Bộ trưởng Y tế: Đề xuất tăng gấp đôi mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm
10/07/2025 | 11:08 AM



Trả lời kiến nghị cử tri thành phố Huế gửi tới trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV về giải pháp để nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết đang nghiên cứu đề xuất tăng mức xử phạt gấp 2 lần với vi phạm quy định về tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm hay quảng cáo.
Lực lượng công an đã triệt phá thành công vụ án liên quan sản xuất, buôn bán sữa giả Hiup và và nhãn hiệu thực phẩm Ofood của Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food. (Ảnh minh họa: ĐỖ THOA)
Gửi kiến nghị trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cử tri thành phố Huế nêu rõ: “Tình trạng thực phẩm chức năng kém chất lượng, sữa giả được bán trên các nền tảng mạng xã hội; một số thực phẩm không có nhãn mác, xuất xứ được bày bán tràn lan trước các cổng trường học gây ảnh hưởng đến sức khỏe đối với người dân, trẻ nhỏ. Trong khi đó, công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm đang có những chồng chéo, vướng mắc, nhiều đầu mối quản lý dẫn đến hiệu quả không cao”.
Cử tri thành phố Huế nêu ý kiến và đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu có giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.
Đề xuất tăng mức chế tài xử phạt từ 1,2 đến 2 lần
Trả lời kiến nghị cử tri thành phố Huế, ngày 9/7, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm và giải quyết các vấn đề nêu trên, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Bộ đang là đầu mối tham mưu và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018 để giải quyết các vấn đề cấp bách; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 115/2018 và Nghị định số 124/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, Bộ đang đề xuất tăng mức chế tài xử phạt từ 1,2 đến 2 lần so với mức hiện tại.
Bộ trưởng Y tế cho biết, các hành vi vi phạm đang được tập trung nghiên cứu để tăng mức phạt bao gồm: Vi phạm quy định về tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất cấm, hóa chất ngoài danh mục cho phép; vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống và vi phạm quy định về quảng cáo.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được Bộ Công an đề xuất nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh liên quan đến an toàn thực phẩm để tăng tính răn đe.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, hiện tại, chế tài xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm đã được quy định tương đối đầy đủ, từ hình sự (Điều 317 Bộ Luật hình sự) đến xử phạt hành chính. Tính từ năm 2020 đến tháng 5/2025, ngành y tế đã kiểm tra hơn 1,9 triệu cơ sở và xử lý trên 50.000 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 247 tỷ đồng.
Thành lập 5 tổ kiểm tra đột xuất tại các tỉnh
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hằng năm, Bộ Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm xây dựng và ban hành kế hoạch hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Bộ đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường đấu tranh phòng chống thuốc giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả từ đầu năm 2025. Đồng thời triển khai đợt cao điểm trong tháng 5/2025 về đấu tranh phòng, chống thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thành lập 5 tổ kiểm tra đột xuất tại các tỉnh để kiểm soát việc sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành (công an, công thương, văn hóa thể thao và du lịch, nông nghiệp và môi trường) và Ủy ban nhân dân các cấp để điều tra, truy tìm nguồn gốc và triệt phá các đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm giả.
Theo Bộ Y tế, việc quản lý sản phẩm được phân theo ngành dọc, với trách nhiệm quản lý toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Nhiều cá nhân nổi tiếng bị xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm, sữa
Về kiểm soát thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc, Bộ trưởng Y tế cho biết, đã tăng cường công tác quản lý và xử phạt nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, đặc biệt trên mạng xã hội.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để xử lý vi phạm hành chính về quảng cáo thực phẩm, sữa đối với nhiều cá nhân nổi tiếng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2025 (có hiệu lực từ 1/1/2026) đã bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó yêu cầu xác minh độ tin cậy, kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu nội dung quảng cáo không bảo đảm yêu cầu.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu, đề xuất tăng mức tiền phạt, buộc tạm ngừng hoạt động quảng cáo có thời hạn đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng và công bố rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo, răn đe; yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới chặn gỡ nội dung, khóa tài khoản vi phạm và triển khai giải pháp công nghệ để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo.
Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả quy mô lớn. Trong tháng cao điểm đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, công an các đơn vị, địa phương đã khởi tố 124 vụ và 297 bị can liên quan hành vi này; xử lý hành chính 944 vụ và 968 đối tượng.
Nguồn: nhandan.vn
Tin liên quan
- Bộ Y tế tiếp tục bãi bỏ thêm các thủ tục hành chính lĩnh vực dược
- Nổi ban tím tứ chi, ngừng tim sau bữa tiết canh, lòng lợn
- VTV chính thức có chương trình truyền hình chuyên biệt về y tế và sức khỏe cộng đồng
- Viên sỏi thận 'khổng lồ' như san hô nằm trong cơ thể người đàn ông gần 20 năm
- Mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho một số đối tượng tham gia BHYT thế nào?
- Ký sinh trùng từ thú cưng, nguy cơ tiềm ẩn khiến hàng trăm trẻ mắc bệnh