Cứu sống bé trai một ngày tuổi nguy kịch vì hạ đường huyết
17/11/2024 | 14:31 PM
|
Sau khi chào đời được 7 giờ, bé trai xuất hiện tình trạng tím tái, bú kém, phản xạ chậm. Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bác sĩ chẩn đoán bé nhiễm trùng sơ sinh, hạ đường huyết.
Theo thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, may mắn, sau 30 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi ổn định, đường huyết bình thường, tự thở, bú khá lên cân tốt và được xuất viện.
|
Trẻ sơ sinh được điều trị tích cực sau sinh. Ảnh: BVCC. |
Bác sĩ Nguyễn Thị Trúc, khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ Sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho biết bé trai 1 ngày tuổi là con của sản phụ H.T.T.T. (trú tại Quỳnh Lưu), được chẩn đoán mắc bệnh lý hạ đường huyết dai dẳng.
Bé trai được sinh thường, đủ tháng, cân nặng 2,2 kg. Sau sinh trẻ khóc, tự thở, phản xạ khá. Tuy nhiên 7 giờ sau sinh, bệnh nhi xuất hiện tím tái, bú kém, phản xạ chậm.
Trẻ ngay lập tức được chuyển sang khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị với chẩn đoán suy hô hấp của trẻ sơ sinh, nhiễm trùng sơ sinh, hạ đường huyết.
Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng xử trí các tình trạng cần cấp cứu, điều chỉnh đường huyết bằng cách duy trì dịch truyền có nồng độ và tốc độ cao, hỗ trợ bú mẹ, điều trị nguyên nhân.
Sau 30 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi ổn định, đường huyết bình thường, tự thở, bú khá lên cân tốt và được xuất viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Trúc, trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết có nghĩa là lượng đường trong máu thấp hơn mức bình thường. Nếu không được điều trị, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của trẻ.
Tình trạng này kéo dài sẽ gây tổn thương não của trẻ, nặng hơn có thể tử vong. Những trẻ có nguy cơ hạ đường huyết là trẻ được sinh ra từ người mẹ bị bệnh đái tháo đường, trẻ cân nặng khi sinh, cân nặng thấp hơn so với tuổi thai, đẻ non.
Qua trường hợp này, bác sĩ Trúc khuyến cáo đối với trẻ sơ sinh nên cho bú sớm, ngay sau đẻ để phòng tránh hạ đường huyết. Với những trẻ sinh ra quá nhẹ cân, cho trẻ tiếp xúc da kề da ngay sau đẻ để chống hạ thân nhiệt.
Riêng với mẹ có tiền sử bệnh tiểu đường, cần phải có chế độ ăn nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ trước trong và sau khi sinh. Bên cạnh đó, việc đi khám định kỳ sẽ giúp sản phụ cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn cho bé, đồng thời có thể phòng tránh một số bệnh không mong muốn cho sản phụ.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Ngành Y tế Tây Ninh: Hoàn thành chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 của Bộ Y tế
- Chọn lựa thực phẩm giàu dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe
- Mổ lấy thai thành công ca thắt nút dây rốn hiếm gặp
- Cấy chỉ là định hướng chuyên sâu về y học cổ truyền tại TP HCM
- Người phụ nữ 66 tuổi suýt chết vì thói quen chữa tiểu đường nhiều người Việt hay mắc phải
- Chia sẻ kinh nghiệm phục hồi, cải thiện mức độ vận động của khớp gối sau tái tạo dây chằng
- Hà Giang lần đầu phẫu thuật nội soi đặt lưới trên bệnh nhân bị sa sinh dục