Ứng dụng phương pháp FNA, người phụ nữ được phát hiện mắc ung thư tuyến giáp di căn
02/10/2024 | 14:49 PM
|
Phát hiện khối bất thường vùng cổ, đau nhẹ ngực trái, người phụ nữ được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Medlatec chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang giai đoạn IVB, hướng tới xâm lấn phần mềm, di căn hạch trung thất và phổi.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Medlatec, bệnh nhân là bà T.T.B (64 tuổi, Hà Nội). Khoảng 6 tháng nay, bà B xuất hiện khối vùng cổ, không nuốt nghẹn. Gần đây, bà có dấu hiệu đau nhẹ ngực trái. Tuy nhiên, các dấu hiệu khá mờ nhạt, không rõ ràng nên bà B. không đi khám bệnh.
Hình ảnh siêu âm tuyến giáp cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
Tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec, người phụ nữ này được bác sĩ thăm khám lâm sàng và thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quan trọng. Quá trình siêu âm tuyến giáp phát hiện khối thùy phải kích thước 3x4cm có dấu hiệu xâm lấn phần mềm lân cận. Nghi ngờ tổn thương ác tính, bác sĩ chỉ định sinh thiết tế bào bằng phương pháp chọc hút kim nhỏ (FNA), kết quả kết luận u tuyến giáp thể nang (nhóm IV).
Bên cạnh đó, kết quả chụp CT hàm mặt của bệnh nhân cho thấy khối u tuyến giáp xâm lấn sụn nhẫn, cơ ức đòn chũm phải. Hình ảnh chụp CT ngực phát hiện hạch bất thường tại trung thất trên và các nốt đặc rải rác nhu mô phổi hai bên. Kết quả chẩn đoán xác định bà B bị ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang giai đoạn IVB, hướng tới xâm lấn phần mềm, di căn hạch trung thất và phổi. Hiện tại, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp và điều trị xạ trị.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nga - Phòng Giải phẫu bệnh, khoa Xét nghiệm, cho biết ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang ít phổ biến hơn so với ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú (chỉ chiếm 6-10% các loại ung thư ở tuyến giáp), nhưng tính chất ác tính cao hơn, có xu hướng di căn toàn thân và tiên lượng xấu hơn. Ung thư thể nang có xu hướng lan rộng theo đường máu, 10-15% bệnh nhân ung thư nang sẽ biểu hiện bệnh di căn, thường gặp nhất là phổi, sau đó là xương.
“Khi khối u đã phát triển xâm lấn ra tổ chức lân cận và di căn đến các cơ quan khác, tỷ lệ sống sót sau 10 năm chỉ còn 38% so với 98% nếu ở giai đoạn xâm lấn tối thiểu. Chính vì thế, việc chẩn đoán sớm có vai trò quan trọng đến tiên lượng cũng như điều trị cho người bệnh”, bác sĩ Nga cho hay.
Theo chuyên gia này, mặc dù là bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới nhưng ung thư tuyến giáp cũng là một trong số ít những bệnh ung thư có thể chữa khỏi, tỷ lệ tử vong thấp. Ung thư tuyến giáp thường có tiên lượng tốt với khả năng điều trị khỏi bệnh cao nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và can thiệp điều trị kịp thời, đúng phương pháp.
Tuy nhiên, bác sĩ nhấn mạnh, ung thư tuyến giáp vẫn có nguy cơ tái phát trở lại sau khi bệnh nhân đã hoàn thành xong quá trình điều trị, ngay cả khi việc điều trị bệnh kết thúc từ 10 năm, hay 20 năm trước.
Ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, được phát hiện tình cờ thông qua thăm khám định kỳ.
Khi nhận thấy những bất thường của cơ thể, người dân cần tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám ngay. Đồng thời, bác sĩ khuyến cáo, người dân nên thiết lập thói quen khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/lần để phát hiện sớm các bệnh tiềm ần trong cơ thể, từ đó có kế hoạch điều trị kịp thời.
Đối với ung thư tuyến giáp, do triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, hoặc không có biểu hiện ở giai đoạn sớm nên người dân cần được thực hiện các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm chẩn đoán tế bào học để phát hiện bệnh và có hướng xử trí tiếp theo.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Cứu sống bệnh nhân nguy kịch do nhồi máu cơ tim cấp bằng ECMO trước can thiệp mạch vành
- Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm
- Ngành Y tế vượt, đạt nhiều chỉ tiêu về chăm sóc sức khoẻ
- Mổ cấp cứu thành cônng cho cụ bà 85 tuổi bị sốc nhiễm trùng do lạm dụng thuốc giảm đau
- Mệt mỏi, sụt cân, người đàn ông ở Hà Nội sốc khi được phát hiện căn bệnh không ngờ tới
- Bé gái 7 tuổi ở Tuyên Quang nhập viện gấp sau khi ăn cháo sáng
- Tầm soát ung thư vú