Gia đình 4 người mắc ung thư vú
09/07/2025 | 10:39 AM



Phát hiện ung thư vú giai đoạn 3, chị T.H.N. (41 tuổi, Bình Dương) là người thứ tư trong gia đình mắc căn bệnh này, sau dì ruột, em họ và chị gái. Nhờ điều trị kịp thời bằng hóa trị, phẫu thuật tích hợp và xạ trị, chị đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm.
Bác sĩ Tấn và ê kip phẫu thuật cho người bệnh.
Mới đây, chị T.H.N. (41 tuổi, Bình Dương) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám vì phát hiện u ngực phải ngày càng to và đau. Trước đó một năm, chị đã thấy khối u nhưng nghĩ là lành tính nên không đi kiểm tra.
Tại Khoa Ngoại Vú – Đầu Mặt Cổ, ThS.BS CKI Huỳnh Bá Tấn nhận thấy khối u cứng, chắc, kích thước khoảng 5cm, nghi ngờ ác tính. Kết quả siêu âm và nhũ ảnh cho thấy khối u có mạch máu nuôi. Sinh thiết xác nhận chị N. mắc ung thư vú giai đoạn 3, thể nội tiết.
Đáng chú ý, gia đình chị có tới ba người thân từng mắc ung thư vú: dì ruột phát hiện bệnh năm 2010, em họ năm 2018 và chị gái ruột năm 2019 khi mới 45 tuổi. Xét nghiệm gen không ghi nhận đột biến BRCA1/2 nhưng theo bác sĩ Tấn, nguy cơ mắc bệnh của chị N. vẫn cao do có nhiều người thân cấp 1 và 2 từng mắc ung thư vú, đồng thời phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Chị được điều trị hóa chất trước phẫu thuật để làm nhỏ khối u, sau đó phẫu thuật tích hợp “5 trong 1”: cắt tuyến vú ung thư, đoạn nhũ phòng ngừa bên đối diện, nạo hạch nách, cắt nội soi hai buồng trứng và tái tạo vòng một bằng túi ngực. Cuộc mổ kéo dài 6 tiếng, giúp chị tránh được nhiều ca phẫu thuật sau này, tăng hiệu quả điều trị và hỗ trợ về mặt tâm lý.
Sau phẫu thuật, chị tiếp tục xạ trị và điều trị nội tiết để giảm nguy cơ tái phát. Hiện sức khỏe ổn định.
Theo bác sĩ Tấn, có khoảng 5% người mắc ung thư vú có yếu tố gia đình. Phụ nữ có mẹ, chị gái hoặc con gái mắc ung thư vú dưới 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi bình thường. Việc phát hiện sớm và điều trị tích cực giúp tăng tỷ lệ sống và chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ từ 40 tuổi nên tầm soát ung thư vú định kỳ hàng năm. Riêng người có nguy cơ cao cần khám sớm hơn, tốt nhất trước 10 năm so với độ tuổi người thân từng phát hiện bệnh. Trong gia đình có mẹ bị ung thư vú, con gái nên đi tầm soát ung thư sớm trước 10 tuổi so với độ tuổi mẹ phát hiện ung thư. Theo các bác sĩ, phát hiện sớm giúp can thiệp kịp thời, giảm nguy cơ tái phát và nâng cao cơ hội sống khỏe mạnh, lâu dài sau điều trị.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Trường hợp nào được hưởng quyền lợi bảo hiểm khi khám tại Bệnh viện Bạch Mai
- Cấp cứu kịp thời bệnh nhân sốc phản vệ do ong đốt
- Trái ngọt sau khi quay về Việt Nam “tìm con”
- Điều trị thành công ca viêm tụy cấp do mỡ máu cao gấp 37 lần ở người gầy
- Cứu sống bệnh nhân sốc nhiệt nặng trong nắng nóng đỉnh điểm
- Phát hiện trường hợp 4 thai tự nhiên hiếm gặp