Trái ngọt sau khi quay về Việt Nam “tìm con”
09/07/2025 | 10:32 AM



Sau ba năm điều trị vô sinh ở nước ngoài thất bại, chị Phạm Thu Trang nghỉ việc, bay gần 10.000km về Việt Nam làm thụ tinh ống nghiệm, sinh con đầu lòng khỏe mạnh ở tuổi 36. Bé Lina chào đời khỏe mạnh, là “trái ngọt” sau nhiều năm mong mỏi của gia đình chị.
Bé Lina chào đời khỏe mạnh, là “trái ngọt” sau nhiều năm mong mỏi của gia đình chị Phạm Thu Trang.
Vợ chồng chị Phạm Thu Trang kết hôn từ 2017, định cư ở Đức, dự định ba năm sau sẽ có con. Năm 2020, khi tâm lý và kinh tế đã sẵn sàng, họ bắt đầu thả tự nhiên với nhiều hy vọng. Một năm chờ đợi vẫn không có tin vui, vợ chồng đặt lịch khám sức khỏe sinh sản tại một bệnh viện tại Đức. Các xét nghiệm ban đầu vẫn cho kết quả bình thường, tuy nhiên chụp cộng hưởng từ (MRI) ghi nhận chị Trang có lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung và buồng trứng hai bên, làm giảm khả năng thụ thai tự nhiên.
“Thời gian chờ đợi lâu, thủ tục làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) ở nước ngoài khá phức tạp, khiến quá trình điều trị kéo dài”, chị Trang chia sẻ ngày 22/6, thêm rằng việc mỗi lần tái khám lại gặp một bác sĩ khác khiến chị càng thêm bất an. Ba năm điều trị hiếm muộn ở nước ngoài, hai lần IVF nhưng đều thất bại, chị quyết định nghỉ việc, trở về Việt Nam tập trung cho hành trình tìm con.
Đầu tháng 2/2024, vợ chồng chị về nước, đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. “Có rất nhiều bệnh viện điều trị hiếm muộn, nhưng chúng tôi chọn đơn vị Hỗ trợ sinh sản nhiều năm liền nằm trong top trung tâm hỗ trợ sinh sản có tỷ lệ thành công cao nhất cả nước, ứng dụng AI chọn phôi và cá nhân hóa phác đồ điều trị cho từng ca bệnh”, chị Trang cho biết.
Qua thăm khám và xét nghiệm, PGS.TS.BS Lê Hoàng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội – cho biết người bệnh bị lạc nội mạc tử cung – một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau bụng kinh và có thể dẫn đến vô sinh do gây viêm dính, cản trở sự gặp nhau giữa tinh trùng và trứng.
Đây là tình trạng tế bào nội mạc tử cung phát triển ở ngoài buồng tử cung, có thể gặp tại buồng trứng, vòi trứng, bàng quang, ruột, phúc mạc… Như chị Trang, lớp niêm mạc tử cung thay vì chỉ ở bên trong lòng tử cung như bình thường, lại phát triển bên trong lớp cơ tử cung và buồng trứng hai bên, gây ra các triệu chứng như rong kinh, đau bụng kinh dữ dội, và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
PGS.TS.BS Lê Hoàng tư vấn chị Trang uống thuốc Dinogest trong 6 ngày để điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung và các triệu chứng liên quan như đau vùng chậu, đau bụng dữ dội vào kỳ kinh nguyệt. Tới ngày 23/3/2024, chị Trang được chỉ định dùng thuốc kích trứng lần đầu theo phác đồ Antagonist dưới sự theo dõi của bác sĩ Trần Thu Thủy và bác sĩ Phan Ngọc Quý.
Ngày 3/4/2024, PGS.TS.BS Lê Hoàng chọc hút noãn cho chị Trang, kết quả thụ tinh thu được hai phôi ngày 5 và một phôi ngày 6 chất lượng tốt. Tuy nhiên, vì chị Trang mắc lạc nội mạc tử cung có thể ảnh hưởng đến khả năng làm tổ và duy trì thai, các bác sĩ quyết định chưa chuyển phôi ngay.
Thay vào đó, người bệnh tiếp tục được điều trị ổn định bệnh lý bằng thuốc ức chế nội tiết. Đến tháng 8/2024, sau khi tái kiểm tra cho thấy các khối lạc nội mạc đã thu nhỏ rõ rệt, tử cung đủ điều kiện tiếp nhận phôi, chị Trang được chỉ định dùng thuốc nội tiết để chuẩn bị niêm mạc, tạo môi trường tối ưu cho phôi làm tổ.
Tháng 10/2024, BS.CKI Phan Ngọc Quý thực hiện chuyển một phôi ngày 5 chất lượng rất tốt vào buồng tử cung, chị Trang đậu thai ngay. Đến ngày 10/6/2025, chị Trang sinh một bé gái nặng 2,8kg bằng phương pháp mổ lấy thai tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
“Đó không chỉ là kết thúc của một hành trình gian nan, mà còn là sự khởi đầu của một cuộc sống mới, với tiếng khóc đầu đời của con yêu mà vợ chồng mình từng chỉ dám mơ về”, chị Trang bày tỏ.
Theo bác sĩ Quý, lạc nội mạc tử cung là bệnh lý phụ khoa phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp gây vô sinh hiếm muộn.
Tuy nhiên, do triệu chứng không điển hình, nhiều phụ nữ mất hàng chục năm mới được chẩn đoán. Các dấu hiệu thường gặp gồm đau bụng kinh dữ dội, đau khi quan hệ tình dục, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, đầy bụng hoặc buồn nôn, đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt. Mức độ biểu hiện có thể khác nhau tùy cơ địa, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên chủ động khám sớm nếu có triệu chứng nghi ngờ. Việc phát hiện và điều trị kịp thời giúp cải thiện cơ hội mang thai và giảm chi phí điều trị.
Hiện nay, tại cơ sở này, nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại trong chẩn đoán, nuôi cấy và chuyển phôi cá thể hóa, tỷ lệ có thai trung bình sau chuyển phôi đạt tỷ lệ có thai trung bình 78,7% (số liệu năm 2024); tỷ lệ này ở nhóm phụ nữ 28-35 tuổi là 84,3%, dưới 28 tuổi tỷ lệ này lên tới gần 85%. Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Gia đình 4 người mắc ung thư vú
- Trường hợp nào được hưởng quyền lợi bảo hiểm khi khám tại Bệnh viện Bạch Mai
- Cấp cứu kịp thời bệnh nhân sốc phản vệ do ong đốt
- Điều trị thành công ca viêm tụy cấp do mỡ máu cao gấp 37 lần ở người gầy
- Cứu sống bệnh nhân sốc nhiệt nặng trong nắng nóng đỉnh điểm
- Phát hiện trường hợp 4 thai tự nhiên hiếm gặp