Thông cáo báo chí Kết quả Hội nghị “Tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”

26/03/2015 | 02:51 AM

 | 

Hà Nội, ngày 26  tháng 3 năm 2015

             Trong 02 ngày 24 và 25 tháng 3 năm 2015, Hội nghị “Tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” được tổ chức tại Thành phố Huế với sự tham gia của gần 400 đại biểu trong nước và quốc tế đã thành công tốt đẹp.

Sau khi nghe các báo cáo, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo:

Đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế cơ sở là hết sức cần thiết, để có cái nhìn nhất quán, kế thừa và phát triển, nhưng phải đặt trong bối cảnh đổi mới tổng thể hệ thống y tế Việt Nam. Y tế cơ sở nói riêng và ngành y tế nói chung phải tạo được niềm tin cho nhân dân trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

            Trước hết, ngành y tế phải xác định rõ phạm vi, vai trò và hoạt động của y tế cơ sở, xác định rõ công việc, nhiệm vụ, yêu cầu và nguồn nhân lực; đào tạo phải gắn với sử dụng và chế độ đãi ngộ. Thực hiện quản lý lĩnh vực y tế theo ngành dọc gắn với luân chuyển, luân phiên, điều động cán bộ. Bảo đảm cơ chế tài chính và đầu tư cho y tế cơ sở, đẩy nhanh hơn lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Đầu tư cho y tế cơ sở phải sát thực tế, cần tập trung ưu tiên chỗ khó khăn trước; từng bước gắn khoa học công nghệ trong việc quản lý bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, đồng thời phải đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để có sự tham gia tích cực, chủ động của người dân trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

            Chính phủ đề nghị các Bộ, các ngành, chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt là tăng cường đầu tư nguồn lực, có chế độ chính sách tốt cho y tế cơ sở; đẩy mạnh vận động người dân tham gia Bảo hiểm y tế để mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân sớm được thực hiện và đóng góp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

            Từ các kết quả đạt được của hội nghị này, Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt đề án Tăng cường y tế cơ sở, quy hoạch mạng lưới y tế hiệu quả.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế đã kết luận như sau:

1.      Khẳng định vai trò và tầm quan trọng của y tế cơ sở trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Mạng lưới y tế cơ sở, bao gồm y tế thôn, bản, xã, phường, quận, huyện, thị xã, là xương sống của hệ thống y tế Việt Nam, là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội.

2.      Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến y tế tuyến cơ sở. Mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được tăng cường; nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi; chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở từng bước được nâng cao góp phần quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe của nhân dân.  Bên cạnh những kết quả trên, mạng lưới y tế cơ sở vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa thích ứng với sự phát triển của xã hội và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở nên vượt tuyến, gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên. Việc củng cố, tăng cường và đổi mới hệ thống y tế cơ sở là thực sự cần thiết và cấp bách.

3.      Các giải pháp tăng cường y tế cơ sở bao gồm:

            - Cam kết chính trị của các cấp ủy đảng, chính quyền: Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng từ Trung ương đến địa phương về vai trò, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của y tế cơ sở. Bộ Y tế sẽ sớm xây dựng, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới. Để thực hiện thành công Nghị quyết, Bộ Y tế xây dựng và ban hành Chương trình hành động về tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới. Đưa các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về tăng cường y tế cơ sở vào nghị quyết, chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của từng địa phương. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức truyền thông tới các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

            - Củng cố, ổn định tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của y tế cơ sở:

            + Xây dựng gói các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản dựa trên khảo sát, phân tích đánh giá nhu cầu chăm sóc sức khỏe, tính hiệu quả chi phí, các điều kiện bảo đảm để thực hiện. Gói các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản cần bao gồm đầy đủ và toàn diện các lĩnh vực, gắn nâng cao sức khỏe, phòng bệnh với chữa bệnh và phục hồi chức năng; kết hợp y dược học hiện đại với y dược học cổ truyền trong bối cảnh thay đổi mô hình bệnh tật và tình trạng già hóa dân số.

            + Xác định chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị trong hệ thống y tế cơ sở để cung cấp gói dịch vụ cơ bản nêu trên như bệnh viện huyện, trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên.

            + Tinh giản đầu mối các đơn vị y tế tuyến huyện, tăng cường kết hợp quân dân y ở các vùng miền núi, biên giới, hải đảo.

            + Phân chia các trạm y tế xã theo 3 vùng quy định tại Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về bộ tiêu chí quốc gia y tế xã giai đoạn đến 2020 để phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân theo vùng, miền, điều kiện địa lý.

            + Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa y tế công và tư nhằm tăng cường vai trò và sự gắn kết của y tế tư nhân trong cung ứng dịch vụ.

            + Đánh giá, tổng kết mô hình bác sỹ gia đình gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu để xem xét nhân rộng cho phù hợp.

            + Đổi mới phương thức cung ứng dịch vụ trong đó chú trọng tới tăng cường quản lý sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ và phục hồi chức năng tại nhà, tại cộng đồng, đặc biệt đối với các bệnh không lây nhiễm.

            + Xây dựng cơ chế phối hợp, lồng ghép giữa các đơn vị y tế, các chương trình y tế, các tuyến chăm sóc. Nâng cao năng lực của YTCS trong khám, phát hiện, sàng lọc, chuyển người bệnh lên tuyến trên linh hoạt, hiệu quả.

            + Củng cố công tác thống kê y tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sức khỏe tại cộng đồng, tiến tới kết nối cơ sở dữ liệu giữa các tuyến. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc cung ứng dịch vụ y tế và thực hiện các chính sách.

-          Phát triển nhân lực tuyến y tế cơ sở:

            + Đào tạo: Xây dựng nội dung đào tạo cụ thể phù hợp cho tuyến y tế cơ sở: đào tạo y tế phổ cập phải khác với y tế chuyên sâu, đào tạo chuyên môn phải khác với quản lý, đào tạo phải phù hợp với từng loại hình y tế cơ sở. Đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng sự thay đổi về nhu cầu chăm sóc sức khỏe, mô hình bệnh tật, già hóa dân số. Ưu tiên đào tạo y học gia đình, đào tạo cô đỡ thôn bản ở vùng dân tộc thiểu số; vẫn giữa một số hình thức chuyên tu, cử tuyến đối với các vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số.

            + Rà soát, xác định nhu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu nhân lực của y tế cơ sở để xây dựng và triển khai kế hoạch đáp ứng nhu cầu nhân lực cho y tế cơ sở.

            + Tiếp tục thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn, trung tâm y tế/bệnh viện huyện luân phiên viên chức y tế về trạm y tế xã và ngược lại. Bảo đảm đủ số lượng và chất lượng cán bộ y tế cơ sở.

            + Bổ sung, hoàn thiện và nâng cao chính sách đãi ngộ đặc biệt cho cán bộ y tế cơ sở, nhất là tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như lương khởi điểm, phụ cấp thâm niên, phụ cấp vùng miền, phụ cấp y tế cơ sở,…

-       Tăng cường đầu tư, đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở:

            + Tài chính công (ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, viện trợ quốc tế) phải là nguồn tài chính chủ yếu. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo đầu tư cho y tế cơ sở để tạo bước đột phá trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng.

            + Đảm bảo 30% ngân sách y tế chi cho y tế dự phòng theo quy định của Nghị quyết 18/2008/QH-12. Đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người cận nghèo, người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp tham gia BHYT.

            + Xây dựng cơ chế tài chính riêng phù hợp cho từng loại hình y tế cơ sở: bệnh viện huyện, trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã.

            + Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách theo hướng dựa trên kết quả hoạt động và kết quả đầu ra.

            + Đổi mới phương thức chi trả để nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở.    

- Nâng cao hiệu quả truyền thông giáo dục sức khỏe: Tăng cường và đổi mới nội dung, phương pháp truyền thông giáo dục sức khỏe để tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị đối với y tế cơ sở, đồng thời nâng cao nhận thức về hành vi phòng bệnh, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, về quyền và nghĩa vụ trong chăm sóc sức khỏe của các tầng lớp nhân dân, của mỗi người, mỗi gia đình; xây dựng nếp sống vệ sinh, rèn luyện thân thể, hạn chế những lối sống và thói quen có hại đối với sức khoẻ, chủ động tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng.  

            Sau Hội nghị, Bộ Y tế cần sớm triển khai xây dựng Chương trình hành động về tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới, tổ chức họp trực tuyến để xin ý kiến chính quyền địa phương, Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách như Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Nghị định 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh,…

 


Thăm dò ý kiến