Tổ chức thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV
31/10/2024 | 11:48 AM
|
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Tổ chức thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV
Nghị định này quy định chi tiết khoản 2 Điều 23, khoản 3 Điều 28, khoản 4 Điều 39 và khoản 5 Điều 41 của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); các khoản 6, 7 và 9 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (sau đây gọi là Luật Phòng, chống HIV/AIDS) về:
Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV trừ các biện pháp đã được quy định tại Nghị định số 63/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người;
Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Tư vấn và xét nghiệm HIV; Lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; Danh mục một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng; Quản lý, phân phối, sử dụng thuốc kháng HIV và thuốc thay thế.
Tổ chức thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV
Khoản 2 Điều 11 Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định:
Ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng sau đây:
a) Người nhiễm HIV;
b) Người sử dụng ma túy;
c) Người bán dâm;
d) Người có quan hệ tình dục đồng giới;
đ) Người chuyển đổi giới tính;
e) Vợ, chồng và thành viên khác của gia đình cùng sống chung với người nhiễm HIV; vợ, chồng của đối tượng quy định tại các điểm, b, c, d và đ khoản này;
g) Người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV;
h) Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục;
i) Người di biến động;
k) Phụ nữ mang thai;
l) Phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng, học viên cơ sở cai nghiện ma túy;
m) Người dân tộc thiểu số; người sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó thăn;
n) Người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi.”.
Nghị định nêu rõ, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su cho các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện theo một trong các hình thức sau:
a) Cung cấp miễn phí bao cao su thông qua các chương trình, dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. Bao cao su cung cấp miễn phí phải được in rõ trên bao bì hoặc nhãn phụ dòng chữ "Cung cấp miễn phí, không được bán";
b) Bán thương mại bao cao su theo quy định của pháp luật về quản lý thiết bị y tế.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị phụ trách hoạt động cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su theo quy định tại điểm a nêu trên có trách nhiệm: Phát triển mạng lưới các điểm cung cấp bao cao su miễn phí, đặt máy bán bao cao su tự động, bố trí điểm bán lẻ bao cao su tại địa điểm vui chơi, giải trí, bến tàu, bến xe, nhà ga, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà hàng và cơ sở dịch vụ lưu trú khác; Tổ chức hoạt động cung cấp bao cao su miễn phí.
Việc cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su trong can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn quân lý thực hiện các nhiệm vụ sau:
Chủ trì, phối hợp với cơ quan: Công an; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai hoạt động cung cấp, hướng dẫn sử dụng bao cao su trong can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV;
Quản lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia triển khai hoạt động cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su trong can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV;
Giám sát, theo dõi, đánh giá, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện hoạt động cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su trong can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.
Cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch
Theo Nghị định, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy được thực hiện theo một trong các hình thức sau:
(1) Cung cấp miễn phí bơm kim tiêm sạch thông qua các chương trình, dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. Bơm kim tiêm sạch cung cấp miễn phí phải được in rõ trên bao bì hoặc nhân phụ dòng chữ "Cung cấp miễn phí, không được bán";
(2) Bán thương mại bơm kim tiêm sạch theo quy định của pháp luật về quản lý thiết bị y tế.
Việc cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch trong can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy
Nghị định cũng quy định cụ thể về liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy.
Điều kiện thực hiện: Nhân sự thực hiện liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy phải có chứng nhận hoàn thành tập huấn về liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma tuý do cơ sở có chức năng đào tạo cấp; có địa điểm đảm bảo tính riêng tư; có bàn, ghế và tài liệu chuyên môn để thực hiện liệu pháp tâm lý.
Các kỹ thuật can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm trong liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Nguồn: chinhphu.vn
Tin liên quan
- Chính thức cấm kinh doanh, vận chuyển, sử dụng các loại thuốc lá mới
- Bộ Y tế công bố 62 bệnh hiếm, hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến được hưởng BHYT 100%
- Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Kenya tăng lên 31
- Pakistan có 68 ca mắc bệnh bại liệt năm 2024
- Cục An toàn thực phẩm: Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, nhãn mác
- Số ca mắc sởi tăng 130 lần, cần tuân thủ 5 khuyến cáo phòng chống bệnh này
- Bộ Y tế đề xuất không xử lý kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ 3