Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, công khai để người dân biết
15/12/2024 | 22:06 PM
|
Kết quả giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cho thấy vẫn tồn tại một số mẫu thực phẩm không an toàn, có kết quả xét nghiệm vượt giới hạn tối đa cho phép...
Vẫn còn một số mẫu thực phẩm không an toàn
Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh cho biết, triển khai kế hoạch giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm năm 2024 trên địa bàn tỉnh, Ban đã tiến hành lấy mẫu giám sát mối nguy thực phẩm theo nhóm trên thị trường, lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm qua các đợt thanh tra, kiểm tra và giám sát các lễ hội, sự kiện trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ kết quả giám sát mối nguy ô nhiễm năm 2024 cho thấy, trên địa bàn tỉnh tồn tại một số mẫu thực phẩm không an toàn, có kết quả xét nghiệm vượt giới hạn tối đa cho phép theo quy định như: giò, chả (chỉ tiêu không đạt: tổng số vi khuẩn hiếu khí 21%; E.coli 12%; Salmonella: 7.5%); thịt chế biến sẵn ăn ngay (chỉ tiêu không đạt: tổng số vi khuẩn hiếu khí 30%; E.coli 25%; Salmonella: 4%); thịt và sản phẩm chế biến từ thịt phải xử lý nhiệt trước khi sử dụng (chỉ tiêu không đạt: E.coli 48%; Salmonella: 50%).
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh Bắc Ninh kiểm tra tại cơ sở. Ảnh: Phượng Duyên.
Các sản phẩm này chủ yếu của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ hoặc kinh doanh thức ăn đường phố, sự đầu tư về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chưa được chú trọng, chưa đảm bảo các điều kiện ATTP theo quy định; ý thức thực hành của người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa cao, chưa tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, do đó đã gây nên các mối nguy về ô nhiễm vi sinh vật, thuốc trừ sâu…
Việc sử dụng các thực phẩm không an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Để đảm bảo ATTP và bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới các hộ nông dân, cơ sở sản xuất ban đầu bảo đảm các điều kiện về đất canh tác, nguồn nước, địa điểm trồng trọt, địa điểm chăn nuôi; tuân thủ nghiêm các quy định về sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt, sử dụng thức ăn trong chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất ban đầu và của người dân để đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm an toàn.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất ban đầu. Xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người dân.
Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về điều kiện đảm bảo ATTP trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Xây dựng và phát sóng các phóng sự, tin, bài, bài viết tuyên truyền đến người sản xuất, kinh doanh thực phẩm về các mối nguy ô nhiễm thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về việc lựa chọn, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Đài phát thanh địa phương, các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo ATTP tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Chỉ đạo UBND cấp xã tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATTP, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Đặc biệt tuyên truyền tới các cơ sở chế biến nem Bùi; giò, chả; thịt chế biến sẵn ăn ngay, thịt và sản phẩm chế biến từ thịt phải xử lý nhiệt trước khi sử dụng để nâng cao ý thức thực hành trong quá trình sản xuất, chế biến nhằm hạn chế tối đa sự ô nhiễm vi sinh vật vào các sản phẩm thực phẩm.
Tuyên truyền tới các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần đảm bảo các hàng hóa, nguyên liệu thực phẩm bày bán, sử dụng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.
Tăng cường công tác vận động, kí cam kết đảm bảo ATTP giữa các tiểu thương kinh doanh tại chợ với UBND các xã, phường, thị trấn theo quy định và kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, nông sản được kinh doanh tại chợ.
Các phòng chuyên môn, UBND cấp xã, phối hợp với Đội Thanh tra - Quản lý ATTP trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc
- Kết hợp Đông – Tây y phòng và điều trị bệnh trị đột quỵ não
- Gửi báo giá, hồ sơ năng lực thực hiện hoạt động Thuê trang trí cảnh quan cho dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán 2025 Cơ quan Bộ Y tế
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025
- Bộ Y tế gia hạn thêm 1.500 giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc
- Rwanda tuyên bố dịch sốt xuất huyết do virus Marburg kết thúc