Hy hữu: Người bệnh cùng lúc bị sỏi mật gây tắc ống mật và giun trong đường mật

22/07/2025 | 22:39 PM

 | 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận và điều trị thành công một trường hợp bệnh lý hiếm gặp: người bệnh đồng thời mắc sỏi mật gây tắc ống mật chủ và có giun trong đường mật – tình trạng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời. Đây không chỉ là một ca bệnh đặc biệt mà còn là minh chứng rõ nét cho năng lực chuyên môn và sự phát triển kỹ thuật y tế hiện đại tại bệnh viện tuyến tỉnh.

Hình ảnh bác sĩ Lê Quốc Quân – Khoa Ngoại tiêu hóa – Gan mật đang thăm khám cho người bệnh sau khi được tán sỏi đường mật qua da bằng laser

Đau bụng âm ỉ hóa nguy hiểm: phát hiện bất thường trong đường mật

Người bệnh là bà B.T.M, 71 tuổi, trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Trước khi nhập viện, bà xuất hiện các triệu chứng đau tăng dần vùng thượng vị và hạ sườn phải – những dấu hiệu tưởng chừng chỉ là rối loạn tiêu hóa thông thường. Tuy nhiên, tình trạng kèm theo vàng da ngày càng rõ và cơ thể mệt mỏi khiến người bệnh không thể ăn uống, sinh hoạt bình thường. Nhận thấy bất thường, gia đình đã đưa bà đến Khoa Nội Hô hấp – Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để thăm khám.

Qua quá trình xét nghiệm, siêu âm, chụp cắt lớp và các cận lâm sàng khác, bác sĩ xác định người bệnh bị nhiễm trùng đường mật do tắc nghẽn bởi sỏi nằm tại ống mật chủ – một tình trạng không hiếm gặp ở người cao tuổi, nhất là nữ giới. Ngay lập tức, bà M được chuyển đến Khoa Ngoại Tiêu hóa – Gan mật để tiến hành dẫn lưu đường mật qua da, giảm áp lực đường mật và kiểm soát nhiễm trùng.

Sau 5 ngày điều trị tích cực bằng kháng sinh và dẫn lưu, tình trạng nhiễm trùng và tắc mật đã cải thiện rõ rệt. Ekip điều trị tiếp tục chỉ định can thiệp bằng phương pháp tán sỏi đường mật qua da bằng laser – kỹ thuật hiện đại đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện thường quy trong những năm gần đây.

Đây là phương pháp ít xâm lấn, không cần mổ mở, sử dụng năng lượng laser để phá vỡ viên sỏi trong hệ thống đường mật thông qua đường hầm nhỏ xuyên da từ 3 – 5 mm. Với sự hỗ trợ của hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), siêu âm trong mổ và camera nội soi, bác sĩ có thể quan sát và xử lý trực tiếp mọi tổn thương trong hệ thống gan mật.

“Vị khách không mời” trong ống mật: Giun đũa dài 15cm

Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra trong quá trình thực hiện thủ thuật: các bác sĩ phát hiện có một con giun nằm trong ống mật chủ của người bệnh. Đây là tình huống rất hiếm gặp và tiềm ẩn nguy cơ lớn. Giun chui vào ống mật không chỉ gây tổn thương mô mà còn làm gia tăng mức độ nhiễm trùng, cản trở việc xử lý sỏi và đe dọa trực tiếp đến tính mạng nếu không được loại bỏ nhanh chóng.

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của ekip giàu kinh nghiệm, cùng trang thiết bị hiện đại, các bác sĩ đã nhanh chóng loại bỏ thành công dị vật là con giun đũa dài khoảng 15cm và đồng thời làm sạch hệ thống đường mật. Ca tán sỏi – lấy giun diễn ra suôn sẻ và an toàn, không để lại biến chứng.

Sau thủ thuật, bà M đã hồi phục tốt, cảm giác đau giảm rõ rệt, ăn uống bình thường trở lại và tinh thần ổn định. Hiện tại, người bệnh đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định, không còn dấu hiệu nhiễm trùng hay tắc nghẽn đường mật.

ThS.BS Trần Thanh Tùng – Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa – Gan mật chia sẻ: “Trường hợp người bệnh B.T.M là một ca rất hiếm gặp. Nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm mủ đường mật, áp xe gan, sốc nhiễm trùng, thậm chí tử vong”.

 

Tán sỏi qua da bằng laser: Bước tiến vượt bậc trong điều trị bệnh lý gan mật

Hình ảnh ThS.BS Trần Thanh Tùng và ekip thực hiện tán sỏi đường mật qua da bằng laser tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Tán sỏi đường mật qua da bằng laser không chỉ là một kỹ thuật cao mang lại hiệu quả vượt trội mà còn là giải pháp tối ưu cho các trường hợp phức tạp như sỏi mật trong gan, sỏi mật tái phát sau phẫu thuật, hoặc như trường hợp kết hợp với giun trong ống mật. Phương pháp này đem lại nhiều lợi ích nổi bật:

Hạn chế xâm lấn, giảm đau đớn cho người bệnh

Hồi phục nhanh, ít biến chứng sau can thiệp

Rút ngắn thời gian nằm viện

Không cần mổ mở, giảm nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, kỹ thuật này được thực hiện đồng bộ tại hệ thống phòng mổ hiện đại, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa: Ngoại tiêu hóa – Gan mật, Trung tâm Điện quang can thiệp và Gây mê hồi sức. Nhờ đó, hàng trăm người bệnh đã được điều trị thành công, không phải chuyển lên tuyến Trung ương.

Thành công từ ca bệnh của bà M một lần nữa khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống y tế tuyến tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại tiêu hóa – gan mật. Việc triển khai thường quy kỹ thuật tán sỏi qua da bằng laser tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã giúp người dân trong tỉnh và khu vực lân cận được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, giảm chi phí và thời gian điều trị.

Bác sĩ Trần Thanh Tùng khuyến cáo: “Khi có biểu hiện như đau bụng vùng thượng vị, vàng da, sốt, ăn uống kém, người dân không nên chủ quan. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý đường mật nguy hiểm, cần được khám và điều trị sớm tại các cơ sở y tế có đủ năng lực chuyên môn”.

Sỏi mật và giun chui ống mật – hai “kẻ xâm nhập” tưởng như riêng rẽ, lại có thể cùng lúc gây tổn thương nghiêm trọng cho người bệnh. Trường hợp của bà M là lời nhắc nhở quan trọng về việc theo dõi sức khỏe định kỳ, giữ gìn vệ sinh ăn uống và không tự ý điều trị khi chưa có chỉ định chuyên môn.

Phòng truyền thông Y tế


Thăm dò ý kiến