Thông tin chung về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm và các biện pháp phòng chống
28/01/2015 | 02:55 AM
(Phục vụ cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người ngày 28/01/2015)
Dịch cúm gia cầm đã và đang có diễn biến phức tạp, năm 2015, Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhận định có nhiều nguy cơ ghi nhận thêm các trường hợp mắc cúm A/H7N9, Cúm A(H5N1) mới trên người.
Hiện nay, dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc vẫn chưa được khống chế và có nguy cơ bùng phát. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), riêng trong 3 tuần đầu tháng 01 năm 2015 tại Trung Quốc đã ghi nhận 16 trường hợp mắc cúm A(H7N9), trong đó có 3 trường hợp tử vong nâng tổng số mắc cúm A(H7N9) từ năm 2013 đến ngày 24/01/2015 là 486 trường hợp mắc (Trung Quốc 469: Đài Loan: 04, Hồng Kông: 12, Malaysia: 1), trong đó có 185 trường hợp tử vong. Số mắc có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam của Trung Quốc, gần biên giới với Việt Nam.
Tại Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên gia cầm và trên người.
Đối với Cúm A(H5N1), ngày 06/01/2015, WHO thông báo bổ sung 16 trường hợp mắc mới cúm A(H5N1) tại Ai Cập, trong đó có 02 trường hợp tử vong, số mắc mới tại quốc gia này trong tháng 1/2015 lớn hơn số tích lũy của cả năm 2014 (14 trường hợp mắc). Tích lũy từ năm 2003, thế giới ghi nhận 694 trường hợp mắc, 402 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 58%. Các trường hợp mắc đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, có các ổ dịch cúm gia cầm khu vực có ca bệnh.
Tại Việt Nam, năm 2014 có 02 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại Bình Phước và Đồng Tháp, cả hai trường hợp đều tử vong, cả hai trường hợp này đều có tiển sử tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh. Tích lũy từ đầu năm 2003 đến nay, Việt Nam ghi nhận 127 trường hợp mắc, 64 trường hợp tử vong. Số mắc cao trong giao đoạn 2003-2010, từ năm 2011 đến nay ghi nhận rải rác một số trường hợp mắc bệnh tại các địa phương. Năm 2015, chưa ghi nhận trường hợp mắc mới.
Đối với cúm A(H5N6), A(H5N8) và cúm A(H5N2), trên thế giới, trong khoảng thời gian cuối năm 2014 đến đầu năm 2015, tại nhiều nước trên thế giới như Đức, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan tiếp tục ghi nhận các vụ dịch do vi rút cúm A(H5N8) ở các trang trại gia cầm. Cuối năm 2014, Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đã đưa ra thông báo công bố phát hiện nhiều trang trại nuôi ngan/ngỗng có thủy cầm nuôi chứa vi rút cúm A(H5N2) là chủng vi rút cúm mới xuất hiện lần đầu tiên. Hiện trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm các vi rút cúm gia cầm nói trên ở người, tuy nhiên các chủng vi rút này có thể lây truyền từ gia cầm sang người.
Tại Việt Nam, đến nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N8) và cúm A(H5N2) trên cả gia cầm và người, tuy vậy trong năm 2014 đã ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N6) trên gia cầm tại một số tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi. Phú Thọ, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Kết quả xét nghiệm bằng giải trình tự gen của các mẫu vi rút cúm A(H5N6) phát hiện ở Việt Nam thấy có sự tương đồng đến 99% với chủng vi rút cúm A(H5N6) gây bệnh trên người tại Trung Quốc.
Để phát hiện sự lưu hành của các chủng vi rút cúm, đặc biệt là các chủng vi rút gây bệnh nguy hiểm và sự biến đổi gen của vi rút cúm, từ năm 2006 hệ thống giám sát trọng điểm cúm đã được thiết lập. Trong năm 2014 và 03 tuần đầu năm 2015 đã xét nghiệm 5.907 mẫu bệnh phẩm bệnh nhân có hội chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính và viêm phổi nặng, kết quả chung cho thấy trong số các trường hợp viêm đường hô hấp cấp chủ yếu là chủng vi rút cúm B chiếm 58%, tiếp đến là chủng vi rút cúm A(H3) chiếm tỷ lệ 29% và chủng vi rút cúm A(H1N1) đại dịch chiếm 13%, không ghi nhận cúm A(H7N9) tại Việt Nam.
Nguy cơ xâm nhập các trường hợp nhiễm cúm gia cầm vào Việt Nam là rất lớn, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Bộ Y tế đã ban hành và chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống bệnh cúm A(H7N9) theo 4 tình huống dịch bệnh, bảo đảm việc đáp ứng phòng chống dịch một cách hiệu quả. Ngoài ra, đẩy mạnh phối hợp với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố kích hoạt khởi động toàn hệ thống vào cuộc để triển khai công tác phòng chống dịch tới các địa phương.
Cùng với đó, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế (Quyết định số 3265/QĐ-BYT ngày 27/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế), kiện toàn Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh và phối hợp với USCDC hoàn thiện Văn phòng đáp ứng các tình huống khẩn cấp (EOC); Tăng cường giám sát các trường hợp nghi mắc cúm A(H7N9) từ các quốc gia đang có dịch; giám sát chặt chẽ các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân, triển khai xử lý ổ dịch triệt để, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong.
Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin dịch bệnh cho các cơ quan thông tấn báo chí, phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các báo điện tử, để đảm bảo thông tin đến được người dân chính xác, kịp thời, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Rà soát trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; duy trì các hoạt động của đội cơ động chống dịch, cấp cứu lưu động để sẵn sàng đi điều tra, xử lý ổ dịch, thu dung, cấp cứu bệnh nhân khi có yêu cầu, tổ chức thường trực chống dịch, trực cấp cứu điều trị bệnh nhân. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc việc điều trị giảm tử vong, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp tết nguyên đán và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Bộ Y tế kê gọi và mong muốn mỗi người dân, toàn xã hội và đặc biệt các cơ quan truyền thông đại chúng tích cực hợp tác với ngành y tế để kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trên cả nước.
Thông tin trao đổi liên hệ: Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng. Điện thoại: 04.62732397
Tin liên quan
- Thông báo kết luận của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Phiên họp thứ 20 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương
- Thông tin Báo chí: Những giải pháp đồng bộ tháo gỡ tình trang thiếu thuốc, trang thiết bị y tế
- THÔNG TIN BÁO CHÍ: Việt Nam chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ
- Thông tin báo chí về việc thiếu vắc xin phòng COVID-19 Moderna cho trẻ em
- Thông tin báo chí về việc thiếu vaccine sởi, bạch hầu, ho gà và uốn ván tiêm cho trẻ?
- THÔNG TIN BÁO CHÍ PHÁT ĐỘNG VỆ SINH MÔI TRƯỜNG VÀ VỆ SINH CÁ NHÂN PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH HƯỞNG ỨNG PHONG TRÀO VỆ SINH YÊU NƯỚC NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN NĂM 2022
- Thông tin báo chí Chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam