Đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục tạo bước chuyển biến căn bản trong triển khai thực hiện Đề án 06
15/11/2024 | 11:07 AM
|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành địa phương phát huy những kết quả đạt được, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế, đẩy nhanh tiến độ triển khai, tiếp tục tạo bước chuyển biến căn bản trong triển khai thực hiện Đề án 06.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm thúc đẩy, với sự chỉ đạo hết sức quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ trong công tác chuyển đổi số, mà nòng cốt là triển khai Đề án 06 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Chiều 14/11, tại Trụ sở UBND TPHCM, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến về thúc đẩy các nhiệm vụ Đề án 06 tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự hội nghị có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo các bộ: Công an, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo 12 địa phương gồm: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Quảng Nam, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Thuận, Bình Phước.
Hợp phần quan trọng của chuyển đổi số quốc gia
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06).
Đề án 06 có 7 quan điểm chỉ đạo lớn với mục tiêu tổng quát ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp.
Đề án 06 đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Báo cáo của Bộ Công an tại hội nghị khẳng định, sau gần 3 năm triển khai, Đề án 06 đã đi sâu vào từng "ngóc, ngách", nhận thức của 4 cấp từ Trung ương đến địa phương, là một hợp phần quan trọng của chương trình chuyển đổi số quốc gia hiện nay.
Chính phủ, Tổ công tác đã nhận diện và thống nhất nhận thức 5 nguyên tắc để triển khai Đề án 06 một cách hiệu quả, xuyên suốt, đó là: Hoàn thiện được 5 vấn đề về pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh an toàn và bố trí nguồn lực (kinh phí và con người) để triển khai; 4 xuyên suốt là từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã; 3 giá trị là văn minh xã hội, phát triển kinh tế và phòng, chống tội phạm; 2 nhận thức là nhận thức đúng với tình hình thực tế tại bộ, ngành, địa phương mình và có giải pháp sáng tạo, phù hợp; 1 quyết tâm là người đứng đầu các đơn vị phải quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, được thể hiện bằng phương pháp chỉ đạo, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, có cơ chế kiểm tra, giám sát.
Theo thống kê, tới nay, toàn quốc đã tích hợp 14,8 triệu thông tin công dân vào Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Tính đến 13/11/2024, đã có 47 địa phương triển khai cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID với 24.887 hồ sơ (tăng 45 địa phương so với ngày 2/10/2024).
Đồng thời, đã hoàn thành số hóa trên 46 triệu thửa đất tại 461/705 huyện trên toàn quốc, 15 địa phương đã hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch. Một số địa phương đã phối hợp tốt với các bộ, ngành trong triển khai các mô hình thúc đẩy Đề án 06 trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành địa phương phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, đẩy nhanh tiến độ triển khai, tiếp tục tạo bước chuyển biến căn bản trong triển khai thực hiện Đề án 06 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá khách quan thực trạng tình hình, những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong gần 3 năm triển khai Đề án 06, từ dữ liệu chưa hoàn thiện, hạ tầng còn thiếu, đến các vấn đề pháp lý và nguồn lực; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ, những vấn đề còn có vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách cần tập trung tháo gỡ; đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới nhằm đảm bảo tiến độ, hiệu quả các nội dung cần tập trung thực hiện như số hóa dữ liệu, Sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu Lý lịch tư pháp…
Đồng thời, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng đã trao đổi, giải đáp, làm rõ những vấn đề mà địa phương quan tâm liên quan đến xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai thực hiện Đề án 06 tại các địa phương.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu, khách quan, mang tính toàn cầu.
Thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm thúc đẩy với sự chỉ đạo hết sức quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ trong công tác chuyển đổi số, mà nòng cốt là triển khai Đề án 06. Bộ Công an đã theo dõi sát, đôn đốc, làm việc rất trách nhiệm trong triển khai Đề án 06. Những kết quả tích cực bước đầu đạt được đã phần nào thể hiện được sự nỗ lực của các bộ, ngành, các địa phương.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nêu rõ, qua theo dõi của Tổ công tác triển khai Đề án 06, vẫn còn một số địa phương chưa đạt được kết quả như mong đợi. Việc triển khai các mô hình điểm còn mang tính hình thức, chưa có kết quả rõ nét; chưa phát huy tốt vai trò của Đề án 06 đối với phát triển kinh tế-xã hội và quản lý xã hội. Một số địa phương có nguy cơ không hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trong năm 2024. Nhiều cơ chế, chính sách cho triển khai Đề án 06 còn thiếu, cần phải sớm bổ sung, hoàn thiện;…
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá khách quan thực trạng tình hình, những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong gần 3 năm triển khai Đề án 06 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Nhấn mạnh Đề án 06 là cơ sở chính trị quan trọng, góp phần để chúng ta quản trị đất nước tốt hơn trên tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy việc phục vụ người dân là cao nhất, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành địa phương phát huy những kết quả đạt được, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đẩy nhanh tiến độ triển khai, tiếp tục tạo bước chuyển biến căn bản trong triển khai thực hiện Đề án 06.
Đặc biệt, các bộ, ngành chức năng cần quân tâm hơn nữa đến công tác tập huấn, bố trí nguồn lực, bổ sung và hoàn thiện các danh mục, tiêu chí thuộc lĩnh vực của bộ, ngành mình để tạo các điều kiện thuận lợi các địa phương trong triển khai thực hiện; kịp thời tháo gõ những vướng mắc cho các địa phương thuộc phạm vi, lĩnh vực của bộ, ngành mình quản lý.
Các địa phương cũng cần chủ động, nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu trong kế hoạch chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng trên tinh thần bám sát kế hoạch, có lộ trình, giải pháp khả thi trong thực hiện.
Báo cáo của Bộ Công an cũng đã chỉ rõ những địa phương còn triển khai chậm, hoặc còn triển khai yếu, thiếu các nội dung. Vì vậy, các địa phương cần hết sức lưu ý rà soát và sớm có giải pháp khắc phục hiệu quả, triệt để trong quá trình triển khai thực hiện Đề án thời gian tới.
Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Tổ công tác triển khai Đề án 06 đã ký kết Kế hoạch phối hợp công tác với tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai về số hóa dữ liệu và tái sử dụng kết quả số hóa trong giải quyết các thủ tục hành chính trên lĩnh vực cư trú và đất đai; ký kết Kế hoạch phối hợp công tác với tỉnh Kiên Giang trong thúc đẩy triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố Phú Quốc; ra mắt ứng dụng liên kết với VNeID của TPHCM.
Nguồn: Chinhphu.vn
Tin liên quan
- TỔNG THUẬT: Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng TTĐT các bộ, ngành, địa phương
- Giới trẻ được coi là đối tượng đích của các công ty thuốc lá
- Canada: Thiếu niên nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ở người hiện đang trong tình trạng nguy kịch
- Mời báo giá dịch vụ bảo dưỡng định kỳ thang máy
- Giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
- Tọa đàm khoa học "Tăng cường nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trong triển khai chính sách ngành y tế"