Cắt trọn u cường giáp tái phát cho bệnh nhân 65 tuổi, bảo tồn dây thanh quản
12/07/2025 | 10:25 AM



Ông T.V.H. (65 tuổi, TP.HCM) vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM phẫu thuật thành công loại bỏ khối u tuyến giáp tái phát, giúp ông thoát khỏi tình trạng hụt hơi, run tay, mệt mỏi kéo dài.
Đáng chú ý, toàn bộ khối u được lấy trọn vẹn, an toàn, bảo tồn hoàn toàn dây thần kinh thanh quản – yếu tố quan trọng giúp người bệnh giữ được giọng nói sau mổ.
Bác sĩ Trông và ê kíp phẫu thuật cho ông H.
Ông H. bị cường giáp hơn 20 năm, từng mổ cắt tuyến giáp năm 2014. Sau mổ, các triệu chứng tim đập nhanh, khó thở, mệt mỏi cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, sau 5 năm, khối u mới xuất hiện trở lại, ban đầu chỉ nhỏ bằng hạt đậu, sau lớn dần như trái ổi, gây sưng đau, khó thở, phải uống thuốc kháng giáp kéo dài.
Tại Khoa Ngoại Vú – Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông xác định ông bị cường giáp tái phát, cần can thiệp phẫu thuật. Theo bác sĩ Trông, phẫu thuật cắt bướu cường giáp tái phát phức tạp gấp nhiều lần so với ca mổ đầu, do mô sẹo từ lần mổ trước làm thay đổi giải phẫu, u bám chặt mô lành, dễ chảy máu và gây tổn thương dây thần kinh thanh quản nếu không bóc tách chính xác.
Trước mổ, bệnh nhân được điều trị kháng giáp trong 3 tháng để ổn định hormone tuyến giáp, giảm sưng đau và bình thường hóa nhịp tim. Khi vào phẫu thuật, dù bướu không còn sưng, ekip vẫn gặp khó khăn do u lớn, bám sâu, mô dính nhiều. Các bác sĩ phải sử dụng thiết bị cầm máu hiện đại, bóc tách từng lớp mô cẩn trọng, tránh làm tổn thương dây thần kinh và tuyến cận giáp.
Ca mổ kéo dài gần 4 giờ – gấp đôi thời gian của một cuộc mổ giáp thông thường. Kết quả, toàn bộ khối u được bóc sạch, không làm vỡ u, không gây tổn thương các cấu trúc quan trọng. Sau 12 giờ theo dõi, ông H. tỉnh táo, hô hấp ổn định, đi lại nhẹ nhàng, không còn triệu chứng hụt hơi, mệt mỏi như trước.
Chia sẻ sau mổ, ông xúc động: “Trước đây tôi cứ nghĩ sống chung với bướu cũng được, nhưng giờ thấy mình nhẹ nhõm, thở dễ, tôi mới biết thế nào là sống khỏe. Cảm ơn bác sĩ Trông đã giúp tôi qua ca phẫu thuật an toàn”.
Theo bác sĩ Trông, cường giáp hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Khi thấy các dấu hiệu như cổ sưng, mệt mỏi, khó thở, hồi hộp kéo dài, người dân nên đến khám tại các chuyên khoa nội tiết hoặc đầu mặt cổ để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp. Trong trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc tái phát, phẫu thuật là lựa chọn cần thiết, đặc biệt nếu u gây chèn ép hoặc nguy cơ biến chứng tim mạch.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Người mẹ 49 tuổi sinh con sau 22 năm
- Kích thích từ trường xuyên sọ: Cánh cửa hy vọng cho bệnh nhân tâm thần kháng trị
- Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn: Phẫu thuật nội soi cho người bệnh 96 tuổi mắc ung thư đầu tụy
- Cứu sống bệnh nhân suy tim với khối u tuyến giáp hiếm gặp chèn ép khí quản
- Ghép da từ mẹ cứu sống bé trai bỏng nặng 60% cơ thể
- Bé gái đau bụng 3 ngày, đi khám phát hiện bị tắc ruột non do mắc ung thư đường tiêu hóa Ba ngày bí đại tiện, đau bụng âm ỉ quanh rốn tăng dần, bé gái 10 tuổi được gia đình đưa