Thứ trưởng Bộ Y tế: Để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4

20/06/2022 | 23:19 PM

 | 

 

 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ người dân, trong khi hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sáng 20/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương trong toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch.

Tại điểm cầu Chính phủ về phía Bộ Y tế có Thứ trưởng phụ trách Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương; Lãnh đạo các Bộ Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Lao động thương binh xã hội, BHXH Việt Nam... và nhiều đơn vị liên quan khác.

Tại điểm cầu các địa phương có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở, ban, ngành liên quan.

Tiến độ tiêm mũi 3, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi còn chậm

Thứ trưởng Bộ Y tế: Để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 - Ảnh 1.

Theo Bộ Y tế, tiến độ tiêm mũi 3, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi còn chậm Ảnh: Trần Minh

Báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp cho biết, đến ngày 17/6/2022, Việt Nam đã tiêm được hơn 225,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 (tỷ lệ sử dụng đạt 98,6%).

Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm các mũi 1,2,3,4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 64,5% và 11,5%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 100% và 97,7%; trẻ từ 5- dưới 12 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỷ lệ xấp xỉ 43,3% và 7%.

Trong tháng 5/2022, cả nước triển khai được khoảng 3 triệu liều mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Bộ Y tế cho rằng, tiến độ tiêm có xu hướng chậm. Nếu tiến độ tiêm mũi 3 trong tháng 6/2022 chỉ đạt khoảng 3 triệu liều như trong tháng 5/2022 thì đến hết quý II/2022 dự báo chỉ đạt khoảng gần 70%.

Trong tháng 5/2022, triển khai tiêm được 2,5 triệu liều mũi 1 và 500.000 mũi 2 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi Tiến độ tiêm mũi 1 đạt 62% và mũi 2 đạt 31% so với lộ trình đề ra. Theo đại diện Bộ Y tế, với tiến độ triển khai này có khả năng không sử dụng hết số vaccine đã tiếp nhận cho nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi.

Vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch COVID-19

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương- Thứ trưởng Bộ Y tế cho đến nay Tổ chức y tế thế giới và các quốc gia đều xác định vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch COVID-19.

Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân, hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Hiện nay chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, trong khi hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Do đó, tại cuộc họp, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc điều hành, chỉ đạo, giao chỉ tiêu tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại cho từng huyện, xã tại địa phương để khẩn trương hoàn thành triển khai tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho đối tượng trên 18 tuổi và tiêm đủ liều cơ bản cho trẻ từ 12-17 tuổi trong quí II/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Khẩn trương tiếp nhận vaccine đã được phân bổ để triển khai tiêm chủng, nếu địa phương nào không nhận vaccine trong khi vẫn còn đối tượng tiêm chủng sẽ chịu trách nhiệm và có văn bản cam kết với Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, các địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp đối tượng và đề xuất nhu cầu tiêm mũi 4 vaccine phòng COVID-19 (mũi nhắc lại lần 2) cho người từ 18 tuổi trở lên và báo cáo về Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch và phân bổ kịp thời.

Tích cực triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại mũi 4 cho các đối tượng người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch và người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19; cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu;

Cùng đó, các địa phương phải chủ động rà soát khu công nghiệp, khu du lịch dịch vụ trên địa bàn, ưu tiên triển khai sớm cho đối tượng công nhân, có nguy cơ lây nhiễm cao, cần được chỉ đạo để đạt độ bao phủ trên 90% ở những nhóm đối tượng này để đảm bảo miễn dịch cộng đồng chủ động phòng chống COVID-19 trong thời gian tới.

Các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đã mắc COVID-19 đặc biệt là người đã tiêm mũi bổ sung sau đó mắc COVID-19 tham gia tiêm chủng mũi nhắc lại để tăng miễn dịch cộng đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng nhấn mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo yêu cầu của công tác phòng chống dịch, vì vậy người dân cần đi tiêm đúng lịch, đủ liều./.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến