Mở rộng đối tượng hiến tặng sự sống, cơ hội cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo

27/08/2024 | 14:21 PM

 | 

Hiến tặng mô, bộ phận cơ thể là hành động cao cả, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, giúp cứu sống nhiều người bệnh. Từ năm 2006, Việt Nam đã có Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người. Luật đã đặt nền móng quan trọng cho việc cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người, giúp kéo dài sự sống...

Mới đây, trường hợp bệnh nhân nam tên N.Đ.T. (32 tuổi) không may bị tai nạn giao thông nghiêm trọng và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán chết não, gia đình anh T đã đưa a một quyết định vô cùng nhân văn là hiến tạng của anh để cứu sống những người khác.

Món quà cuộc sống của người thanh niên ở Hà Nội đã hồi sinh cho nhiều cuộc đời. Trái tim của anh được ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, hai quả thận được ghép đồng thời cho hai người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, gan của anh được ghép cho một người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và giác mạc của anh được ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Các y bác sĩ dành một phút mặc niệm trước khi tiến hành phẫu thuật lấy tạng hiến.

Hiện nay, nhu cầu hiến tạng rất lớn, danh sách chờ để được nhận tạng hiến tăng theo từng ngày. Tuy nhiên nguồn tạng hiến vô cùng ít ỏi.

Thực tế, 94% nguồn tạng hiến ở nước ta từ người cho sống, chỉ có 6% tạng hiến từ người chết não. Điều này ngược lại với các nước phát triển là 40-90% tạng hiến từ người chết não.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 13 trường hợp chết não hiến tạng, trong đó có 7 ca tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; 2 ca tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các ca còn lại tại Bệnh viện E, Bệnh viện Việt Nam Thuỵ Điển-Uông Bí, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và Bệnh viện đa khoa Phú Thọ... Số ca chết não hiến tạng trong 6 tháng đầu năm 2024 tương đương với cả năm 2023.

Tại một cuộc hội thảo gần đây, TS.BS Nguyễn Công Hựu – Giám đốc BV E khẳng định, ghép mô, tạng là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Hàng năm, trên thế giới có hàng trăm, hàng nghìn người được ghép mô, tạng. Lượng người bệnh chỉ định ghép mô, tạng ngày càng gia tăng qua các năm. Tuy nhiên, với những đặc thù về văn hoá, truyền thống của người Á Đông, nguồn tạng từ người chết não vẫn đang còn nhiều hạn chế, việc thay đổi nhận thức về vấn đề này trong cộng đồng là việc phải làm tích cực.

Cần thiết phải mở rộng đối tượng trong Luật Hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người

Cho đến nay, dù Việt Nam đã làm chủ kỹ thuật ghép tạng và là một trong những quốc gia có khả năng thực hiện ghép được nhiều loại tạng. Theo số liệu của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép cơ thể người, năm 2023 số người được ghép tạng tại Việt Nam là 1.000 người, trở thành nước có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Đến nay, Việt Nam đã thực hiện ghép thành công hầu hết các tạng như các nước phát triển như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy và ruột. Tuy nhiên, một trong những rào cản để thực hiện được các ca ghép tạng là cần phải có nguồn tạng hiến.

Bệnh nhân được ghép thận từ quả thận hiến tặng của nam thanh niên chết não sau tai nạn giao thông ở Hà Nội.

Ra đời từ năm 2006, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác có hiệu lực thi hành đã 18 năm, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta. Để đáp ứng nhu cầu nguồn tạng hiến ngày một tăng cao, đòi hỏi phải hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật, việc sửa đổi luật là cần thiết.

Ví dụ như, trong Luật chỉ đề cập đến đối tượng hiến là người cho chết não, nhưng đối tượng người cho chết tim cũng có thể hiến tạng. Trong hàng chục năm qua, nhiều nước trên thế giới đã gia tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết tim. Tại Việt Nam, nguồn hiến từ người chết tim còn rất nhiều.

Một trong những quy định độ tuổi của Việt Nam là 18 tuổi mới được hiến tặng mô, tạng là rào cản lớn. Bởi nhiều người bệnh là trẻ em không may qua đời cũng có thể cứu sống được nhiều bệnh nhi là trẻ em khác.

Một trong những đề xuất nhận được nhiều sự ủng hộ là Luật cần cho phép cha mẹ hoặc người giám hộ của người vừa qua đời được quyền quyết định hiến mô, tạng cho người có nhu cầu; cho phép phạm nhân được hiến tặng mô tạng. Nếu Luật sửa đổi theo hướng này, sẽ mở rộng cơ hội nhiều người chết não sẽ hiến tặng mô tạng sau khi qua đời...

Để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, trong đó định hướng tập trung sửa đổi các vấn đề như độ tuổi người hiến, quyền lợi đối với người hiến; vấn đề về tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng; vấn đề xác định chết não; cơ chế tài chính trong hiến, ghép mô, tạng; các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân lực tham gia điều phối, tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng…

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến