnh nhân nguy kịch do viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển, phổi tắc nghẽn mãn tính hay các trường hợp tăng CO2 máu mà việc hỗ trợ máy thở thông thường  không đủ", Ths.BS Bùi Nam Phong chia sẻ.

Sau thời gian tích cực điều trị, ngày 15/8, bệnh nhân đã dừng lọc máu, dừng thuốc vận mạch, cai thở máy rút ống nội khí quản.

Hiện bệnh nhân đang tập phục hồi chức năng hô hấp, vận động.

Theo Ths.BS Bùi Nam Phong, được sự chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai, hiện tại Khoa Điều trị tích cực – Chống độc, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an đã cập nhật, đưa vào triển khai quy trình kỹ thuật mới này và trở thành một trong những trung tâm ICU đầu tiên trong cả nước thực hiện được kỹ thuật đào thải CO2 trong điều trị bệnh nhân suy hô hấp nặng.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến