Nội soi cầm máu thành công cho bé trai xuất huyết tiêu hoá do loét tá tràng
09/10/2024 | 15:10 PM
|
Mới đây, ê kíp nội soi Tiêu hoá của Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh, đã tiến hành nội soi kẹp clip cầm máu thành công cho một bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hoá nặng do loét tá tràng.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, trường hợp này là bé trai H.G.H. (13 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh). Theo đó, bé H. được chuyển từ tuyến trước vì ói ra máu và đi tiêu phân đen lượng nhiều. Bé trai này được truyền dịch, truyền máu và tiến hành nội soi cấp cứu. Qua nội soi thấy ổ loét lớn có máu tươi phun thành tia ở tá tràng.
Bé được truyền dịch, truyền máu và tiến hành nội soi cấp cứu
Ê kíp nội soi gồm bác sĩ Hồ Quốc Pháp và điều dưỡng Huỳnh Trung Tín đã tiến hành dùng clip kẹp kết hợp tiêm cầm máu ổ loét. Sau 30 phút thực hiện, bệnh nhân đã ngưng xuất huyết.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó trưởng khoa Tiêu hoá, cho hay xuất huyết tiêu hoá do viêm loét dạ dày tá tràng càng ngày nhiều trên đối tượng ở trẻ em. Hàng năm, khoa Tiêu hóa tiếp nhận gần 1.000 bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng được nội soi chẩn đoán và điều trị.
Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng bệnh lý viêm và mất tổ chức niêm mạc có giới hạn ở phần ống tiêu hoá có bài tiết acid và pepsin. Bệnh thường bị bỏ qua do người lớn lầm tưởng trẻ mắc các bệnh tiêu hoá thông thường như rối loạn tiêu hoá, đau bụng giun,...
Theo các chuyên gia y tế, viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em là căn bệnh khá phổ biến, mặc dù không gây nguy hiểm tính mạng ngay lập tức nhưng về lâu dài, bệnh nếu không được điều trị theo đúng phác đồ sẽ gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Ổ loét trước và sau cầm máu cho bé trai H.G.H
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ thêm nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng trường gặp nhất ở trẻ em là do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori. Trong số đó, có nhiều bệnh nhi cần được nội soi can thiệp cầm máu.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, ê kíp nội soi thường trực 24/7, thực hiện tất cả các trường hợp cần nội soi cấp cứu. Bác sĩ Thủy cũng khuyến cáo, các phụ huynh cần đưa trẻ thăm khám và tầm soát các trường hợp có các biểu hiện như: đau bụng kéo dài, ợ ói, buồn nôn, xanh xao, thiếu máu dai dẳng, sụt cân, chậm tăng trưởng không rõ nguyên nhân, ói máu hay tiêu phân đen.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Cứu sống bệnh nhân nguy kịch do nhồi máu cơ tim cấp bằng ECMO trước can thiệp mạch vành
- Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm
- Ngành Y tế vượt, đạt nhiều chỉ tiêu về chăm sóc sức khoẻ
- Mổ cấp cứu thành cônng cho cụ bà 85 tuổi bị sốc nhiễm trùng do lạm dụng thuốc giảm đau
- Mệt mỏi, sụt cân, người đàn ông ở Hà Nội sốc khi được phát hiện căn bệnh không ngờ tới
- Bé gái 7 tuổi ở Tuyên Quang nhập viện gấp sau khi ăn cháo sáng
- Tầm soát ung thư vú