ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Cần có chính sách đưa bác sĩ giỏi về vùng sâu, vùng xa

28/05/2022 | 04:40 AM

 | 

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ về Dự Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cần có chính sách tốt thu hút bác sĩ giỏi về vùng sâu, vùng xa.

Theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, việc cấp chứng chỉ hành nghề giao cho Hội đồng Y khoa (HĐYK) là với mục đích nâng cao thực chất của việc bảo đảm chất lượng chuyên môn, giảm sự tắc trách tiêu cực của việc cấp giấy phép hiện nay. 

Tuy nhiên HĐYK hiện nay lại hoàn toàn không có tính chất độc lập chính vì vậy chức năng nhiệm vụ chồng chéo. Do vậy cần quy định rõ ràng cơ cấu thành phần chức năng nhiệm vụ của HĐYK. Việc cấp giấy phép hành nghề cần chia 2 nhóm rõ ràng: hành nghề bác sĩ đa khoa như bác sĩ gia đình, bác sĩ ở tuyến xã phường, quận, huyện… sẽ do cơ quan quản lý nhà nước cấp.

Theo PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, giấy phép hành nghề chuyên khoa cần do HĐYK phối hợp với hội chuyên ngành cấp. Hiện nay các hội chuyên ngành đang rất không phát triển ảnh hưởng lớn đến trình độ chuyên môn sâu của y học Việt Nam. 

Khi không có vai trò gì trong cấp phép hoạt động hành nghề các hội đúng chỉ mang tính chất hội hè. Nếu hội được thực chất tham gia vào cấp giấy phép hành nghề dù chỉ là chữ ký thứ hai bên cạnh chữ ký của HĐYK cũng sẽ giúp cho vai trò của Hội được nâng cao. 

Các hướng dẫn, cập nhật chuyên môn của hội sẽ được tuân thủ vì hiện nay mỗi bác sĩ học ở mỗi nước về lại thực hiện theo cách làm mình được học không có được sự thống nhất và người thiệt thòi nhất chính là người bệnh. 

Trong giai đoạn đầu có thể thử nghiệm ở một số hội chuyên ngành phát triển tốt, chuyên ngành nào chưa thực hiện được đành chấp nhận cách cũ để cơ quan quản lý nhà nước cấp chứng nhận hành nghề qua các bằng cấp và thời gian công tác.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Việt Nam không thiếu cán bộ y tế về số lượng, chỉ thiếu về chất lượng - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định) cho rằng việc cấp cấp chứng chỉ hành nghề giao cho HĐYK là cần thiết.

Phát biểu về vấn đề sử dụng tiếng địa phương để khám chữa bệnh, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, hiện nay không có bác sĩ giỏi nào sang Việt Nam sống làm việc lâu dài, đa phần là các bác sĩ về hưu, các nước có trình độ thấp hơn hoặc tương đương như nhân viên y tế chúng ta. 

"Đi sang nước ngoài chúng tôi vẫn phải dùng tiếng bản địa hoặc tiếng Anh để khám chữa bệnh. Chúng ta không lo việc không thu hút được nhân tài sang Việt Nam vì đã có điều khoản cho phép các chuyên gia đến giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật và điều trị cho bệnh nhân Việt Nam", PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Từ các ý kiến góp ý của các ĐBQH, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu đề nghị sửa theo hướng: Người nước ngoài có thể hành nghề tại Việt Nam với các điều kiện: hoặc sử dụng được tiếng Việt, hoặc làm trong các cơ sở điều trị có đăng ký khám chữa bệnh cho người nước ngoài  hoặc các trường hợp đặc biệt do HĐYK quyết định.

Về việc gia hạn giấy phép hành nghề, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng nên áp dụng công nghệ thông tin để thuận tiện tránh làm phức tạp nảy sinh tiêu cực. Đã có quy định về số lượng CME hàng năm, chỉ cần update thông tin trên mạng, đủ giờ học thực hành, giấy phép tự động được gia hạn nếu không có những vi phạm trong 5 năm hành nghề trước đó. Tương tự với giấy phép lái xe nếu update được hồ sơ khám sức khỏe đầy đủ, không gây tai nạn bằng lái có thể được duy trì vì việc cấp lại bằng lái xe hiện nay hoàn toàn chỉ là hình thức, gây tốn kém thời gian và tiền bạc cho người dân.

Về quy định chức danh nghề nghiệp PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ việc quy định chức danh nghề nghiệp phải thống nhất, không thể có trong quân đội mà ngoài không có. Hiện nay chúng ta không đào tạo y sĩ, y tá nữa mà có điều dưỡng cao đẳng, cử nhân điều dưỡng hay điều dưỡng đại học. Chức năng điều dưỡng cao đẳng và đại học cũng có thể làm nhiều việc thay thế bác sĩ.

Cuối bài phát biểu, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu khẳng định số lượng đào tạo y khoa của Việt Nam rất lớn với hơn 60 trường. Chúng ta không thiếu số lượng mà là chất lượng, chính vì vậy cần phải sửa đổi Luật Khám chữa bệnh theo hướng này. 

Những vùng sâu vùng xa cần có chính sách để đưa cán bộ y tế giỏi về và nâng cao trình độ nhân viên y tế tại chỗ bằng đào tạo liên tục, bằng Telehealth khám chữa bệnh từ xa. 

Không thể nói chăm sóc sức khỏe người dân vùng đồng bào thiểu số chỉ cần trình độ vừa vừa. Thực tế đang diễn ra như vậy chúng ta cần nhìn thẳng để thay đổi./.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến