Phấn đấu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030
30/08/2024 | 09:50 AM
|
Việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có ý nghĩa rất quan trọng, đây là một trong những giải pháp góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ nhằm thực hiện mục tiêu: Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Cán bộ y tế tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho các bà mẹ nhiễm HIV.
HIV là vi rút gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh, hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba đường lây truyền của HIV thường gặp và nếu được can thiệp sớm, chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp thì mỗi năm tại Việt Nam sẽ có hàng nghìn trẻ thoát khỏi HIV.
Tại Quảng Bình, thời gian qua, ngành Y tế không ngừng nỗ lực, tập trung củng cố mạng lưới giám sát, tư vấn, xét nghiệm sàng lọc cũng như điều trị ARV; quản lý phụ nữ mang thai và nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế, triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến xã; xây dựng quy trình kết nối chuyển gửi, phản hồi giữa các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản với cơ sở điều trị HIV/AIDS nhằm bảo đảm tất cả phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ đều được chuyển tiếp thành công đến cơ sở điều trị HIV.
Trưởng khoa Giám sát phòng, chống HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình (CDC tỉnh) Hà Văn Đồng cho biết: Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai từ năm 2007 đến nay, sau 17 năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, 100% bà mẹ mang thai nhiễm HIV đều được tư vấn điều trị ARV. Hàng năm, ngành Y tế đã triển khai các hoạt động xét nghiệm tại các cơ sở y tế khi có kết quả xét nghiệm khẳng định sẽ kết nối với dịch vụ điều trị ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Hơn 20 năm sống chung với HIV, chị V.T.H. ở TX. Ba Đồn vẫn sống khỏe mạnh, con trai chăm ngoan, học giỏi, điều mà bất cứ người mẹ nhiễm HIV nào cũng mơ ước. Chị đã từng suy sụp và nghĩ quẩn khi người chồng mất vì căn bệnh AIDS, bàng hoàng hơn khi chị cũng nhận tin mình đã bị lây nhiễm HIV từ chồng. Nhưng sau một thời gian điều trị thuốc kháng vi rút, sức khoẻ ổn định, cuộc sống chị H. vui vẻ trở lại, đặc biệt khi biết đứa con trai hoàn toàn khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Chị P.T.H. ở huyện Bố Trạch cũng lâm vào tình cảnh như chị V.T.H.. Chị rời quê vào miền Nam làm ăn và lấy chồng, lúc sinh con đầu lòng cả 2 vợ chồng đều không bị nhiễm HIV. Khi về quê chờ sinh con lần thứ 2, chị P.T.H. thường xuyên đau ốm, đến bệnh viện thăm khám sức khỏe và phát hiện bị nhiễm HIV. Được cán bộ y tế tư vấn tận tình, chị đã tham gia điều trị thuốc kháng vi rút ARV, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. May mắn đã đến với chị, đứa con thứ 2 không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Năm nay, cháu học lớp 8, ngoan ngoãn, mạnh khỏe, đã giúp đỡ mẹ nhiều việc trong cuộc sống hàng ngày.
Chị P.T.H. tâm sự: “Khi phát hiện căn bệnh tôi suy sụp nhiều lắm. Nhưng được mọi người, nhất là các y bác sĩ động viên, chia sẻ nên tôi cố gắng chung sống với căn bệnh để nuôi con khôn lớn. Cuộc sống tuy nghèo khó, vất vả nhưng bù lại tôi luôn được người thân, gia đình, bà con lối xóm yêu thương, giúp đỡ nên tinh thần vui vẻ, lạc quan, mạnh mẽ vượt qua mặc cảm, làm những việc có ích cho bản thân và gia đình”.
Để công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt hiệu quả, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện lồng ghép các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, triển khai hiệu quả tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ ngày 1-30/6 hàng năm nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng HIV lây truyền từ mẹ sang con sớm, nhất là phụ nữ mang thai, phụ nữ có chồng nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình và xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Phó Giám đốc CDC tỉnh Nguyễn Anh Đông cho biết: Trong quá trình lây truyền HIV từ mẹ sang con thường diễn ra 3 giai đoạn: Trong quá trình mang thai chiếm tỷ lệ 5-10%; trong quá trình sinh đẻ (quá trình này tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cao nhất); quá trình cho con bú, trẻ có thể bị viêm nhiễm về răng miệng, lợi nên nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con qua những tổn thương đó.
“Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu phát hiện sớm, điều trị sớm, đúng lúc, đúng phác đồ thì phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng trên thực tế vẫn còn những phụ nữ không biết mình mắc HIV, vì vậy cần đẩy mạnh công tác truyền thông trong cộng đồng. Do đó, cần tập trung đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cộng đồng để người nhiễm HIV là phụ nữ mang thai tự nguyện đi thực hiện các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng và dự phòng lây truyền HIV trong cộng đồng nói chung, hướng tới loại trừ HIV lây truyền từ mẹ sang con vào năm 2030”, bác sĩ Nguyễn Anh Đông nhấn mạnh.
Nguồn: CDC Quảng Bình
https://cdcquangbinh.gov.vn/index.php/ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-chuy%C3%AAn-m%C3%B4n/ph%C3%B2ng,-ch%E1%BB%91ng-hiv-aids/4266-ph%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BA%A5u-lo%E1%BA%A1i-tr%E1%BB%AB-l%C3%A2y-truy%E1%BB%81n-hiv-t%E1%BB%AB-m%E1%BA%B9-sang-con-v%C3%A0o-n%C4%83m-2030.html
Phòng Truyền thông Y tế -Văn phòng Bộ
Tin liên quan
- Phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u gan cho người đàn ông lớn tuổi
- Phẫu thuật nội soi cùng lúc cắt gan, đóng hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân ung thư di căn gan
- Phẫu thuật cho người phụ nữ bị thai bám ở sẹo mổ
- Tình cờ đi khám và phát hiện mắc u tủy thượng thận thể hiếm gặp
- Bác sĩ khuyến cáo không chủ quan với trầm cảm ở trẻ em
- Liên tiếp trẻ nhập viện do hóc dị vật đường thở
- Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ: Cảnh báo từ việc pha Oresol không đúng cách