Phẫu thuật thành công khối u gan do ung thư đường mật trên nền sỏi mật mạn tính
30/06/2025 | 05:30 AM



Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị thành công một ca ung thư đường mật hiếm gặp phát hiện trên nền sỏi mật mạn tính ở bệnh nhân nam 69 tuổi. Ca bệnh là lời cảnh báo về mối liên hệ giữa sỏi đường mật kéo dài và nguy cơ tiến triển thành ung thư.
Thời gian gần đây, các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa – Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện thành công một ca đại phẫu: cắt gan trái, mở ống mật chủ lấy sỏi, cứu sống bệnh nhân nam 69 tuổi, có tiền sử cắt túi mật cách đây 5 năm.
Theo thông tin từ bệnh viện, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ vùng thượng vị, vàng da củng mạc mắt, sụt cân 3kg trong vòng một tháng. Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ phát hiện tình trạng tắc mật do sỏi kích thước 12mm ở phần thấp ống mật chủ. Chỉ số bilirubin máu tăng cao (63 mmol/l, gấp 5 lần giới hạn bình thường).
Đặc biệt, trên phim chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ ghi nhận một khối tổn thương giảm tỷ trọng ở hạ phân thùy IV gan, kích thước 4x2cm, nghi ngờ tổn thương ác tính. Dù sinh thiết trước mổ cho kết quả là áp xe gan tăng sinh đường mật phản ứng, chỉ số chất chỉ điểm ung thư (CA 19-9) tăng nhẹ khiến các bác sĩ không thể loại trừ khả năng ung thư. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật can thiệp.
Trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện khối u gan có màu trắng ngà, sần sùi, mật độ chắc, nằm tại hạ phân thùy IV và lan một phần sang các phân thùy II và III. Đồng thời, có hiện tượng viêm sỏi phần thấp ống mật chủ, dịch mật chảy ra nhiều, vẩn đục và xuất hiện nhiều hạch vùng rốn gan – đầu tụy.
Toàn bộ khối u được lấy bỏ hoàn toàn cùng phần nhu mô gan trái với diện cắt âm tính. Sau phẫu thuật 5 ngày, bệnh nhân ổn định và được xuất viện. Kết quả giải phẫu bệnh xác định: ung thư biểu mô tuyến đường mật – một thể ung thư hiếm gặp nhưng có đặc điểm diễn tiến âm thầm và ác tính cao.
Các bác sĩ cảnh báo, sỏi đường mật vốn là bệnh phổ biến tại Việt Nam và các nước châu Á, nguyên nhân chủ yếu do nhiễm khuẩn, ăn uống không hợp vệ sinh, nhiễm giun chui ống mật. Mặc dù phần lớn sỏi chỉ gây ra các triệu chứng như đau quặn bụng, sốt, vàng da, nếu kéo dài không điều trị dứt điểm, sỏi có thể gây viêm mạn tính, làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đường mật.
Sỏi gây tổn thương cơ học do cọ xát vào thành ống mật. Đồng thời, sỏi làm ứ đọng dòng chảy mật, tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và tiết độc tố. Những độc tố này có thể gây hư hại DNA tế bào biểu mô đường mật, hoặc kích hoạt phản ứng viêm kéo dài, làm tăng sản xuất gốc tự do và nguy cơ đột biến gen.
Khi phản ứng viêm trở thành mạn tính, hệ miễn dịch địa phương dần suy yếu, giảm khả năng nhận diện và loại bỏ tế bào bất thường, từ đó tạo tiền đề cho các tế bào tiền ung thư phát triển thành khối u ác tính.
Ung thư đường mật ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh biểu hiện, nhiều người dễ nhầm lẫn với các rối loạn gan mật thông thường. Những người có tiền sử sỏi mật nên chú ý theo dõi và đi khám nếu có các triệu chứng sau:
-
Vàng da, vàng mắt tăng dần, không kèm sốt đau rõ rệt
-
Ngứa da toàn thân
-
Nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu
-
Đau bụng vùng hạ sườn phải hoặc thượng vị
-
Sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi
-
Sốt nhẹ kéo dài không rõ lý do
Ung thư đường mật là căn bệnh nguy hiểm, nhưng có thể kiểm soát nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Đối với những người có tiền sử sỏi mật, nhất là sỏi kéo dài hoặc tái phát, nên chủ động tầm soát định kỳ. Việc siêu âm gan mật, chụp CT, kiểm tra chức năng gan, xét nghiệm chỉ điểm ung thư… là những biện pháp hỗ trợ phát hiện sớm.
Tin liên quan
- Trí tuệ nhân tạo - giải pháp chiến lược trong nâng cao chất lượng y tế giai đoạn chuyển đổi số
- Bệnh viện Bạch Mai đồng hành thực hiện chủ trương miễn viện phí toàn dân
- Tiêm vắc xin cho người cao tuổi và bệnh nhân mạn tính: Hàng rào bảo vệ sức khỏe không thể thiếu
- Đám cưới giản dị trong phòng bệnh nặng
- Bệnh viện tỉnh thay máy tạo nhịp tim đồng bộ, giúp cụ ông 72 tuổi cải thiện sức khỏe ngay sau can thiệp
- Phẫu thuật thành công cứu nữ bệnh nhân bị kéo nhọn đâm xuyên não