Phương pháp tối ưu điều trị bệnh lý xuất huyết giảm tiểu cầu
17/11/2024 | 14:26 PM
|
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Huyết học và Truyền máu đã triển khai điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh lý huyết học ác tính và lành tính bao gồm xuất huyết giảm tiểu cầu với trên 10 năm kinh nghiệm, cùng với sự phối hợp chuyên môn đa chuyên khoa như: Hồi sức tích cực, Dinh dưỡng, Dược lâm sàng, Bệnh nhiệt đới, Hô Hấp, Tiêu hoá, Chẩn đoán hình ảnh…
Bác sĩ Trung tâm Huyết học và truyền máu thăm khám cho bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch đang điều trị tại Trung tâm
Bác sĩ CKII Phạm Liên Hương, Trung tâm Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay xuất huyết giảm tiểu cầu là một bệnh hiếm gặp, với tỷ lệ mắc khoảng 1 trên 10.000 người. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ em và phụ nữ.
Bệnh lý này có các dấu hiệu điển hình như xuất hiện các vết bầm tím không rõ nguyên nhân, xuất huyết dưới da, thể hiện qua các đốm đỏ nhỏ (petechiae) trên da, tiểu máu hoặc phân có máu, chảy máu chân răng hoặc mũi, kinh nguyệt kéo dài hoặc nhiều hơn bình thường…
Về nguyên nhân, theo bác sĩ Hương, có 3 nhóm gây nên căn bệnh này. Thứ nhất là tự miễn dịch. Tức hệ thống miễn dịch bị rối loạn tự sinh ra các kháng thể tấn công và phá hủy tiểu cầu.
Thứ hai, nguyên nhân xuất phát từ việc nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác. “Có thể do nhiễm trùng HIV, viêm gan hoặc vi khuẩn H. pylori (vi khuẩn gây tình trạng loét dạ dày). Ở trẻ em, giảm tiểu cầu có thể xuất hiện sau khi nhiễm virus như quai bị hoặc cúm. Hoặc là kết quả của các bệnh lý khác như lupus, bệnh lý từ tủy xương (suy tủy, lơ-xê-mi cấp…)”, bác sĩ Hương cho hay.
Cuối cùng là thuốc và vắc xin. Theo đó, một số thuốc và vắc xin có thể kích hoạt phản ứng tự miễn, dẫn đến giảm tiểu cầu miễn dịch.
Do đó, trẻ em sau nhiễm trùng virus; phụ nữ từ 20 - 40 tuổi; người có bệnh tự miễn khác như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp là những nhóm có nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới, đặc biệt trong độ tuổi sinh sản.
Nếu không được phát hiện và điều trị, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có thể dẫn đến chảy máu nghiêm trọng, bao gồm chảy máu não hoặc nội tạng, có thể gây tử vong. Chảy máu nội sọ là một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của bệnh.
Theo chuyên gia này, các xét nghiệm để xác định bệnh bao gồm:
Xét nghiệm công thức máu: Để kiểm tra số lượng tiểu cầu.
Tủy đồ: Đôi khi cần thiết để loại trừ các bệnh lý khác như bạch cầu cấp.
Xét nghiệm kháng thể kháng tiểu cầu: Để xác định sự hiện diện của kháng thể chống lại tiểu cầu.
Các xét nghiệm khác để loại trừ nguyên nhân thứ phát: Các xét nghiệm về virus ( HIV, HbsAg, HCV, CMV…), xét nghiệm bệnh hệ thống ( ANA, dsDNA, Coombs TT,GT…), test tìm vi khuẩn HP…
Vết bầm tím không rõ nguyên nhân là một trong những dấu hiệu của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch
“Hiện nay chưa có biện pháp phòng ngừa cụ thể cho giảm tiểu cầu miễn dịch do bệnh có nguyên nhân tự miễn. Tuy nhiên, nếu quản lý tốt các bệnh tự miễn khác và hạn chế sử dụng thuốc không cần thiết có thể sẽ giảm được những nguy cơ mắc bệnh”, bác sĩ Hương nói.
Theo bác sĩ Hương, hiện tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh lý xuất huyết giảm tiểu cầu có nhiều phương pháp điều trị tối ưu. Người mắc bệnh có thể được điều trị bằng corticosteroid giúp giảm phản ứng miễn dịch và tăng số lượng tiểu cầu.
Ngoài ra là Immunoglobulin truyền tĩnh mạch (IVIG), được sử dụng trong các trường hợp cấp tính để tăng nhanh số lượng tiểu cầu; thuốc đồng vận thụ thể thrombopoetin (Eltrombopag và Romiplostim) nhằm tác dụng kích thích tủy xương tạo tiểu cầu; Rituximab - kháng thể đơn dòng chống lại CD 20 ở tế bào lympho B, làm giảm sinh kháng thể chống tiểu cầu. Trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, người bệnh được cân nhắc phương án cắt lách.
Để phòng ngừa cũng như chủ động phát hiện sớm bệnh lý xuất huyết giảm tiểu cầu, bác sĩ Hương khuyến cáo người dân nên chú ý theo dõi sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu có tiền sử bệnh tự miễn hoặc triệu chứng nghi ngờ.
Với những người đã mắc bệnh lý này, chuyên gia cũng lưu ý nên cẩn thận tránh các hoạt động gân chấn thương dẫn đến nguy cơ chảy máu.
Đồng thời không tự ý dùng thuốc. “Tránh sử dụng aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu”, bác sĩ Hương cho hay.
Đặc biệt, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như xuất hiện các đốm đỏ, bầm tím không rõ nguyên nhân, hoặc chảy máu kéo dài, nên tìm kiếm sự tư vấn và điều trị kịp thời từ chuyên gia y tế. Bác sĩ cũng lưu ý với bệnh lý này, người bênh cần tìm khám và chữa trị đúng chuyên khoa.
“Người dân nên gặp bác sĩ chuyên khoa Huyết học hoặc Nội tổng quát để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị”, bác sĩ Hương lưu ý.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Ngành Y tế Tây Ninh: Hoàn thành chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 của Bộ Y tế
- Chọn lựa thực phẩm giàu dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe
- Mổ lấy thai thành công ca thắt nút dây rốn hiếm gặp
- Cấy chỉ là định hướng chuyên sâu về y học cổ truyền tại TP HCM
- Người phụ nữ 66 tuổi suýt chết vì thói quen chữa tiểu đường nhiều người Việt hay mắc phải
- Chia sẻ kinh nghiệm phục hồi, cải thiện mức độ vận động của khớp gối sau tái tạo dây chằng
- Hà Giang lần đầu phẫu thuật nội soi đặt lưới trên bệnh nhân bị sa sinh dục