Sáng 28/9: Ca COVID-19 mới tăng nhẹ; phải tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine

28/09/2022 | 08:35 AM

 | 

Số ca mắc mới COVID-19 và ca nặng đều tăng nhẹ, trong khi các cơ quan y tế công của nhiều nước và Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về xu hướng số ca nhiễm tăng trở lại trong giai đoạn thu- đông...

 

Gần 120 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị

Bộ Y tế cho biết ngày 27/9 có 1.585 ca mắc mới COVID-19, tăng nhẹ so với ngày trước đó; có hơn 1.200 bệnh nhân khỏi. Sau 5 ngày liên tục không ghi nhận ca tử vong, ngày 27/9 có 1 trường hợp tại Cần Thơ tử vong. 

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.475.321 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.967 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.588.788 ca; trong số hơn 843 nghìn bệnh nhân đang giám sát, điều trị, số bệnh nhân đang thở ô xy là 118 ca (tiếp tục tăng nhẹ so với ngày trước đó), trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 101 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 7 ca; Thở máy xâm lấn: 10 ca.

Sáng 28/9: Ca COVID-19 mới và bệnh nhân nặng tăng nhẹ, phải tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine - Ảnh 1.Các địa phương cần đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. (Ảnh:Trần Minh)

Tăng cường miễn dịch trước mùa Đông

Các cơ quan y tế công của nhiều nước và Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về xu hướng số ca nhiễm tăng trở lại trong giai đoạn thu- đông. Dịch COVID-19 kết hợp với sự gia tăng ca nhiễm các loại virus đường hô hấp khác trong mùa Đông sẽ gây thêm áp lực cho hệ thống y tế.

Trước tình hình này, Cố vấn y tế của Cơ quan Y tế Anh Susan Hopkins đã kêu gọi những người đủ điều kiện tiêm vaccine nhanh chóng tiêm phòng nhằm cường miễn dịch trước mùa Đông.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế đến ngày 27/9, cả nước đã tiêm vượt mốc 260 triệu mũi vaccine COVID-19 các loại, tuy nhiên, bên cạnh những địa phương tiêm nhanh, vẫn còn hàng chục tỉnh, thành tiêm chậm, thấp các mũi 3 và mũi 4 cho ngừoi từ 12 tuổi trở lên theo hướng dẫn về đối tượng; tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thấp, chậm.

Do đó, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.

Đồng thời, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19...Tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới.

Khoảng 65% dân số Nhật Bản đã tiêm ít nhất 1 liều tăng cường vaccine COVID-19

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 620,7 triệu ca, trên 6,53 triệu ca tử vong.

Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đối với bệnh COVID-19 của Nhật Bản đạt khoảng 90% tại các khu vực dân cư lớn sau làn sóng dịch do biến thể Omicron mới đây. Đây là kết quả một nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu chính sách Tokyo, đăng tải ngày 27/9, đánh giá về mức độ miễn dịch tại 12 tỉnh đông dân nhất của Nhật Bản.

Theo nghiên cứu, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng này có được là nhờ hiệu quả của các chiến dịch tiêm phòng vaccine và cả miễn dịch tự nhiên ở người sau khi đã nhiễm bệnh. Người dân ở các địa phương Tokyo, Osaka và Okinawa chủ yếu có kháng thể là do đã mắc bệnh, đặc biệt trong làn sóng dịch thứ 7 đạt đỉnh vào tháng 8 vừa qua.

Theo số liệu của Nhật Bản, khoảng 65% dân số Nhật Bản đã tiêm ít nhất 1 liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ tại Mỹ. Tuần trước, các cơ sở y tế Nhật Bản đã bắt đầu triển khai tiêm liều vaccine tăng cường là loại vaccine được điều chỉnh nhằm vào biến thể Omicron./.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến