Tháo gõ khó khăn, đôn đốc triển khai dự án phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn

31/12/2022 | 17:47 PM

 | 

 

Trong những ngày cuối cùng của năm 2022, lãnh đạo Ban quản lý dự án Trung ương đã tới từng địa phương hướng dẫn Ban Quản lý Chương trình các tỉnh tháo gỡ khó khăn và đôn đốc khẩn trương triển khai Chương trình ngay từ đầu năm 2023.

Chương trình “Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn” (sau đây gọi tắt là Chương trình) với kinh phí đầu tư 88,6 triệu USD vay vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được triển khai thực hiện từ năm 2019-2025 theo quyết định chủ trương đầu tư số 1467/QĐ-TTg ngày 02/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ và điều chỉnh tại Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 19/6/2019.

Chương trình được thực hiện tại 16 tỉnh gồm Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Bình Phước, Cà Mau và Sóc Trăng với đặc thù là cơ chế giải ngân được thực hiện theo phương thức hòa đồng ngân sách nhà nước trong Chương trình MTQG về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 và 2021 – 2025.  

Hiệp định vay của Chương trình có hiệu lực từ ngày 04/2/2020 và tới nay đã được gia hạn thời gian kết thúc giải ngân của khoản vay (Closing date) tới 3 lần do những khó khăn trong việc hoàn thành toàn bộ các thủ tục pháp lý cần thiết để Chương trình có vốn triển khai thực hiện các hoạt động can thiệp (lần 1 đến ngày 31/3/2021; lần 2 đến ngày 31/3/2022; và lần 3 đến ngày 31/3/2023).

Ngày 14/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 659/NQ-UBTVQH15 đồng ý bổ sung 2.050 tỷ đồng tương đương 88,6 triệu USD của Chương trình vào Kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện quy trình giao Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 cho Chương trình.  

Như vậy, sau hơn ba năm không thể triển khai hoạt động kể từ ngày được phê duyệt chủ trương đầu tư do những vướng mắc ngoài tầm kiểm soát của Chương trình về các thủ tục pháp lý/hành chính, tới nay Chương trình đã chính thức bước vào giai đoạn triển khai hoạt động trong bối cảnh chỉ còn hơn hai năm để hoàn thành toàn bộ Chương trình, trong khi đây là một Chương trình có cơ chế lồng ghép hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ triển khai trước đây.

Hoàn thành đúng tiến độ được xem là một thách thức lớn đối với Chương trình trong bối cảnh cơ chế triển khai theo phương thức mới với sự lồng ghép và  phối hợp của nhiều Sở/ban/ngành, đồng thời sau hơn 3 năm đã có những thay đổi tại các tỉnh tham gia Chương trình (một số cơ sở y tế dự kiến được Chương trình đầu tư đã được các tỉnh nâng cấp từ nguồn vốn khác trong khi một số cơ sở y tế khác có nhu cầu đầu tư bức thiết lại chưa có trong danh mục đầu tư theo thiết kế ban đầu của Chương trình).

Với quyết tâm sẽ hoàn thành Chương trình theo đúng thời hạn được phê duyệt tại chủ trương đầu tư, Ban QLCT Trung ương đã thành lập đoàn công tác do PGS.TS Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Giám đốc Chương trình làm trưởng đoàn đến làm việc trực tiếp với từng tỉnh để hướng dẫn, hỗ trợ Ban Quản lý Chương trình các tỉnh tháo gỡ khó khăn và đôn đốc khẩn trương triển khai Chương trình ngay từ đầu năm 2023.

Sau đây là một số hình ảnh đoàn công tác đã làm việc tại các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Kon Tum, Bình Phước, Đăk Nông….


Thăm dò ý kiến