Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Truyền thông - vai trò quan trọng làm nên thành công của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

21/06/2022 | 09:39 AM

 | 

Đến thời điểm này, Việt Nam đã tiêm trên 223 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại. Kết quả tiêm chủng không chỉ đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất trên thế giới, mà còn thể hiện ở chỗ các ca bệnh COVID-19 nặng và tử vong đã giảm mạnh trong thời gian qua.

Với tỷ lệ tiêm chủng cao và khống chế dịch bệnh tốt, các hoạt động cuộc sống hàng ngày ở nước ta cơ bản đã trở về bình thường. Có được kết quả này ngoài sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành Y tế trong hơn 2 năm qua, vừa chống dịch, vừa thần tốc tiêm chủng, phải kể đến vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận tham gia, đi tiêm chủng…

"Quyết định cho con tiêm vaccine phòng COVID-19 nhờ đọc thông tin về lợi ích của tiêm chủng"

Ngồi chờ con trai đang theo dõi sức khoẻ sau tiêm vaccine phòng COVID-19, chị Nguyễn Thị Hằng- phụ huynh cháu Đặng Huy Khiêm, lớp 6A11, Trường THCS Trần Quốc Toản- TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Trước lúc đăng ký cho con tiêm vaccine phòng COVID-19, gia đình cũng lo lắng, nhưng khi đọc thông tin trên các báo, rồi nghe nhà trường tuyên truyền về lợi ích của tiêm chủng, thì gia đình quyết định cho con tiêm để yên tâm hơn khi cho cháu đi học, giao lưu bạn bè.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử Việt Nam.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử Việt Nam.

Còn chị Lê Mai, phụ huynh cháu Minh Khuê (9 tuổi) ở Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ, ban đầu gia đình không muốn cho con tiêm vaccine phòng COVID-19 vì những lo lắng ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé, nhưng rồi qua truyền thông "chúng tôi thấy các chuyên gia về nhi khoa, tiêm chủng đều nhấn mạnh việc tiêm vaccine không ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn bảo vệ các con nếu lỡ không may mắc COVID-19 thì sẽ không trở nặng và những nguy cơ khác. Vì vậy, gia đình tôi quyết định đăng ký cho con tiêm vaccine".

Đây chỉ là ý kiến của 2 người mẹ trong số hàng triệu phụ huynh đã đồng ý cho con trong độ tuổi 5 – dưới 12 tuổi và từ 12- dưới 18 tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19, sau khi tìm hiểu thông tin qua các phương tiện truyền thông về lợi ích của tiêm chủng.

Từ mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam được tiêm cho chị Phạm Thị Tuyết Nhung (40 tuổi, nhân viên y tế thuộc Trung tâm y tế Thành phố Hải Dương, thuộc tổ lấy mẫu COVID-19 tại cộng đồng), cho đến nay, nước ta đã tiêm chủng hơn 223 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại khác nhau cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi; trẻ từ 12 – dưới 18 tuổi; người từ 18 tuổi trở lên. Theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau về trước" với đợt tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử.

Sau một năm triển khai, Việt Nam chính thức trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới và đến nay vẫn tiếp tục nằm trong top những nước dẫn đầu về kết quả tiêm vaccine phòng COVID-19. "Chiến dịch tiêm vaccine đã thành công, đạt tỷ lệ rất cao so với thế giới" là điều được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định, nhấn mạnh.

Nhờ kết quả tích cực từ chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế có thể tiến hành từng bước, hướng tới điều trị người mắc COVID-19 như điều trị bệnh thông thường. Đồng thời nhờ độ bao phủ vaccine cao, Việt Nam đã kịp thời chuyển phương châm chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; đi cùng đó là việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện khôi phục, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hay nói cách khác, thành công của chiến lược vaccine là yếu tố quyết định để Việt Nam kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, phát triển và hội nhập trong giai đoạn "bình thường mới".

Khám tầm soát cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi trước khi tiêm. Ảnh: Trần Minh

Truyền thông y tế- góp phần đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân

Tại một hội nghị về truyền thông y tế vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ, y tế là ngành đặc thù, công tác truyền thông tốt sẽ làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân, từ đó không chỉ bảo vệ, nâng cao sức khỏe mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với hệ thống an sinh xã hội.

Hơn 2 năm qua, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác truyền thông phòng chống dịch COVID-19 nói riêng và công tác truyền thông y tế nói chung được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế, góp phần đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Nhu cầu thông tin của người dân về diễn biến tình hình dịch, các hoạt động phòng, điều trị bệnh, khuyến cáo, thông điệp phòng dịch đòi hỏi ngày càng cao.

"Do đó, những thông tin y tế chính thống cần phải chiếm ưu thế và chủ đạo trong các luồng thông tin xã hội, nhằm tạo sự tin tưởng, đồng thuận của người dân; Góp phần tạo sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân"- Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế đã nhiều lần nhấn mạnh, thời gian qua, ngành Y tế cùng với các lực lượng truyền thông đã phát huy những kinh nghiệm quý báu trong công tác truyền thông y tế qua các đợt dịch COVID-19. Đó là minh bạch hóa và chủ động thông tin, phát huy sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, sự thâm nhập và lan tỏa của hệ thống tuyên giáo để truyền thông tới người dân các nội dung phòng chống dịch và những sự nỗ lực, cố gắng, cống hiến hết mình của nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu trên mọi miền Tổ quốc.

Các cơ quan, đơn vị trong ngành đã chủ động, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế; Xây dựng hệ thống truyền thông trong ngành triển khai nhịp nhàng từ cấp trung ương xuống địa phương, giúp tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông y tế, đặc biệt là truyền thông phòng chống dịch COVID-19. Từ đó, tạo nên dòng thông tin chính thống, phản biện lại thông tin giả, tin xấu độc với phương châm truyền thông y tế minh bạch, chính xác, hiệu quả và tin cậy.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, trong thời gian qua, ngành Y tế đã thiết lập, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ công tác truyền thông y tế với các cơ quan, đơn vị ngoài ngành, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và tầm ảnh hưởng của cơ quan báo chí truyền thông trong và ngoài ngành.

Cùng đó truyền thông y tế hướng đến sự đổi mới nội dung, phương thức cung cấp thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, sử dụng triệt để thế mạnh của mạng xã hội, truyền thông số…Các văn bản chỉ đạo, điều hành đã được mềm hóa bằng nhiều hình thức như Infographic, Videoclip, Audioclip, MV ca nhạc, Poster, phim hoạt hình, vũ điệu nhảy… Bên cạnh đó, đã truyền tải phân khúc sản phẩm truyền thông tính đến từng nhóm đối tượng theo đặc điểm về độ tuổi, giới tính, vùng miền, văn hóa khác nhau để tạo nên nhiều chiến dịch truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam (Facebook, Zalo, Youtube, Viber, Tiktok...).

Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của tiêm chủng, giữ vững thành quả chống dịch

Việt Nam cũng đã và đang đẩy mạnh tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng theo hướng dẫn để đảm bảo tính miễn dịch bền vững. Tuy nhiên ông Maharajan Muthu - Trưởng Chương trình sống còn, phát triển và môi trường, UNICEF tại Việt Nam, cũng nêu thực trạng công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong giai đoạn này đã khác trước, người dân đã bắt đầu chủ quan và coi nhẹ nguy cơ của dịch bệnh, nên nhu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19 giảm rõ rệt.

Chuyên gia của UNICEF đã nhấn mạnh: Chúng ta cần hiểu rằng mức độ miễn dịch dù có được nhờ đã tiêm vaccine hay do đã mắc COVID-19 đều sẽ suy giảm qua thời gian và cần được khôi phục bằng cách tiêm mũi bổ sung. Đối với trẻ em mặc dù các triệu chứng của COVID-19 nhẹ hơn so với người lớn, nhưng các em phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh gia tăng khi chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

"Chúng ta không thể vì chủ quan mà đánh mất những thành công đã đạt được trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Do đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, trong đó bao gồm truyền thông tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19"- ông Maharajan Muthu bày tỏ.

Nhìn lại công tác phòng chống dịch COVID-19 nói chung, công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở nước ta cho thấy, đã có không ít lần lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, một số nhóm đối tượng đã cho "ra mắt" hàng loạt tin bài trên các trang mạng xã hội sai sự thật, phản khoa học về phòng chống dịch COVID-19, "anti vaccine" nhằm làm cho người dân hoang mang, tin vào thông tin cực đoan về cuộc chiến với đại dịch hay lo sợ về hiệu quả của vaccine… không đi tiêm chủng.

Trẻ 5 - dưới 12 tuổi được tiêm vaccine phòng COVID-19 đều an toàn.

Tuy nhiên, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng trong định hướng dư luận, thúc đẩy đồng thuận xã hội cho công tác phòng chống dịch và tăng cường niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị thông qua việc chuyển tải các thông tin chính thống, khoa học, khách quan, trung thực về cuộc chiến phòng chống dịch nói chung, vai trò quan trọng của tiêm chủng vaccine nói riêng. Từ đó kêu gọi tinh thần, ý chí đoàn kết, sẻ chia và đồng thuận của nhân dân trong phòng chống dịch.

Chuyên gia của UNICEF đã khuyến cáo như vậy, các cơ quan truyền thông đại chúng ở nước ta cũng đã và đang thường xuyên, liên tục đưa tin về vai trò quan trọng của tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 bổ sung, tăng cường hay nhắc lại. Mỗi người dân trên 18 tuổi đủ điều kiện tiêm mũi 3, mũi 4, mỗi ông bố, bà mẹ lại tiếp tục đồng hành cùng ngành Y tế đi tiêm chủng/ đưa con em mình đủ điều kiện đến tiêm chủng, để làm nên thành công tròn đầy của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử - tiêm vaccine phòng COVID-19 và cũng là để Việt Nam luôn đảm bảo giữ vững thành quả chống dịch…

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến