Mỗi địa phương cần chọn các mục tiêu ưu tiên, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS

14/12/2024 | 11:36 AM

 | 

Năm 2025 sẽ là năm bản lề cho giai đoạn 5 năm tiếp theo hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Do đó, các địa phương cần điều chỉnh đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn, chọn ra các mục tiêu ưu tiên trong phòng chống HIV…

Tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2024, triển khai kế hoạch trọng tâm 2025, do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức ngày 12 và 13/12 tại Đà Nẵng, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, những năm 2006-2007, nước ta phát hiện khoảng hơn 30 ngàn người nhiễm HIV mới mỗi năm, thì hiện nay mỗi năm chúng ta vẫn có khoảng 12 ngàn người nhiễm mới HIV/năm.

Như vậy, chỉ còn 5 năm nữa để giảm số nhiễm HIV mới xuống dưới 1000 người/năm theo Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS. Do đó, thời gian tới, mỗi năm, mỗi mốc thời điểm, chúng ta cần đặt ra các mục tiêu cụ thể cho mỗi tỉnh, thành phố và mục tiêu chung cho Quốc gia, để có thể đảm bảo cho mục tiêu đề ra.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Dịch HIV vẫn trong giai đoạn tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao

Theo phân loại của WHO, Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao ở nhóm nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), phụ nữ bán dâm…

Người nhiễm HIV trong nhóm tuổi 15-29 và 30-39 vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn và quan hệ tình dục đang là đường lây nhiễm chính. Tuy nhiên lây nhiễm HIV qua đường máu vẫn chiếm tỷ trọng cao ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex, quan hệ tình dục tập thể… khả năng tiếp cận triển khai can thiệp khó ở nhóm này, đặc biệt vẫn còn kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV trong cung cấp/tiếp cận dịch vụ.

Để ứng phó với HIV/AIDS, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đa dạng mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, cung cấp sinh phẩm qua website http://tuxetnghiem.vn...

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm được mở rộng về số lượng và đa dạng dịch vụ đảm bảo trong tiếp cận dịch vụ; mở rộng điều trị ARV tại cộng đồng và trong trại giam đảm bảo K=K (không phát hiện = không lây truyền); đảm bảo điều trị ARV kết hợp đồng nhiễm viêm gan C, STI, các bệnh không lây nhiễm… theo hướng tiếp cận điều trị lấy con người làm trung tâm. Việc bảo vệ thành công đề án cấp thuốc methadone nhiều ngày, làm cơ sở triển khai trong toàn quốc, giúp giảm bớt việc đi lại khó khăn cho bệnh nhân và giảm tỷ lệ bỏ trị…

Mỗi địa phương cần thiết kế giải pháp ưu tiên, từng bước hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS

ThS Võ Hải Sơn- Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS.

Phát biểu tại Hội nghị, ThS Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, mặc dù đạt được nhiều thành tựu và được Thế giới đánh giá cao trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhưng hiện nay số nhiễm mới hàng năm ở nước ta vẫn phát hiện trên 10 ngàn người/năm.

Con số phát hiện nhiễm mới HIV vẫn còn cao này có thể phản ánh chúng ta làm rất tốt công tác phát hiện, nhưng cuối cùng phải tiệm cận dần đến dưới 1000 người/năm.

Số điều trị ARV, hiện nay mới đạt 83%, vẫn còn khoảng 40 ngàn người nhiễm HIV, biết được tình trạng mà chưa tham gia điều trị ARV, cộng với khoảng 30 ngàn người chưa biết tình trạng HIV. Như vậy chúng ta có khoảng 70 ngàn người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV, đây là một thách thức lớn, là nguyên nhân làm lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Về địa bàn, dịch HIV đang tập trung chủ yếu tại đồng bằng Sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, chiếm tới gần 70% số ca phát hiện nhiễm mới và gắn liền với dân số trẻ bị nhiễm bệnh, đặc biệt trong nhóm MSM. Tuy nhiên trong những năm gần đây, các số liệu cảnh báo dịch cho thấy các khu vực Miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đang tiềm ẩn các nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV.

ThS. Võ Hải Sơn cho biết, chúng ta cần phân tích tình hình dịch, những khó khăn, thách thức để ‘thiết kế’ các giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa của mỗi địa phương và tìm ra vấn đề nào là trọng tâm, cần ưu tiên trước. Điều này càng nhấn mạnh tới vai trò của người đứng đầu địa phương rất quan trọng.

Theo đó, trong chặng đường còn lại, Sở Y tế, CDC các tỉnh/thành phố đóng vai trò là sứ mệnh, Trung ương (như Cục Phòng, chống HIV/AIDS) sẽ tư vấn kỹ thuật, tư vấn chính sách, cùng với nhà tài trợ… để cùng nhau hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương nhấn mạnh, nguy cơ dịch không chỉ còn nằm trong các tỉnh trọng điểm mà đã có xu hướng lan ra các tỉnh không phải trọng điểm. Với cách thức lây truyền như hiện nay chúng ta cần triển khai tốt công tác xét nghiệm, kết nối với chăm sóc điều trị đến dự phòng.

Đối với người xét nghiệm HIV âm tính phải chuyển ngay sang dự phòng bằng thuốc hoặc bằng các biện pháp cổ truyền như bao cao su, chất bôi trơn… Đối với người xét nghiệm HIV dương tính cần chuyển điều trị ARV. Đây cũng là một biện pháp dự phòng hiệu quả, vì khi điều trị, tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế không phát hiện sẽ không làm lây truyền HIV qua đường tình dục (hay K=K).

Chuyên viên của Cục Phòng, chống HIV/AIDS giới thiệu và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về lĩnh vực Phòng, chống HIV/AIDS.

Theo đó, không phát hiện đối với người trưởng thành đếm tải lượng virus dưới 200 copy/bản sao/ml máu. Với phụ nữ mang thai để tránh lây truyền cho con phải dưới 50 copy. Để đạt được điều này bắt buộc chúng ta phải điều trị sớm, điều trị liên tục và suốt đời, đúng phác đồ… Điều này còn giảm bớt kháng thuốc và những tác động bởi việc kháng thuốc và gián đoạn thuốc gây ra.

Do đó, lộ trình từ năm 2025 trở đi, cần chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc cơ cấu lại hệ thống, các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật... sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương, nguồn từ bảo hiểm y tế cũng như tài trợ của quốc tế…

Tại Hội thảo chuyên viên của Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã giới thiệu và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về lĩnh vực Phòng, chống HIV/AIDS như:

- Nghị định 141/2024/NĐ-CP về Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

- Quyết định số 24/2023/QĐ-TTg ngày 22/9/2023 quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; thủ tục cấp Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp…

-Thông tư số 26/2024-TT-BYT Quy định đặc điểm kinh tế kỹ thuật dịch vụ điều trị Nghiện các chất dạng thuốc phiện tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

-Thông tư số 40/2024/TT-BYT Quy định đặc điểm kinh tế kỹ thuật dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS tại các cơ sở y tế công lập…

Nguồn: suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến