Đảm bảo tiến độ đấu thầu tại các cơ sở y tế

01/11/2024 | 08:00 AM

 | 

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ xung quanh công tác đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế trên địa bàn. Đồng thời, ông cũng đề xuất những kiến nghị sửa đổi bố sung.

Hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ đã tạo sự thông thoáng về cơ chế, chính sách trong đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Ảnh: HQ.

PV: Hiện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh triển khai đấu thầu thuốc ở giai đoạn nào, trong quá trình triển khai có gặp khó khăn, vướng mắc gì không?

Ông Lê Ngọc Danh: Hiện nay các cơ sở y tế do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh quản lý gồm các bệnh viện, các trung tâm y tế. TP Hồ Chí Minh có 2 nhóm đấu thầu, thứ nhất đấu thầu tập trung cấp địa phương và đấu thầu ở cơ sở y tế.

Ngay khi thông tư 07/2024 của Bộ Y tế có hiệu lực, các cơ sở y tế công lập đã thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc theo Luật Đấu thầu mới . Hiện nay, cơ bản gói thầu này các bệnh viện bảo đảm đúng tiến độ, cung cấp kịp thời cho cơ sở y tế công lập.

Với đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương, năm 2022, Bệnh viện Hùng Vương được UBND Thành phố giao nhiệm vụ là đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương. Gói thầu này có hiệu lực đến ngày 1/1/2025, nên hiện nay TP Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng danh mục, giao các đơn vị mua sắm tập trung để thực hiện gói thầu trong giai đoạn 2025-2026. Cơ bản, gói thầu này được Chủ tịch UBND Thành phố ban hành danh mục đấu thầu, có 203 thuốc nằm trong danh mục đấu thầu tập trung địa phương. Tiến độ đấu thầu so với lộ trình đặt ra bảo đảm.

Hiện có 3 cấp đấu thầu: đấu thầu tập trung cấp quốc gia do Bộ Y tế đấu thầu 50 thuốc; đấu thầu tập trung cấp địa phương theo luật Đấu thầu mới do địa phương quyết định danh mục dựa theo tình hình địa phương. Các thuốc không nằm trong danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương thì cơ sở y tế công lập tự đấu thầu.

Luật đấu thầu mới có điểm rất hay là giải quyết khó khăn, đặc biệt với cơ sở có năng lực đấu thầu hạn chế hoặc số lượng danh mục thuốc ít. Trong Khoản 5, điều 53 cho phép cơ sở y tế cùng với nhau đấu gộp để lựa chọn được. Ngoài ra, có quy định trong trường hợp không đấu thầu gộp gược thì báo cáo về cơ quan chủ quản Bộ hoặc Sở đứng ra đấu thầu để cuối cùng có thuốc cho cơ sở công lập, phục vụ người bệnh có thẻ BHYT.

PV: Thời gian trước đây, có giai đoạn TP Hồ Chí Minh, trong đó có các bệnh viện nhi rơi vào tình trạng thiếu thuốc. Đâu là lý do?

Ông Lê Ngọc Danh: Thực ra, việc thiếu thuốc giai đoạn vừa qua các báo đề cập không phải vướng ở cơ chế mua sắm, chủ yếu vướng chuỗi cung ứng. Đứng trên góc độ phân tích, TP Hồ Chí Minh là địa phương đặc thù. TP Hồ Chí Minh không chỉ là một địa phương đơn thuần mà còn làm nhiệm vụ của đơn vị trung ương, nên trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, ngoài dự trù cho nhu cầu người dân thành phố, một số trường hợp phải phục vụ luôn cả nhu cầu các tỉnh. Khi bệnh viện chuyển từ tuyến tỉnh lên quá khả năng cung ứng của thành phố, sẽ xảy ra thiếu, đặc biệt dịch tay chân miệng năm 2023 nhiều đơn vị thiếu. Còn nếu mua sắm cho riêng thành phố thì cơ bản là đủ.

PV: Với các văn bản pháp luật đã được ban hành, là người tham gia đấu thầu, ông có đề xuất kiến nghị để ban hành thông tư mới điều chỉnh thế nào phù hợp, thuận tiện hơn cho cơ sở y tế trong đấu thầu?

Ông Lê Ngọc Danh: Về cơ bản, Luật Đấu thầu 2023 và các Thông tư, Nghị định hướng dẫn giải quyết được khó khăn vướng mắc trong đấu thầu giai đoạn trước kia. Trước đây, với lĩnh vực y tế yêu cầu lấy báo giá, thậm chí lấy giá đấu thầu không cao hơn giá cao nhất nên có xu hướng giá trúng thầu ngày càng giảm. Nhưng Luật Đấu thầu 2023 và Nghị định 24 cho phép lấy giá cao nhất trong các báo giá và cho phép lấy 1 báo giá, đã giải quyết nhiều khó khăn vướng mắc trong giai đoạn trước.

Tuy nhiên, với Luật Đấu thầu, trong quá trình thực hiện có một số cái có vướng. TP Hồ Chí Minh có 2 kiến nghị đề xuất sửa đổi bổ sung.

Một là, liên quan tới mua sắm hàng hóa không phải thuốc tại các cơ sở y tế công lập, theo Luật yêu cầu phải đấu thầu. Nhưng người bệnh có thể mua một số hàng như thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế… mà cơ sở y tế không đấu thầu được. TP Hồ Chí Minh đề xuất nội dung này nên giao cho trách nhiệm cho các đơn vị đầu tư vị lựa chọn cách thức phù hợp.

Hai là, Luật Đấu thầu 2023 cũng đang hướng tới đối với việc mua sắm tại các cơ sở y tế công lập phải thông qua hình thức đấu thầu (trừ thuốc ngoài danh mục BHYT, vaccine sử dụng tiêm chủng dịch vụ). TP Hồ Chí Minh đề xuất hướng tới, việc mua sắm này dựa vào nguồn thu của các bệnh viện.

Nếu nguồn thu từ ngân sách, bảo hiểm y tế thì có thể tiến hành đấu thầu. Nếu từ nguồn thu khác như từ dịch vụ có thể giao cho chủ đầu tư quyết định hình thức mua sắm bảo đảm nguyên tắc: công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

PV: Mình có lo ngại gì trách nhiệm giải trình không?

Ông Lê Ngọc Danh: Trong Luật Đấu thầu đưa vào trách nhiệm giải trình nhưng thực tế làm cái gì cũng phải giải trình, khi làm vấn đề gì xây dựng đúng nguyên tắc và thực hiện hồ sơ tài liệu phục vụ công tác thanh kiểm tra sau này đầy đủ. Đó là trách nhiệm giải trình chứ không phải trách nhiệm giải trình là cái gì bất thường.

PV: Ngày  18/10, Bộ Y tế ban hành Thông tư thanh toán cho người bệnh khi điều trị tại BV nhưng hết thuốc sẽ được thanh toán  theo giá BHYT. Theo ông, điều này khó khăn cho quá trình thực hiện hay không?

Ông Lê Ngọc Danh: Với Thông tư 22 vừa rồi là điểm bọc hậu cho công tác mua sắm có giai đoạn chuyển tiếp, đây là bịt lỗ hở mà mục tiêu cuối cùng hướng tới đáp ứng yêu cầu cao nhất của người bệnh có BHYT. Trong một số trường hợp có giai đoạn bệnh viện không đủ thuốc, giữa 2 gói thầu hoặc trường hợp người bệnh đến cao hơn mức dự báo của bệnh viện, hoặc có bệnh phát sinh không nằm trong danh mục thuốc thông thường thì việc có thuốc điều trị và được thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm YT là phù hợp.

Ở đây, có khó khăn là đặt ra với cơ quan chi trả, từ phía bảo hiểm xác định có phải thật sự bệnh viện thiếu thuốc không, có phải thật sự không có thuốc khác thay thế hay không. Chỗ này phải sử dụng phù hợp, tránh rường hợp các bệnh viện không bảo đảm cung ứng thuốc thông thường, để người bệnh ra ngoài mua thuốc rồi đến cơ quan BHYT chi trả thì trách nhiệm thuộc về cơ sở y tế. Mặc dù đây là hướng mở ra nhưng tránh việc lạm dụng để né trách nhiệm mua sắm không phù hợp.

Lắng nghe thực tiễn khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế của các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước sau đại dịch COVID-19, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã xây dựng, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành:

  • Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết năm 2024;

  • Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế;

  • Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Bên cạnh đó, hiện Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành - Nghị định, Thông tư đã có. Để hướng dẫn công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư để các đơn vị áp dụng như: Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Cùng đó, Bộ Y tế đã chủ trì, đầu mối báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tại kỳ họp trước và lần này, Quốc hội Khóa XV theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp Giấy lưu hành thuốc nhằm cải cách tối đa thủ tục hành chính. Đồng thời, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lắng nghe, giải đáp các băn khoăn của thực tiễn.

 

 


Thăm dò ý kiến