Cấp cứu người đàn ông ngộ độc hoa chuông
17/11/2024 | 14:33 PM
|
Theo thông tin từ bác sĩ Nguyễn Thành Đô - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, bệnh nhân là anh Đ 39 tuổi, địa chỉ tại Tràng Các – Văn Quan.
Người đàn ông này được đưa vào Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc ngày 14/11. Khai thác tiền sử cho thấy khoảng 19h cùng ngày, người bệnh cùng gia đình ăn hoa chuông. Sau đó, một người cùng ăn xuất hiện nôn nhiều, yếu tứ chi, gọi hỏi không trả lời. Anh Đ đưa bạn đi cấp cứu, trên đường đi hoa mắt, yếu cơ tứ chi sau tự ngã xe, bất tỉnh, được người nhà đưa đến Bệnh viện.
Lúc vào viện, bệnh nhân Đ hôn mê, da lạnh, tím tái toàn thân, vùng bẹn chảy máu, tràn khí dưới da vùng cổ, ngực, tay và thành bụng hai bên, bệnh nhân được chẩn đoán Ngộ độc hoa chuông – Tràn khí màng phổi – Chấn thương vùng bẹn bìu. Hiện tại, bệnh nhân đang được thở máy, điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc. Người bạn cùng ăn hoa chuông hiện tại tỉnh, sức khoẻ tiến triển tốt và có thể xuất viện.
Bác sĩ Đô cũng cho biết cách đây vài năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận trường hợp ngộ độc do ăn hoa chuông (trường hợp 3 bệnh nhân trong cùng một gia đình). Đến nay, tình trạng này lại xuất hiện bởi cây hoa chuông là loại cây dại, khá phổ biến ở Lạng Sơn.
Hiện tại, bệnh nhân Đ đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc
Cây hoa chuông có tên gọi khoa học là Scopolamine, là loại cây thân thảo, có hoa trông giống như hoa loa kèn, có màu trắng và vàng. Loại cây này thường được nhiều người thường lấy về trồng làm cảnh. Tuy nhiên, tất cả các bộ phận của loài hoa này đều chứa độc tố, có thể gây ngộ độc cho người tiếp xúc.
Độc tính của cây hoa chuông là do một số loại alkaloid trong lá, hoa và hạt. Các hợp chất này có thể ức chế hệ thần kinh và ảnh hưởng đến tim, hệ tiêu hóa… Do đó khi bị ngộ độc thường có biểu hiện: nhẹ thì đau đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, nôn…Trong trường hợp ngộ độc nặng, nạn nhân có thể bị rối loạn tri giác, có ảo giác, kích thích, vật vã, hôn mê, môi và tứ chi tím tái, suy hô hấp… và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không hái các loại hoa, cây rừng về ăn hoặc làm thuốc khi chưa hiểu rõ về độc tính của cây để tránh xảy ra tai nạn. Trường hợp phát hiện có người không may ăn nhầm, dấu hiệu ngộ độc, cần dùng biện pháp sơ cứu nôn tại chỗ, sau đó đưa đến cơ sở y tế nên gần nhất xử trí để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Ngành Y tế Tây Ninh: Hoàn thành chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 của Bộ Y tế
- Chọn lựa thực phẩm giàu dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe
- Mổ lấy thai thành công ca thắt nút dây rốn hiếm gặp
- Cấy chỉ là định hướng chuyên sâu về y học cổ truyền tại TP HCM
- Người phụ nữ 66 tuổi suýt chết vì thói quen chữa tiểu đường nhiều người Việt hay mắc phải
- Chia sẻ kinh nghiệm phục hồi, cải thiện mức độ vận động của khớp gối sau tái tạo dây chằng
- Hà Giang lần đầu phẫu thuật nội soi đặt lưới trên bệnh nhân bị sa sinh dục