Những thách thức trong quy định và thực thi chính sách về thuốc lá mới
07/11/2024 | 08:52 AM
|
Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ người hút thuốc lá mới. Những quy định hiện hành đang đặt ra những thách thức về thực thi chính sách về sản phẩm này.
|
Tỷ lệ người sử dụng thuốc lá mới vẫn đang tiếp tục gia tăng. |
Việt Nam đối mặt với sự gia tăng người sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Bộ Y tế cho biết, năm 2019, khoảng 2,6% học sinh Việt Nam từ 13 đến 17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử (3,6% nam và 1,5% nữ). Năm 2022, tỷ lệ sử dụng ở vị thành niên là học sinh 13-15 tuổi là 3,5% (4,3% nam và 2,8% nữ).
Kết quả điều tra sơ bộ tại 11 tỉnh, thành phố trong năm 2023 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ở học sinh 13 đến 17 tuổi là 8,1%; tỷ lệ sử dụng ở các thành phố lớn và thành thị cao hơn so với nông thôn. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành năm 2015 là 0,2% tăng lên 0,6% năm 2021.
Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) là 3,6%, cao nhất ở nhóm vị thành niên và thanh niên (15 đến 24 tuổi) là 7,3%; tiếp đến là nhóm tuổi 25-44 (3,2%) và 45-64 tuổi (1,4%).
Việc sử dụng thuốc lá mới đã để lại những tác hại đối với sức khoẻ, môi trường, thiệt hại về kinh tế và để lại những hậu quả đối với xã hội. Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu: tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này.
Tại Hội nghị COP 8, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: việc cho phép các sản phẩm mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ. Các bên tham gia cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.
Dù lựa chọn chính sách hạn chế hay quản lý thuốc lá mới, các quốc gia đều gặp một số thách thức trong việc thực thi, khả năng ứng phó với tiến bộ công nghệ đổi mới sản phẩm, trong kiểm soát quảng cáo, bán hàng trực tuyến và năng lực quản lý, cấp phép hay giám sát cũng như yêu cầu đầu tư nguồn lực cao cho công tác quản lý nhà nước. Ở nhiều quốc gia, sau khi cho phép quản lý đã chứng kiến sự tăng nhanh tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ, phải chuyển từ quản lý sang cấm một số loại thuốc lá điện tử hoặc áp dụng quy định quản lý rất nghiêm ngặt.
Nguồn: nhandan.vn
Tin liên quan
- Bộ trưởng Y tế đề xuất có Nghị quyết về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói về 'giữ chân' cán bộ y tế, quản lý thực phẩm chức năng
- TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10
- Thời gian xét nghiệm trung bình giảm từ 3 giờ còn 1 giờ
- Bộ Y tế yêu cầu 2 bệnh viện liên quan đến phản ánh 'bát nháo khám sức khoẻ' xác minh, xử lý sai phạm
- Chuyên gia chỉ nguyên nhân khiến chiều cao của người Việt vẫn khiêm tốn