Tinh thần Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch "khó mấy cũng làm" xuyên suốt quá trình phát triển Bệnh viện Phổi Trung ương
07/05/2025 | 16:15 PM



Sáng ngày 07/5/2025, Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình Chống lao Quốc gia long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 116 năm Ngày sinh bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (7/5/1909 – 7/5/2025), cố Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên và cũng là Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao Trung ương, tiền thân của Bệnh viện Phổi Trung ương ngày nay.
Tham dự Lễ kỷ niệm có đại diện các Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế, đại diện các Bệnh viện E, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103; Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Bạch Mai...cùng lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương qua các thời kỳ và cán bộ, viên chức của Bệnh viện…
TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu tại Lễ kỷ niệm 116 năm Ngày sinh các sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Phát biểu tại buổi lễ, TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch không chỉ là người có công lớn với ngành Y tế mà còn là một chiến sĩ cách mạng, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Ngày 24/6/1957, Chính phủ ký Quyết định thành lập Viện Chống lao Trung ương. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là Bộ trưởng Y tế đầu tiên đồng thời giữ cương vị Viện trưởng Viện Chống lao Trung ương. Trong Quyết định thành lập nêu rõ: “Viện Chống lao Trung ương có nhiệm vụ nghiên cứu bệnh lao và phòng, chống bệnh lao; giúp Bộ Y tế lãnh đạo toàn ngành và nhân dân tiến lên từng bước giảm dần tỷ lệ và tiến tới tiêu diệt bệnh lao.”
Ngay từ những ngày đầu, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã đề xuất tư duy lồng ghép có tính xuyên suốt trong chuyên ngành: “Chỉ có nắm vững tình hình bệnh phổi trong nước mới chẩn đoán bệnh lao ít sai lầm.” Ông cũng khẳng định nghiên cứu và thực hành lâm sàng bệnh lao không thể tách rời các bệnh phổi.
Ông là nhà khoa học vì Nhân dân, lãnh đạo xuất sắc trong khoa học quản lý y tế, sức khỏe cộng đồng và chuyên ngành lao – bệnh phổi. Cố Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch đã để lại hệ tư tưởng quý báu, là kim chỉ nam cho thế hệ kế tiếp trong ngành Y tế Việt Nam, đặc biệt với chuyên ngành lao và bệnh phổi.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cố Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên và cũng là người Viện trưởng đầu tiên của Viện Chống lao Trung ương.
Tinh thần của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tiếp tục được kế thừa trong chặng đường phát triển của Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình Chống lao Quốc gia. Nỗ lực không ngừng nâng cao chuyên môn, kỹ thuật và tinh thần phục vụ người bệnh đã giúp đơn vị đạt nhiều thành tựu nổi bật, đặc biệt trong lĩnh vực ghép phổi, một trong những kỹ thuật khó nhất trong y học hiện đại.
Tinh thần “Khó mấy cũng làm” của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong chuyến thăm và làm việc tại Bệnh viện Phổi Trung ương dịp cận Tết Ất Tỵ 2025. Tư tưởng ấy trở thành kim chỉ nam trong sứ mệnh thanh toán bệnh lao và chăm sóc, nâng cao sức khỏe phổi cho người dân.
Bệnh viện Phổi Trung ương hiện đang hoàn thiện quy trình, chuyển giao công nghệ ghép phổi, từng bước xây dựng Trung tâm Ghép phổi vùng, phục vụ người bệnh trong nước và các quốc gia trong khu vực.
“Tinh thần bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chính là sợi chỉ đỏ, tư duy “khó mấy cũng làm” xuyên suốt trong quá trình hình thành, phát triển và lớn mạnh của Bệnh viện Phổi Trung ương ngày nay”, Giám đốc Đinh Văn Lượng khẳng định.
TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, GS. TS. TTND Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Việt Nam nhận tình cảm từ người nhà và bệnh nhân ghép phổi.
TS.BSCC Đinh Văn Lượng cho biết thêm, sau hơn 30 năm triển khai kỹ thuật ghép tạng, Việt Nam đã thực hiện hơn 9.000 ca ghép, nhưng chỉ có 14 ca là ghép phổi. Trong đó, Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thành công 6 ca, đánh dấu mốc phát triển quan trọng kể từ khi thành lập cách đây 5 năm.
Riêng trong năm 2024, Bệnh viện thực hiện thành công 03 ca ghép phổi từ người hiến chết não, với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành trong nước. Đặc biệt, trong tháng 4/2025, hai ca ghép phổi được thực hiện thành công chỉ trong một tuần, các ca này được điều phối từ TP. Hồ Chí Minh về Hà Nội.
Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thành công 6 ca, đánh dấu mốc phát triển quan trọng kể từ khi thành lập cách đây 5 năm.
Thành công của hai ca ghép đặc biệt này đã nâng tổng số ca ghép phổi tại Bệnh viện lên 6 ca, đạt tiêu chuẩn tương đương với các trung tâm hàng đầu tại Mỹ. Ghép phổi đã trở thành kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ca đầu tiên được thực hiện từ 5 năm trước vẫn đang có kết quả theo dõi tốt.
Tuy nhiên, theo TS.BSCC Đinh Văn Lượng chia sẻ thêm: “Chi phí cho một ca ghép phổi tại Việt Nam tuy thấp hơn thế giới, nhưng vẫn là gánh nặng lớn với nhiều gia đình.” Để nhiều bệnh nhân có cơ hội tiếp cận kỹ thuật ghép phổi, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, cần có cơ chế chi trả từ BHYT và các nguồn xã hội hóa. Hiện phần lớn các ca ghép phổi đều được Bệnh viện hỗ trợ kinh phí…/.
Tin liên quan
- Tăng thuế thuốc lá để giảm tỷ lệ hút và các bệnh liên quan
- Mời gửi báo giá vật tư vệ sinh cơ quan Bộ Y tế
- Làm gì để thực hiện chuyển đổi số trong y tế biển đảo ngày càng khả quan hơn?
- Ngày vệ sinh tay toàn cầu 5/5: Bạn đã biết vệ sinh tay đúng cách cho trẻ?
- Tình Hình Bệnh Sởi và Các Hoạt Động Phòng Chống Dịch (Tính đến ngày 25/04/2025)
- Thực phẩm giả 'len lỏi' qua nhiều đường tiêu thụ