Hội thảo An toàn bệnh viện trong phòng chống COVID-19 và khắc phục hậu quả sau lũ lụt miền Trung

19/11/2020 | 12:18 PM

 | 

 

Ngày 18/11/2020, tại Quảng Bình, Công Đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Tạp chí Lao động tổ chức Hội thảo “An toàn bệnh viện trong phòng chống COVID-19 và khắc phục hậu quả sau lũ lụt miền Trung”. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến dự và chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Trần Duy Phương – Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Quảng Bình; đại diện Lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ/Cục/Văn phòng/đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế cùng các đơn vị liên quan.

Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế biểu dương Công đoàn Y tế Việt Nam đã triển khai có hiệu quả, kịp thời các nội dung của Chương trình Bảo vệ Blouse trắng, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân nói chung và cán bộ đoàn viên trong ngành Y tế nói riêng. Đặc biệt, Hội thảo đã góp nhiều ý kiến đề xuất thiết thực để bảo vệ sức khỏe cán bộ y tế và người dân, khắc phục hậu quả môi trường sau bão lụt tại miền Trung.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ: “Công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở y tế, trong bệnh viện là đặc biệt quan trọng, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng như hồi sức tích cực, thận nhân tạo, khoa điều trị bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý nền, nặng. Về công tác khắc phục hậu quả sau lũ lụt tại các tỉnh miền Trung, Bộ Y tế đã chủ động triển khai các hoạt động ứng phó, giảm thiệt hại, phòng chống dịch bệnh trước diễn biến phức tạp của mưa lũ. Bộ Y tế đã có các công văn, công điện chỉ đạo kịp thời các Sở Y tế tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương để triển khai hoạt động phòng chống dịch bệnh, duy trì tốt hệ thống khám chữa bệnh trong giai đoạn xảy ra thiên tai; thành lập 7 tổ công tác hỗ trợ, tăng cường cho 7 tỉnh miền Trung xử lý vệ sinh môi trường, tư vấn dinh dưỡng và phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ; hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư y tế, kinh phí cho địa phương triển khai hoạt động khắc phục hậu quả.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan trong thời gian tới, tập chung triển khai các hoạt động trọng tâm như: đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đến từng đoàn viên, người dân, kết hợp với tuyên truyền thông điệp 5K trong phòng chống dịch COVID-19; tăng cường chăm lo đời sồng, bảo vệ an toàn cho các đoàn viên, cán bộ y tế bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, tiếp tục đề xuất ý kiến xây dựng bệnh viện an ninh, an toàn; đảm bảo Chương trình bệnh viện an toàn được triển khai liên tục, hiệu quả.

Các đại biểu thể hiện quyết tâm thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường bệnh viện để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý các cán bộ, đoàn viên ngành Y tế, trước diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các yếu tố bất lợi của thời tiết đông, xuân, bão, lụt. Để thực hiện tốt nhiệm vụ vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, mỗi đoàn viên, người lao động ngành Y tế cần quyết tâm, chủ động, nỗ lực thực hiện tốt các nhiễm vụ được giao, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong phòng dịch.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao những kết quả ngành Y tế đã đạt được trên tuyến đầu chống dịch, góp phần cùng Đảng và Chính phủ kiềm chế và kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu chia sẻ: “Y tế là một ngành nghề vất vả, lao động cật lực, đối diện với nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, bị bạo hành và đời sống còn khó khăn, nhất là tuyến y tế cơ sở”.

Đồng chí Ngọ Duy Hiển mong muốn ngành Y tế triển khai hiệu quả chương trình an toàn bệnh viện là yếu tố căn cốt của an toàn trong dân và là thước đo của an toàn xã hội.

 Đồng chí Ngọ Duy Hiển đề nghị công đoàn ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức về xây dựng bệnh viện an toàn về mọi mặt; thực hiện tốt nghiệp vụ chuyên môn trong đảm bảo an toàn bệnh viện; tham gia bình chọn, vinh danh và khen thưởng các bệnh viện đạt tiêu chí bệnh viện an toàn; hướng dẫn các biện pháp an toàn, phòng ngừa nhiễm bệnh cho người dân; tiếp tục phát huy truyền thống của công đoàn ngành, chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động”.

Đồng chí Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Đồng chí Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, Hội đồng bình chọn Bệnh viện 5S-an toàn tiêu biểu năm 2020 là các nhà chuyên môn có uy tín, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Công đoàn; Công đoàn Y tế Việt Nam… dựa trên hai hệ thống tiêu chí là Bộ tiêu chí đánh giá bệnh viện do Bộ Y tế ban hành và Bộ tiêu chí của cộng đồng, gồm 5 tiêu chí: sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng. Sẽ có 10 đơn vị được vinh danh tại…. Ban tổ chức sẽ chọn ra 10 bệnh viện tiêu biểu để trao giải trong dịp Lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhằm tạo động lực để các cơ sở y tế tích cực hơn trong việc xây dựng môi trường khám, chữa bệnh sạch, đẹp, an toàn và thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an toàn cho đoàn viên, người lao động ngành Y tế, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị người bệnh.

Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 03/KH-CĐYT-TCLĐCĐ giữa Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí Lao động và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để triển khai Chương trình Bảo vệ Blouse trắng, chủ để “Phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện” năm 2020, Tạp chí Lao động và Công đoàn và Công đoàn Y tế Việt Nam xây dựng kế hoạch tổ chức bình chọn bệnh viện 5S - An toàn tiêu biểu năm 2020.

Theo Cục Môi trường y tế, Bộ Y tế tại Việt Nam, 50% các dịch bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất là cúm, tiêu chảy, chân tay miệng, sốt xuất huyết, lỵ, thủy đậu đều liên quan đến nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Thực tế cho thấy, qua các khảo sát của Cục Môi trường y tế, do những yếu tố cả về khách quan và chủ quan như tình trạng quá tải bệnh viện, điều kiện kinh phí… nên việc rửa tay và thực hiện các biện pháp vệ sinh, an toàn lao động chưa được thực hiện tốt. Do vậy, cần đẩy mạnh việc truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân về tầm quan trọng và lợi ích của rửa tay bằng xà phòng trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác.

Đồng chí Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo đồng chí Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Bộ tiêu chí an toàn bệnh viện gồm 37 bộ tiêu chí như chống nhiễm khuẩn, phân loại, phân khu vực tiếp đón, khám chữa bệnh. Đến nay, đã có gần 1400 bệnh viện/ Trung tâm y tế đã tiến hành tự đánh giá qua phần mềm trực tuyến. Hầu hết các bệnh viện đã xây dựng và kiện toàn được Ban chỉ đạo phòng chống dịch; tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; thực hiện các biện pháp pháp phòng ngừa chung như kiểm soát việc đeo khẩu trang, trang bị, sử dụng dung dịch sát khuẩn tay, sàng lọc, phân luồng bệnh nhân. Tuy nhiên, vẫn còn 31 cơ sở y tế không đạt chuẩn tiêu chí, chiếm 2.24%.

Các đại biểu chứng kiến Lễ phát động Phong trào "Vệ sinh sạch sẽ, sức khỏe nâng cao"

Quang cảnh Hội thảo

Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, đã diễn ra phát động Lễ phát động Phong trào "Vệ sinh sạch sẽ, sức khỏe nâng cao".

 Đồng chí Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, được sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan chỉ đạo các công đoàn y tế cơ sở trực thuộc triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng phong trào “Vệ sinh sạch sẽ, sức khỏe nâng cao” nhằm truyền tải thông điệp về giữ vệ sinh bệnh viện đến từng đoàn viên công đoàn, người lao động ngành Y tế./.


Thăm dò ý kiến