Yếu tố giúp Việt Nam có tỉ lệ tử vong do bệnh dịch thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á

27/12/2024 | 21:57 PM

 | 

 

Kết quả điều trị bệnh dịch của Việt Nam có tỉ lệ tử vong thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á nhờ kinh nghiệm lâm sàng, nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện của các chuyên gia.

Sáng 26/12/2024, Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025 được tổ chức theo hình thực trực tiếp và trực tuyến, kết nối điểm cầu Bộ Y tế với các tỉnh, thành phố. Hội nghị do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam và Lifebuoy tổ chức.

Tại Hội nghị này, Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, đã nhấn mạnh kết quả điều trị bệnh dịch của Việt Nam có tỉ lệ tử vong thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á nhờ kinh nghiệm lâm sàng, nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện của các chuyên gia. Theo đó, ông Khoa nhận định mối lo ngại lớn nhất hiện nay tại nước ta là sốt xuất huyết, cũng như cúm mùa, vì đã có nhiều ca tử vong ở những người có bệnh nền hay phát hiện muộn. Bệnh cúm tăng ở một số địa phương nhưng tỉ lệ tử vong giảm, do phân tuyến cách ly, điều trị tại chỗ tốt.

“Không có ca tử vong về bệnh tay chân miệng trong năm qua là một thành công nhờ đưa ra các sáng kiến điều trị để phát hiện sớm dấu hiệu và ứng dụng thuốc, lọc máu để hạn chế tử vong. Tuy nhiên, tay chân miệng vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào” - ông Khoa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế

Ông Khoa cho biết thêm, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã chủ động cập nhật hướng dẫn, chỉ đạo phân tuyến phân luồng, thu dung, cách ly điều trị, phân loại nguy cơ để hạn chế lây lan và tử vong.

Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong thời gian tới, sở y tế các địa phương cần chủ động kế hoạch về giường bệnh, nhân lực, tập huấn, bảo đảm thuốc cho các dịch bệnh xảy ra hàng năm trên địa bàn.

Ngoài ra cần bảo đảm trang thiết bị hồi sức, khí ôxy, vật tư y tế như quả lọc, dịch lọc, hóa chất xét nghiệm; chủ động mua sắm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, kháng sinh dự phòng để chống dịch.

Các cục/vụ của Bộ Y tế cũng phối hợp tìm nguồn cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư; giải quyết vướng mắc, khó khăn của các địa phương trong thanh toán bảo hiểm y tế.

Theo đại diện Bộ Y tế, trong năm 2024 tình hình các bệnh truyền nhiễm trên phạm vi cả nước cơ bản được kiểm soát. Mặc dù vậy, một số bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng cao như sởi, ho gà, dại; sốt xuất huyết, bạch hầu tăng cao cục bộ tại một số địa phương.

Dự báo năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp. Trong đó, sốt xuất huyết là thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Nhân dịp hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024, Bộ Y tế kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn, dinh dưỡng đầy đủ, thực hiện lối sống lành mạnh để phòng, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm và đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp cùng ngành y tế, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, đoàn thể, cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Phòng Truyền thông y tế


Thăm dò ý kiến