Bệnh nhi bị não úng thủy, khối u lớn vùng hố sau não được cứu sống
18/07/2014 | 10:12 AM
Các bác sĩ BV Nhi TW vừa phẫu thuật thành công cho cháu N.Đ.K., 18 ngày tuổi, bị não úng thủy với khối u lớn vùng hố sau của não. Đây là trường hợp sơ sinh nhỏ tuổi nhất ở Việt Nam mắc bệnh này được cứu sống bằng kỹ thuật vi phẫu thần kinh.
Theo mẹ bệnh nhi, sau sinh khoảng 2 tuần, bé N.Đ.K. đã được gia đình đưa đi khám tại BV Nhi Hải Phòng khi thấy những biểu hiện bất thường của cháu: vòng đầu to nhanh 41cm, thóp phồng và nôn liên tục. Hình ảnh CT sọ não của bé K. tại BV Nhi Hải Phòng cho thấy, cháu bị giãn hệ thống não thất. Các bác sĩ ở đây kết luận trẻ bị não úng thủy (một tình trạng dư thừa quá mức dịch não tủy) và lập tức chuyển cháu lên BV Nhi TW. Tại BV Nhi TW, sau khi phẫu thuật cấp cứu đặt van não thất ổ bụng cho cháu K., các bác sĩ Khoa Ngoại - Thần kinh lại phát hiện bệnh nhi có một khối u quái với kích thước lớn hơn 5cm vùng hố sau của não. Ngay sau đó, cháu K. được chỉ định phẫu thuật cắt khối u. Ca đại phẫu thành công kéo dài 6 giờ đồng hồ. Sau gần 1 tuần được chăm sóc hậu phẫu tích cực tại Khoa Hồi sức ngoại, hiện cháu K. đã hoàn toàn tỉnh táo, bú mẹ tốt. Hình ảnh sọ não trên phim chụp cũng cho thấy khối u đã hoàn toàn biến mất.
Bệnh nhân K. trước (trên) và sau khi phẫu thuật (dưới). Ảnh: BV Nhi TW cung cấp
Theo ThS.BS. Lê Nam Thắng - Phó trưởng Khoa Thần kinh - BV Nhi TW, người trực tiếp phẫu thuật cho bé K., trường hợp của cháu K. phức tạp vì bệnh nhi sơ sinh rất nhỏ tuổi, cân nặng thấp với khối u quá lớn. Trong khi đó, việc bóc tách để lấy toàn bộ khối u cũng không dễ dàng. “Tuy có kích thước nhỏ nhưng vùng hố sau của não xung quanh u có nhiều chức năng quan trọng, đòi hỏi phẫu thuật viên phải thao tác khéo léo để tránh gây tổn thương mô não ở vùng này nhằm hạn chế tối đa khả năng bệnh nhi tử vong hay chịu những di chứng sau phẫu thuật”, BS. Thắng chia sẻ. Trường hợp của bệnh nhân K. có u quái lớn song đây là khối u chưa trưởng thành nên không phải điều trị hóa chất và tia xạ. Do được phát hiện bệnh từ rất sớm, can thiệp bằng kỹ thuật hiện đại nên cháu có khả năng bình phục nhanh.
ThS.BS. Lê Nam Thắng cho biết thêm, trước đây, khi kỹ thuật vi phẫu thần kinh chưa ra đời, khoảng 50% bệnh nhi tử vong do sinh thiết hoặc phẫu thuật lấy u vùng hố sau. Từ khi ứng dụng phương pháp mới, việc loại bỏ khối u trở nên dễ dàng hơn, tránh được nhiều biến chứng nặng nề hơn, tạo nhiều cơ hội cho bệnh nhi phát triển bình thường như những trẻ em khác.
Lê Nam
Tin liên quan
- Phẫu thuật thành công cặp song sinh dính liền phần bụng
- PGS.Viện sĩ Tôn Thất Bách: Người thầy chăm lo đào tạo thầy thuốc trẻ
- Nobel Y học dành cho nghiên cứu hệ thống định vị trong não người
- Lần đầu thực hiện can thiệp kẹp sửa van tim qua da
- VN đã thực hiện hàng ngàn ca ghép tạng thành công
- TPHCM: Thực hiện ca ghép gan thứ 8 cho bệnh nhi
- Cứu sống bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 sau gần 4 tháng điều trị tích cực