Tầm soát và chẩn đoán ung thư phổi: Bước đầu ứng dụng AI trong thực hành tại Bệnh viện Bạch Mai
25/09/2024 | 16:11 PM
|
CÔNG NGHỆ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI) LÀ MỘT CÔNG CỤ HỖ TRỢ TIÊN TIẾN TRONG PHÁT HIỆN SỚM CÁC TỔN THƯƠNG VÀ NGHI NGỜ UNG THƯ. BỆNH VIỆN BẠCH MAI ĐÃ BƯỚC ĐẦU ỨNG DỤNG AI TRONG THỰC HÀNH TẦM SOÁT VÀ CHẨN ĐOÁN UNG THƯ PHỔI, MỘT TRONG NHỮNG CĂN BỆNH NGUY HIỂM HÀNG ĐẦU TRÊN THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM.
Chiều ngày 17/9/2024, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức Hội thảo khoa học và đào tạo Y khoa liên tục với chủ đề: “Tầm soát và chẩn đoán ung thư phổi - Bước đầu ứng dụng AI trong thực hành tại Bệnh viện Bạch Mai”. Các báo cáo viên là các chuyên gia đến từ khối cận lâm sàng và lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai.
Chủ tọa hội thảo - PGS.TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai đã nhấn mạnh: Bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam đa số được tiếp cận y tế, chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn muộn. Với sự hỗ trợ của nhiều phương pháp tiên tiến, trong đó có công nghệ trí tuệ nhân tạo hy vọng bệnh nhân được sàng lọc, chẩn đoán sớm để có những phác đồ điều trị hiệu quả.
Mở đầu hội thảo, Bác sĩ Vũ Thành Trung - Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai đã trình bày báo cáo: “Tầm soát và phát hiện sớm ung thư phổi, vai trò của cắt lớp vi tính liều thấp LDCT và ứng dụng trí tuệ nhân tạo”. Báo cáo đã đưa ra khuyến cáo: Đại đa số bệnh nhân ung thư phổi khi phát hiện thì đã ở giai đoạn tiến xa, vì thế việc tầm soát hàng năm đối với người có nguy cơ cao (Dựa vào độ tuổi, tình trạng hút thuốc và tiền sử ung thư phổi trong gia đình) là cần thiết. Các đối tượng có lịch sử hút thuốc 20 năm trở lên, hoặc người thuộc lứa tuổi từ 50 đến 75, có tiền sử ung thư phổi ở người thân bậc một. Sàng lọc bằng chụp cắt lớp vi tính có độ nhạy cao, giúp giảm tỷ lệ tử vong ung thư phổi, giúp thay đổi lối sống lành mạnh hơn, phát hiện các bệnh đi kèm như tuyến giáp, mạch vành, động mạch chủ, tuyến vú, tuyến thượng thận.
Bác sĩ Trung cũng đưa ra những kinh nghiệm chẩn đoán trong chụp cắt lớp vi tính như xem xét hình thái vôi hóa trong nốt, bờ viền của nốt, số lượng và phân bổ của nốt, tỷ trọng u mỡ trong phổi, sự tạo hang ... Bệnh viện Bạch Mai hiện nay đang bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong sàng lọc và chẩn đoán ung thư phổi. Bước tiến này sẽ giúp tầm soát nhanh chóng, chính xác và quản lý chặt chẽ tổn thương nghi ngờ ung thư phổi.
Trên lĩnh vực giải phẫu bệnh, BSCKII. Trần Văn Chương - Phó giám đốc Trung tâm Giải phẫu bệnh & Tế bào học, Bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra những phân loại ung thư phổi dựa trên hình thái tế bào học và hóa mô miễn dịch và các phương pháp khác: Ung thư biểu mô, ung thư trung biểu mô, ung thư biểu mô tuyến, ung thư tế bào vảy, ung thư tế bào nhỏ, u ác tính không rõ nguồn gốc, lan tràn u qua phế nang.... Tác giả đưa ra nhận định cần tiết kiệm mô với sinh thiết nhỏ để bệnh nhân có cơ hội được xét nghiệm các dấu ấn sinh học và có thể có đủ điều kiện cho liệu pháp nhắm đích hoặc liệu pháp miễn dịch. Việc chẩn đoán, phân loại, điều trị ung thư phổi cần phối hợp chặt chẽ đa chuyên khoa. Tại Bệnh viện Bạch Mai, đã và đang cập nhật giải phẫu bệnh kỹ thuật số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giúp cho việc sàng lọc, phát hiện, phân loại được kịp thời và nhanh nhạy hơn.
Sau hai báo cáo trên góc độ cận lâm sàng, PGS.TS Phan Thu Phương đã tham luận với chủ đề “Vai trò của bác sĩ hô hấp trong chẩn đoán ung thư phổi”. Trên thực tế cho thấy triệu chứng lâm sàng của ung thư phổi là đa dạng và không đặc hiệu, đa số bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Cần chú ý các yếu tố nguy cơ cao để đưa vào sàng lọc như: Hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động, phơi nhiễm phóng xạ, tiếp xúc amiang, các chất gây ung thư, ô nhiễm không khí, bệnh hô hấp... Việc phối hợp đa chuyên khoa luôn cần thiết, vai trò bác sĩ hô hấp thể hiện trong tầm soát cùng bác sĩ đa khoa tuyến cơ sở, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ ung bướu…. Hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong điều trị bổ trợ nhắm trúng đích và miễn dịch trong giai đoạn sớm giúp cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân. Tác giả cũng dành thời gian phân tích mối liên quan giữa COPD (Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) và ung thư phổi. Trên thế giới có khoảng 45% đến 63% bệnh nhân ung thư phổi mắc kèm COPD. Như vậy, bác sĩ hô hấp thường là người đầu tiên tiếp cận với bệnh nhân ung thư phổi, đánh giá nguy cơ và tầm soát ban đầu cho nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư phổi, tư vấn bệnh nhân cai thuốc, thực hiện các thủ thuật nội soi phế quản, siêu âm phế quản và nội phế quản, chọc dịch màng phổi để chẩn đoán ung thư phổi, phối hợp đa chuyên khoa để phân loại, điều trị tối ưu.
Với thế mạnh đa chuyên khoa uy tín hàng đầu, Bệnh viện Bạch Mai đã có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị cận lâm sàng và lâm sàng như điện quang, giải phẫu bệnh và tế bào học, hô hấp, ung bướu để sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư phổi. Các thầy thuốc đang phối hợp chặt chẽ để phát triển các mô hình AI, các thuật toán của AI trong việc sàng lọc và phát hiện ung thư, tận dụng thế mạnh của công nghệ AI vào quá trình tầm soát, chẩn đoán bệnh với phương châm AI không thay thế được bác sĩ, nhưng bác sĩ giỏi biết tận dụng lợi thế của AI thì sẽ trở thành tiên phong.
Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai
TẦM SOÁT VÀ CHẨN ĐOÁN UNG THƯ PHỔI: BƯỚC ĐẦU ỨNG DỤNG AI TRONG THỰC HÀNH TẠI BỆNH VIỆN BẠCH MAI - Cổng thông tin bệnh viện Bạch Mai (bachmai.gov.vn)
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Cứu sống bệnh nhân nguy kịch do nhồi máu cơ tim cấp bằng ECMO trước can thiệp mạch vành
- Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm
- Ngành Y tế vượt, đạt nhiều chỉ tiêu về chăm sóc sức khoẻ
- Mổ cấp cứu thành cônng cho cụ bà 85 tuổi bị sốc nhiễm trùng do lạm dụng thuốc giảm đau
- Mệt mỏi, sụt cân, người đàn ông ở Hà Nội sốc khi được phát hiện căn bệnh không ngờ tới
- Bé gái 7 tuổi ở Tuyên Quang nhập viện gấp sau khi ăn cháo sáng
- Tầm soát ung thư vú