Loét chân suốt 2 năm, người đàn ông được các bác sĩ chỉ ra nguyên nhân bất ngờ
07/11/2024 | 21:09 PM
|
Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đơn vị này vừa tiếp nhận và tìm ra nguyên nhân cho một nam bệnh nhân bị lở loét chân nhiều năm. Từ đó, các bác sĩ đã đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Cụ thể, khoảng 2 năm nay, ông H.X.D. (quê Thái Nguyên) bị đau nhức kèm tổn thương cẳng bàn chân 2 bên. Người đàn ông đã đi khám và thực hiện nhiều xét nghiệm. Khi được chẩn đoán bị viêm mạch hoại tử, ông D. đã điều trị nhiều đợt, tổn thương có giảm bớt nhưng chưa khỏi hoàn toàn.
Mới đây, tổn thương ở chân lại tái phát. Ông D. đến khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, khám với đôi chân rớm dịch kèm theo những đám u hạt nhỏ có vảy tiết tại mặt trước cẳng chân trái và mặt ngoài cổ chân phải. Các bác sĩ đã thăm khám và nghi ngờ người bệnh có tổn thương do nấm.
Đôi chân lở loét do nhiễm nấm của người bệnh. Ảnh: BVCC.
Bệnh nhân D. được chỉ định làm các xét nghiệm nhuộm soi, nuôi cấy nấm và vi khuẩn với kết quả nhiễm nấm Candida parapsilosis - một loại nấm hiếm gặp với dưới 0,01% dân số mắc phải.
Người đàn ông này được chẩn đoán mắc u hạt do nhiễm nấm Candida Parapsilosis, được điều trị Corticoid kết hợp với kháng sinh để giảm tiết dịch, sưng đỏ và thuốc bôi kháng nấm.
Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện, các tổn thương trên da đã cải thiện rõ rệt, đỡ sùi và khô se hơn.
Theo Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, nấm andida parapsilosis là loại nấm sống trên da và trong đường tiêu hóa của con người. Đa phần, chúng không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu loại nấm này xâm nhập vào vết thương, chúng có thể gây nhiễm trùng máu và các cơ quan nội tạng khác, được gọi là bệnh nấm Candida xâm lấn.
Các triệu chứng của nhiễm trùng do nấm phụ thuộc vào vị trí mà nấm xâm nhập trong cơ thể. Dễ thấy nhất là các biểu hiện:
-
Sốt
-
Rùng mình
-
Hụt hơi
-
Ho
-
Đau bụng
-
Đỏ, sưng hoặc ngứa tại vị trí phẫu thuật hoặc chấn thương
Đối với bệnh lý do nấm gây ra, nếu không xảy ra các biểu hiện lâm sàng điển hình thì chưa cần điều trị. Do đó, khi có các biểu hiện nghi ngờ, người dân cần đi đến các cơ sở y tế để khám và được tư vấn điều trị phù hợp.
Người dân cũng cần điều trị sớm và tuân thủ kế hoạch điều trị, đặc biệt, không tự ý mua và sử dụng thuốc, thay đổi liều lượng hoặc ngừng điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u gan cho người đàn ông lớn tuổi
- Phẫu thuật nội soi cùng lúc cắt gan, đóng hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân ung thư di căn gan
- Phẫu thuật cho người phụ nữ bị thai bám ở sẹo mổ
- Tình cờ đi khám và phát hiện mắc u tủy thượng thận thể hiếm gặp
- Bác sĩ khuyến cáo không chủ quan với trầm cảm ở trẻ em
- Liên tiếp trẻ nhập viện do hóc dị vật đường thở
- Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ: Cảnh báo từ việc pha Oresol không đúng cách