Giám sát xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ
15/09/2024 | 11:23 AM
|
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện giám sát hoạt động đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khu vực ngập lụt do mưa bão.
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện giám sát hoạt động đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khu vực ngập lụt do mưa bão tại các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Đình, Đan Phượng, Thường Tín, Mê Linh, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thanh Trì; đồng thời thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết tại hai quận Ba Đình và Hai Bà Trưng.
Nhân viên y tế Quận Hoàn Kiếm phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại khu vực trường Tiểu học Phúc Tân. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Bên cạnh đó, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực có nguy cơ cao và khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt; phối hợp với ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại khu vực có nguy cơ sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường.
Các đơn vị tiếp tục tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để, kịp thời ca bệnh, ổ dịch trong và sau ngập lụt như: Sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, cúm, tả, thương hàn… Đồng thời, tăng cường truyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh, biện pháp xử lý môi trường, xử lý nguồn nước, phòng chống dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ và ngập lụt theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Theo số liệu của CDC Hà Nội, từ ngày 6/9 đến ngày 13/9, toàn thành phố ghi nhận 227 ca mắc sốt xuất huyết, 52 ca mắc tay chân miệng, 1 ca sởi, 3 ca mắc ho gà, 1 ca liên cầu lợn. Đối với bệnh sốt xuất huyết, toàn thành phố tăng 37 trường hợp, bệnh nhân phân bố tại 27 quận, huyện, thị xã. Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Phúc Thọ.
Nhân viên y tế rắc vôi bột xử lý môi trường sau ngập lụt tại phường Chương Dương. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân gồm: Tân Hội, Đồng Tháp, Phương Đình thuộc huyện Đan Phượng; Dương Nội, Hà Đông; Hữu Bằng, Thạch Thất; Đông La, Hoài Đức; Phụng Thượng, Phúc Thọ.
Chín ổ dịch sốt xuất huyết được ghi nhận trong tuần qua tại Ba Đình, Đan Phượng, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Oai, Thạch Thất, giảm 1 ổ dịch so với tuần trước. CDC Hà Nội nhận định, dịch sốt xuất huyết hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của dịch hằng năm (tháng 9 đến tháng 11), với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh. Đồng thời, kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực ca bệnh, ổ dịch. Giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết tại Thường Tín, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khu vực ngập lụt do mưa lũ tại Chương Mỹ, Thạch Thất, Đông Anh, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Quốc Oai.
Theo Nhật Anh (TTXVN)
Tin liên quan
- Gia hạn giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đến 30/6/2025
- 4 bệnh nhân hiến tạng, mang sự sống cho 15 người
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh
- Bộ Y tế đề xuất quy định mới về cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH
- Bộ Y tế quy định mới nhất mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y
- Đề xuất quy định mới về cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội
- Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ y tế Hải Dương bứt phá, phát triển chuyên môn sâu trong khám chữa bệnh