Hội nghị khoa học thường niên Chi hội miễn dịch trị liệu ung thư các tỉnh duyên hải Bắc bộ lần thứ nhất

12/04/2025 | 21:13 PM

 | 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và các đại biểu tham dự Hội nghị khoa học thường niên Chi hội miễn dịch trị liệu ung thư các tỉnh duyên hải Bắc bộ lần thứ nhất

Trong hai ngày 11 và ngày 12/4/2025,  tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Tp.Hải Phòng đã diễn ra Hội nghị khoa học thường niên Chi hội miễn dịch trị liệu ung thư các tỉnh duyên hải Bắc bộ lần thứ nhất. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn, GS.TS Phạm Minh Khuê, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Y tế, GS.TS.VS Phạm Văn Thức, Chủ tịch Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam, cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ y tế trong và ngoài nước tham dự.

Phát biểu tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Ung thư là một trong những gánh nặng y tế - kinh tế - xã hội lớn nhất trên toàn cầu và tại Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN, mỗi năm có gần 20 triệu ca mắc mới và khoảng 10 triệu ca tử vong do ung thư trên thế giới. Tại Việt Nam, ung thư đã và đang gia tăng nhanh chóng cả về số lượng ca mắc mới (180.000 ca/năm), số người tử vong (120.000 người/năm) và những chi phí khổng lồ về điều trị, chăm sóc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội nghị

Trước thực tế đó, ngành Y tế Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống, tầm soát, sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với xu hướng quốc tế. Chúng ta đã và đang ứng dụng nhiều phương pháp điều trị tiên tiến như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, sinh trị (các thuốc sinh học). Trong đó sự ra đời của liệu pháp miễn dịch ung thư là tiến bộ có tính bước ngoặt, mở ra một kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư.

Với cơ chế kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể để nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư, miễn dịch trị liệu thực sự là một cuộc cách mạng trong ung thư học hiện đại. Tiêu biểu nhất là các kháng thể đơn dòng ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, các tế bào miễn dịch ghép gen nhận biết tế bào ung thư (CAR-T), và gần đây nhất là xu hướng nghiên cứu vaccine điều trị ung thư, bản chất chính là các kháng nguyên đặc hiệu của tế bào ung thư được đưa vào cơ thể để tạo miễn dịch kháng u. Đây là lĩnh vực hội tụ của nhiều ngành khoa học mũi nhọn như miễn dịch học, sinh học phân tử, di truyền học, công nghệ sinh học… và đang dần khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược điều trị cá thể hóa, điều trị trúng đích trong ung thư học hiện đại. Những thành tựu này đã và đang mang lại hy vọng cho hàng triệu người bệnh ung thư trên toàn thế giới, nhất là những người bệnh giai đoạn muộn, đã thất bại với các phương pháp điều trị truyền thống.

Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam và các Chi hội được thành lập với sứ mệnh và tầm nhìn kết nối các chuyên gia lâm sàng với lĩnh vực miễn dịch, di truyền và sinh học phân tử để triển khai và ứng dụng hiệu quả các phương pháp miễn dịch điều trị ung thư. Hội nghị khoa học ngày hôm nay được tổ chức với các phiên chuyên đề rất quan trọng và thiết thực, tập trung vào những vấn đề lớn như các liệu pháp tiên tiến trong dự phòng và điều trị ung thư; miễn dịch trị liệu, xu hướng điều trị đột phá trong ung thư học, và ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị ung thư.

Ngành Y tế xác định việc thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ sinh học, sinh học phân tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ y sinh là một trong những nhiệm vụ đột phá để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển nền y học hiện đại và hội nhập quốc tế.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế mong rằng Hội Miễn dịch trị liệu ung thư Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, phát triển mạng lưới chuyên gia, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên sâu và chuyển giao công nghệ hiện đại. Đồng thời, chúng ta cần chủ động hội nhập quốc tế, tham gia vào các diễn đàn, tổ chức, hiệp hội chuyên ngành quốc tế, để không chỉ cập nhật các tiến bộ y học mới nhất mà còn góp phần khẳng định vai trò, vị thế của y học Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ Y tế cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển lĩnh vực miễn dịch trị liệu ung thư tại Việt Nam, từng bước nâng cao chất lượng điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Toàn cảnh hội nghị

Hội nghị diễn ra trong hai ngày 11 và  ngày 12/4/2025 tập trung vào một số lĩnh vực miễn dịch và ung thư, bao gồm các kỹ thuật sinh học phân tử - miễn dịch, kỹ thuật nuôi cấy tế bào trị liệu miễn dịch, ứng dụng liệu pháp miễn dịch, các thuốc điều trị đích, điều trị miễn dịch và một số phương pháp điều trị khác… cho mục ích chẩn đoán và điều trị ung thư và một số bệnh lý khác./.

 

 


Thăm dò ý kiến