Sẵn sàng đoàn kết, chia sẻ khó khăn để cùng vượt qua đại dịch COVID-19

27/09/2021 | 19:51 PM

 | 

 Tại Tọa đàm “COVID-19 và FDI: Tác động và triển vọng” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 27/9, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương có thế mạnh thu hút đầu tư FDI và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài lớn đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam, đều khẳng định tinh thần sẵn sàng đoàn kết, chia sẻ khó khăn để cùng vượt qua tác động của đại dịch COVID-19, tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tham dự Tọa đàm đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai và Tổ hợp Samsung Việt Nam, Nestlé Việt Nam - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đầu tháng 9 vừa qua, trong vòng 1 tuần Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có 3 cuộc gặp với các đại sứ, đại điện doanh nghiệp, đại diện các tổ chức có nhiều đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định luôn ủng hộ và đồng hành cùng các nhà đầu tư. Trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu hiện nay, trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư, đến môi trường đầu tư, chú trọng cải thiện, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Thủ tướng đã lắng nghe các kiến nghị của các nhà đầu tư, giao cho các Bộ ngành, các địa phương xem xét giải quyết các khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư để họ yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được quan tâm hoàn thiện và toàn diện hơn, qua đó giúp kết quả cải cách thực chất hơn, hiệu quả và thiết thực hơn.

Để cùng bàn luận và chia sẻ về môi trường đầu tư ổn định, an toàn và hấp dẫn với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội của Việt Nam, hôm nay, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “COVID-19 và FDI: Tác động và triển vọng”.

Tham dự chương trình có: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và  Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng; Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam Binu Jacob; ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam.

 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc: Chúng tôi cho rằng những khó khăn, vướng mắc chỉ mang tính nhất thời - Ảnh VGP/Nhật Bắc


Thưa Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Các con số thu hút đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2021 nói lên thông điệp nhất quán của Chính phủ trong việc tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư khắc phục khó khăn của dịch bệnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh, quan điểm đó càng được khẳng định đúng không, thưa bà?

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc: Chúng tôi khẳng định thông điệp và chủ trương nhất quán đó của Chính phủ. Về tình hình sản xuất của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có 34.141 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 403,19 tỷ USD. Vốn thực hiện ước đạt 245,14 tỷ USD, bằng 60,8% tổng vốn đầu tư. Khu vực này phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngân sách, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động. Đại dịch COVID-19 đang tác động hết sức tiêu cực đến khu vực FDI, trong đó có việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 đã đánh trực tiếp vào các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước như TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… là những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI, khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nhiều doanh nghiệp bị đảo lộn sản xuất kinh doanh, có doanh nghiệp phải dừng một phần, thậm chí toàn bộ hoạt động.

Đứng trước thách thức đó, thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt, luôn nỗ lực hành động vì một mục tiêu cao nhất là phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa phòng, chống dịch và triển khai hoạt động với phương châm như Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. Lợi ích thì chúng ta phải hài hòa, rủi ro thì chúng ta chia sẻ.

Chúng tôi cũng thấy rằng, ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI, đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay chia sẻ có trách nhiệm với Chính phủ, chính quyền địa phương, hỗ trợ người dân, cộng đồng trong cuộc chiến với COVID-19 bằng nhiều hình thức.

Các doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần vượt khó, thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội.

Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong thời điểm khó khăn này, quan điểm đó càng được khẳng định. Con số thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2021 đã nói lên điều đó. Điều này đã thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và khẳng định tính hiệu quả trong giải pháp đồng hành, hỗ trợ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong thời gian vừa qua. Chúng tôi cho rằng những khó khăn, vướng mắc chỉ mang tính nhất thời. 

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng: tỉnh quan tâm xây dựng và tổ chức các hội nghị để kết nối các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài - Ảnh VGP/Nhật Bắc


Tính tới đầu tháng 9/2021, đã có 42 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với số vốn đăng ký lên tới 32 tỷ USD. Xin bà Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ những kinh nghiệm và các chính sách là “chìa khoá” thu hút vốn FDI cũng như đánh giá về những cơ hội, lợi thế cạnh tranh, tiềm năng hiện hữu của Đồng Nai trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng: Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng số vốn đầu tư thu hút, cấp mới tăng 25% so với cùng kỳ và đạt 88% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó cấp mới 42 dự án với tổng vốn đăng ký tăng 50,1% so với cùng kỳ và đạt 62,7% so với kế hoạch năm 2021.

Đa phần các dự án là sản xuất công nghiệp phụ trợ, tập trung tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Dẫn đầu vẫn là các dự án đầu tư từ Hàn Quốc, tiếp theo là Nhật Bản, Singapore.

Thời gian qua, Đồng Nai là một trong những địa phương có lượng lớn dòng vốn FDI và cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư FDI:

Thứ nhất, hằng năm UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng các kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài tại các thị trường tiềm năng và nơi có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm để giới thiệu đến tỉnh Đồng Nai. Trong năm 2021, như chúng ta đã thấy, từ tháng 4 đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, tất cả những việc để xúc tiến đầu tư nước ngoài của tỉnh Đồng Nai cũng bị dừng lại. Tuy nhiên, chúng tôi kết nối với các nhà đầu tư đã đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tiếp tục gặp gỡ họ. Chính vì vậy, những tháng đầu năm, vốn đầu tư FDI mới đạt được kết quả nêu trên.

Thứ hai, tỉnh quan tâm xây dựng và tổ chức các hội nghị để kết nối các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Ở các hội nghị, chúng tôi lắng nghe các khó khăn cũng như kiến nghị của doanh nghiệp. Chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng nhau gỡ khó cho các doanh nghiệp.

Thứ ba, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Cục Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản để xây dựng, mở rộng hệ thống điều phối viên hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh

Việc phát triển các khu công nghiệp gắn liền với phát triển đồng bộ với hệ thống giao thông đường bộ cũng như hàng không. Có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư FDI và vốn để đầu tư.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn: Bắc Ninh là địa phương cởi mở thu hút FDI - Ảnh VGP/Nhật Bắc


Hiện nay Bắc Ninh đang đứng top 7 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút nguồn vốn FDI. Đây cũng là kết quả của các chính sách “hai ít, ba cao, bốn sẵn sàng’. Xin ông Vương Quốc Tuấn cho biết rõ hơn về chính sách này!

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn: Bắc Ninh là địa phương cởi mở thu hút FDI, là điểm đến thu hút nhà đầu tư nước ngoài rất lớn.

Tại thời điểm hiện nay thu hút khoảng 37 quốc gia với 20,4 tỷ USD vốn FDI. Với các cơ chế tạo thuận lợi tối đa cho các DN, Bắc Ninh đang thực hiện rất tốt, với các tập đoàn đa quốc gia như  Samsung, Canon… Tỉnh đã có chủ trương đa dạng hoá đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho các DN về hạ tầng. Với cơ chế chính sách đáp ứng nhu cầu FDI chất lượng cao trong những năm trở lại đây, tỉnh nằm trong top 10 về thu hút FDI, top 10 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhiều mô hình, đặc biệt là mô hình bác sĩ doanh nghiệp, đã có tác động tích cực hỗ trợ đầu tư.

Gần đây, Bắc Ninh có mô hình mới, với thương hiệu “2 ít , 3 cao, 4 sẵn sàng” là bước đi cụ thể hoá Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. 

Tỉnh đặt tiêu chí “2 ít”, đó là ít đất, ít dùng lao động vì đặc điểm Bắc Ninh có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất. Do đó, Bắc Ninh tập trung khuyến khích các dự án công nghệ cao, tiết kiệm đất, dùng ít lao động.

Tỉnh cũng có tiêu chí “3 cao”: Suất vốn đầu tư các dự án FDI cao, tăng cường tính lan toả dự án. Hai là công nghệ cao, chúng tôi đặt mục tiêu ưu tiên các dự án FDI công nghệ cao, gắn với giải quyết vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Ba là hiệu quả cao, tập trung làm sao thu hút nguồn lực cho ngân sách, góp phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Chúng tôi có  “4 sẵn sàng”: Trước hết là tập trung sẵn sàng mặt bằng, tạo cho các nhà đầu tư đến với Bắc Ninh có điều kiện tốt nhất. Hai là sẵn sàng nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ba là sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật. Bốn là sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn. Các DN, nhà đầu tư đều được giải quyết qua cơ quan cao nhất của tỉnh, nhanh chóng thuận lợi. Do đó, trong những năm qua, hiệu quả thu hút đầu tư ngày càng cao lên. Bắc Ninh tập trung thu hút FDI đầu tư cho công nghệ cao, với công nghệ điện tử là mũi nhọn. Trong tổng vốn đầu tư, cơ cấu tỷ trọng đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ chiếm tới 86% tổng vốn FDI. Vì vậy, Bắc Ninh vươn lên là địa phương phát triển công nghệ đứng đầu toàn quốc, kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2, thu hút đầu tư đứng thứ 6.

Với quá trình nỗ lực của cộng đồng DN, cũng như chủ trương cải thiện thu hút đầu tư của Bắc Ninh vừa qua, tỉnh tạo niềm tin hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, lan toả với các nhà đầu tư trong nước.

Qua thực tiễn Bắc Ninh áp dụng chính sách, chúng tôi đã hỗ trợ, tạo ra các nhà cung cấp “vendor” cấp 1, cấp 2, cấp 3 cho các nhà đầu tư lớn trong nước cũng như cho các nhà đầu tư của tỉnh.

Đáng chú ý, vừa rồi Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Ninh, Samsung Việt Nam đã tăng cường phối hợp, hiệu quả kỹ thuật,  kinh nghiệm quản lý, đáp ứng nhu cầu các chuỗi vendor cung cấp cho các DN lớn như Samsung, thực hiện thành công hiệu quả…

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Các địa phương phải rà soát các phương án sản xuất của từng doanh nghiệp trên địa bàn - Ảnh VGP/Nhật Bắc


Xin ông cho biết kết quả công tác phòng chống dịch bệnh tại nước ta cho đến hôm nay? Một số địa phương đã bắt đầu nới lỏng giãn cách và ngành y tế có thông điệp gì với các nhà đầu tư về thích ứng an toàn, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả để sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Thưa quý vị, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt dịch, đến nay là đợt dịch thứ 4. Đợt dịch này diễn biến phức tạp, nhưng với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các địa phương, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã và đang kiểm soát khá tốt.

Đến nay có 62/63 tỉnh, thành phố xuất hiện ca bệnh, nhiều địa phương như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, số ca nhiễm và tử vong đã giảm nhiều và chúng ta có thể tính đến phương án mở cửa trở lại để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và việc sản xuất của doanh nghiệp.

Thực tế, một số tỉnh đã bắt đầu dỡ bỏ giãn cách xã hội và thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng đã đưa ra. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đưa ra thông điệp: “ Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”. Để thực hiện việc này, Bộ Y tế đã đưa ra các giải pháp cụ thể và tham mưu cho Ban chỉ đạo:

Thứ nhất, các địa phương phải quán triệt đầy đủ và nghiêm túc các văn bản liên quan đến phòng chống dịch bệnh và sản xuất trong điều kiện bình thường mới.

Thứ hai, các địa phương phải rà soát các phương án sản xuất của từng doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, nếu xuất hiện F0, doanh nghiệp cần xử lý theo hướng có F0 tại phân xưởng nào thì phong toả phân xưởng đó, chứ không phong toả toàn bộ doanh nghiệp. Sau khi đưa F0 và F1 đi cách ly thì thực hiện phun khử khuẩn và làm vệ sinh phân xưởng để 24h sau đó có thể đưa lực lượng mới vào sản xuất. Phương án này đã triển khai rất hiệu quả tại Bắc Ninh.

Thứ ba, Bộ Y tế  đã tham mưu cho Ban chỉ đạo quốc gia đề ra các văn bản như: Nghị quyết 21/NQ-CP về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19, Nghị quyết 105/NQ-CP năm 2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021.

Đến nay, đối tượng ưu tiên tiêm vaccine có lao động của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ cố gắng tiêm chủng đạt tỷ lệ cao trong thời gian tới để doanh nghiệp sớm hoạt động lại trong tình hình bình thường mới. Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế đã có hướng dẫn, theo đó cần có thống kê chi tiết số lượng người lao động cần tiêm của từng doanh nghiệp, kế hoạch tiêm chủng của địa phương để gửi về Bộ Y tế, từ đó có cơ sở để phân bổ vaccine cho các địa phương.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, hiện Bộ Y tế  đang dự thảo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Dự thảo đang được xin ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo và sẽ được sớm ban hành. Đây cũng là giải pháp căn cơ để doanh nghiệp bước vào sản xuất trong tình hình mới.

Có mặt tại Việt Nam hơn 25 năm qua, được biết Nestlé Việt Nam luôn cam kết đi tiên phong trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với triết lý tập đoàn hàng đầu thế giới gắn kết và thấu hiểu địa phương. Xin ông Binu Jacob chia sẻ lý do chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư và những thuận lợi, khó khăn khi đầu tư tại Việt Nam?

Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob: Tập đoàn Nestlé chính thức trở lại Việt Nam với việc thành lập Công Ty TNHH Nestlé Việt Nam vào năm 1995 và liên tục mở rộng đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư của Nestlé vào Việt Nam đạt 730 triệu USD. Chúng tôi tuyển dụng 2.200 lao động và vận hành 4 nhà máy (3 nhà máy đang hoạt động tại tỉnh Đồng Nai và một nhà máy tại tỉnh Hưng Yên) cùng 2 trung tâm phân phối.

Hằng năm Nestlé đồng hành cùng nông dân trồng cà phê Việt Nam thực hành canh tác bền vững và đưa vào nền kinh tế khu vực nông thôn 700 triệu USD thông qua hoạt động thu mua cà phê bền vững. Chúng tôi tự hào là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiên phong đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững và bao trùm của Việt Nam.

Chúng tôi luôn coi Việt Nam là thị trường quan trọng và then chốt đối với sự phát triển dài hạn của mình. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và đóng góp hơn nữa cho tăng trưởng bền vững và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Việt Nam được xem là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tương đối bền vững và nhanh nhất ở châu Á trong những thập kỷ qua. Có một số lý do chúng tôi đầu tư tại đây, cụ thể là:

Thứ nhất, Việt Nam có sự ổn định về chính trị hỗ trợ cho tăng trưởng kính tế và phát triển. Đây là một điểm hấp dẫn lớn với đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, Việt Nam có vị trí chiến lược thuận lợi ở trung tâm Đông Nam Á và bên rìa Thái Bình Dương, do đó Việt Nam có nhiều lợi thế trong tiếp cận các tuyến thương mại lớn của thế giới.

Thứ ba, Việt Nam có dân số trẻ với tổng số dân ước đạt 98,2 triệu năm 2021. Việt Nam hiện vẫn có “cơ cấu dân số vàng”, tức là cứ hai người trong độ tuổi làm việc thì chỉ có một người lệ thuộc. Lợi thế dân số này đem lại cho Việt Nam cơ hội phát triển kinh tế-xã hội riêng có để tận dụng nguồn lực lao động trẻ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia vào nhiều hiệp định, cộng đồng thương mại tự do như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên minh Kinh tế Á-Âu, và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu.

Là nhà đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong nhiều năm, xin ông chia sẻ một số thông tin về hoạt động kinh doanh của Samsung tại đây và đánh giá của ông đối với môi trường đầu tư của Việt Nam?

Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho: Samsung Việt Nam hiện tại đang vận hành 6 nhà máy sản xuất tại các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và TPHCM, một trung tâm nghiên cứu phát triển R&D tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng. Samsung đã chính thức đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008 với tổng số vốn đầu tư trên 17,7 tỷ USD.

Hiện tại Samsung Việt Nam đang vượt qua vai trò cứ  điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu tại Việt Nam, chúng tôi đang xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển riêng Samsung tại Hà Nội với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu đô la, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển trung và dài hạn. Hiện Trung tâm xây dựng mới nghiên cứu và phát triển đã hoàn thành tiến độ trên 50%, dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm 2022.

Khi Trung tâm nghiên cứu và phát triển này đi vào hoạt động, số lượng kỹ sư Việt Nam từ 2.100 người trong hiện tại sẽ mở rộng lên tới 3.000 người, dự kiến sẽ nghiên cứu về các mảng trí tuệ nhân tạo, 5G, cơ sở dữ liệu lớn và internet vạn vật. Về mặt dài hạn, trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc nâng cao năng lực ngành công nghệ thông tin cũng như năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

Mặc dù trong làn sóng dịch bệnh COVID-19 diễn ra từ cuối tháng 4 vừa qua, trong 6 tháng đầu năm, Samsung vẫn thuận lợi trong việc đạt mục tiêu xuất khẩu. Nếu nhà máy sản xuất điện gia dụng tại TPHCM nhanh chóng hoạt động bình thường trở lại thì dự kiến công ty sẽ vượt mục tiêu xuất khẩu năm nay.

Tôi xin nói về môi trường đầu tư của Việt Nam

Không chỉ đối với Samsung mà đối với tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang cung cấp một môi trường đầu tư hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư.

Gần đây, có nhiều ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do đại dịch COVID-19, tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà  đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 gần đây Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một tin vui đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đúng chiến lược của Thủ tướng Chính phủ, nếu Việt Nam đồng thời vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả vừa tăng cường các điều kiện thuận lợi để lưu thông, sản xuất, duy trì mạng cung ứng ổn định thì dự kiến đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng trong thời gian tới./.

Nguồn: Chinhphu.vn


Thăm dò ý kiến