Đoàn công tác của Bộ Y tế tham gia phiên toàn thể Kỳ họp lần thứ 77 Đại hội đồng Y tế thế giới

31/05/2024 | 18:32 PM

 | 

 

Ngày 29/5/2024, Đoàn công tác của Bộ Y tế tham gia phiên toàn thể cùng các phiên họp của Ủy ban A và Ủy ban B (kỳ họp Đại hội đồng sẽ có phiên toàn thể và có các phiên họp mang tính kỹ thuật, chia thành hai Ủy ban, gọi là Ủy ban A và Ủy ban B) trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 77 Đại hội đồng Y tế thế giới.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tiếp tục tham gia phiên thảo luận toàn thể cùng các phiên họp của Ủy ban A và Ủy ban B trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 77 Đại hội đồng Y tế thế giới.

Phiên toàn thể được bắt đầu với báo cáo của Ủy ban Ủy nhiệm thư và phần tham luận của các quốc gia còn lại về chủ đề “Tất cả cho sức khỏe, sức khỏe cho mọi người”.

Ủy ban A mở đầu phiên họp với trụ cột 1 gồm rà soát và cập nhật các vấn đề được Ban điều hành xem xét; bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC); theo sát tuyên bố chính trị của cuộc họp cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; dự thảo Kế hoạch hành động toàn cầu về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chương trình tiêm chủng năm 2023; chiến lược chấm dứt bệnh Lao; lộ trình đối với các bệnh nhiệt đới bị lãng quên cho giai đoạn 2021-2030; đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ cho sức khỏe bà mẹ và tỉ lệ tử vong trẻ em; kháng kháng sinh; tăng cường ứng phó của quốc gia và toàn cầu; chiến lược và mục tiêu kỹ thuật toàn cầu đối với bệnh Sốt rét.

Ủy ban B khai mạc phiên họp đầu tiên với các vấn đề về ngân sách và tài chính; các báo cáo kết quả 2023 (Đánh giá việc thực hiện chương trình ngân sách 2022-2023) và báo cáo tài chính và kết quả kiểm toán cuối năm vào 31/12/2022; tình hình đóng góp niên liễm của các quốc gia thành viên; đánh giá các thành viên mới và các thành viên liên kết; sửa đổi Quy chế và các quy định về tài chính; các vấn đề về kiểm toán và giám sát; báo cáo của kiểm toán độc lập; báo cáo của kiểm toán nội bộ; các khuyến nghị của kiểm toán độc lập và nội bộ; vấn đề sức khỏe tại lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm phía đông Jerusalam và Golan của Syria.

Đoàn công tác của Bộ Y tế đã có tham luận trình bày đối với một số nội dung quan trọng tại các phiên họp trên, trong đó bao gồm nội dung về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC) và về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm tại phiên họp của Ủy ban A vào chiều ngày 29/5/2024.

Đại diện Bộ Y tế cho biết việc đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là một trong những mục tiêu chính của Chính phủ Việt Nam và việc xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vững mạnh là một phần nền tảng cho mục tiêu này. Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc đạt được UHC và tăng cường các cam kết chính trị để thúc đẩy UHC. Về phòng, chống mối đe dọa từ các bệnh không lây nhiễm (NCD), Việt Nam đã xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về NCD, Chương trình Việt Nam khỏe mạnh và Kế hoạch hành động quốc gia phù hợp với Kế hoạch hành động toàn cầu của WHO về phòng ngừa và kiểm soát NCD.

Trong thời gian đoàn công tác Bộ Y tế tham dự Kỳ họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Y tế thế giới, nhận lời mời của Quỹ Nhi đồng Liên hợiệp quốc (UNICEF), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã tham gia phiên thảo luận tại sự kiện bên lề do UNICEF và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) phối hợp tổ chức về dự phòng ngộ độc chì cho bà mẹ và trẻ em. Tham dự sự kiện trên còn có TS. Anshu Banerjee, Giám đốc về sức khỏe Bà bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em, thiếu niên và già hóa, của Tổ chức Y tế thế giới; ông Ted Chaiban, Phó Giám đốc điều hành, Hoạt động cung ứng và hành động nhân đạo, UNICEF; TS. Atul Gawande, Giám đốc Chương trình Y tế Toàn cầu của USAID; TS. Ngashi Ngongo, Chánh Văn phòng và Trưởng Văn phòng điều hành, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Châu Phi.

Tại phiên thảo luận, phía UNICEF đã có 2 câu hỏi dành cho Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương về những thách thức trong phòng, chống ngộ độc chì ở Việt Nam.

Tại câu hỏi đầu tiên, Ban tổ chức muốn biết các thách thức Bộ Y tế phải đối mặt khi bắt đầu giải quyết tác động của phơi nhiễm chì đối với sức khỏe và làm thế nào để đảm bảo những tác động của chì tới sức khỏe được hiểu rõ và được các ban/ngành có liên quan dành sự ưu tiên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát, quản lý để giảm tác hại của chì đến môi trường và sức khỏe như: (i) Quốc hội ban hành các Luật như Luật hóa chất, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật quy chuẩn tiêu chuẩn, Luật Bảo vệ môi trường và (ii) Chính phủ ban hành quy định về loại bỏ chì trong xăng, nhiên liệu sinh học; các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về giới hạn an toàn của chì trong thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, thuốc, mỹ phẩm, sơn, nước ngầm, nước ăn uống, nước thải, rác thải, sản phẩm điện, điện tử bao gồm cả thiết bị gia dụng, đồ chơi, môi trường không khí xung quanh, môi trường làm việc…; phân công trách nhiệm quản lý rõ ràng cho các Bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng chia sẻ các thách thức mà Việt Nam gặp phải trong quá trình giải quyết tác động của phơi nhiễm chì tới sức khỏe như: Một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không tuân thủ các quy định dẫn đến nguy cơ ô nhiễm chì trong môi trường và ngộ độc, nhiễm độc chì ở người, đặc biệt trẻ em vẫn còn hiện hữu; một số nghiên cứu về nhiễm độc chì tại Việt Nam cho thấy nồng độ chì máu ở trẻ em là khá cao tại những khu vực có nguy cơ cao; kiến thức và hiểu biết của người dân, người chủ cơ sở sản xuất, người lao động về phơi nhiễm chì và ảnh hưởng tới sức khỏe còn hạn chế; chưa có quy định về ngưỡng giới hạn chì trong một số sản phẩm như thuốc y học cổ truyền; nguồn kinh phí dành cho các hoạt động phòng, chống phơi nhiễm chì và ngộ độc chì ở trẻ em còn hạn chế…

Để đảm bảo những tác động của chì tới sức khỏe được hiểu rõ và được ưu tiên bởi các ban ngành có liên quan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã nêu một số giải pháp như tiến hành nghiên cứu điều tra toàn quốc về phơi nhiễm chì, nhiễm độc chì ở cả người lớn, trẻ em cũng như tiến hành các phân tích đánh giá chi phí hiệu quả và thiệt hại nếu không thực hiện các giải pháp phòng, chống để làm cơ sở cho vận động, xây dựng chính sách, biện pháp quản lý,  truyền thông và huy động các nguồn lực; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng, các tổ chức, cá nhân có liên quan, các bộ ngành và chính quyền các cấp về các nguồn phơi nhiễm chì, ảnh hưởng của ô nhiễm chì tới sức khỏe và các biện pháp can thiệp phòng, chống; tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, thanh tra việc tuân thủ các quy định về kiểm soát chì.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương gặp gỡ trao đổi với các đại biểu trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 77 Đại hội đồng Y tế thế giới.

Trong thời gian tham dự sự kiện trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã nhận lời mời của TS. Saia Ma'u Piukala, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương dự buổi vinh danh Trưởng đoàn các quốc gia khu vực ASEAN thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương, tham gia kỳ họp lần này.

Tại buổi vinh danh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã trao đổi với TS. Saia Ma'u Piukala và Trưởng đoàn các quốc gia khu vực ASEAN khác về các thành tựu về y tế mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng và gửi đề xuất đề nghị hỗ trợ từ Quỹ Phòng, chống đại dịch và đề nghị WHO hỗ trợ Việt Nam vaccine phòng Sốt rét mới lưu hành./.

 

Đoàn công tác Bộ Y tế đưa tin từ Thụy Sĩ


Thăm dò ý kiến