Bệnh nhân viêm xoang tái phát phức tạp được cứu nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật
08/07/2025 | 20:57 PM



Hai bệnh nhân bị viêm xoang tái phát phức tạp đã được phẫu thuật thành nhờ ứng dụng hệ thống định vị 3 chiều tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), giúp bác sĩ xác định chính xác tổn thương và giảm nguy cơ biến chứng.
GS Chung Thủy (trái) đang chỉ đạo đường vào xoang khi kết hợp hệ thống định vị ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho anh T.
Chị N.K.P. (45 tuổi) nhập viện trong tình trạng nghẹt mũi kéo dài, đau đầu vùng trán, mắt trái sưng, lồi, đau nhức và có cảm giác cộm như có khối u. Qua thăm khám nội soi và chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM xác định chị bị viêm đa xoang tái phát, u nhầy xoang trán lớn lan xuống hốc mắt, chèn ép nhãn cầu.
Trước đó, chị từng phẫu thuật loại bỏ u nhầy xoang trán, nhưng bệnh tái phát do đường dẫn lưu xoang bị tắc, cấu trúc xoang thay đổi, hình thành mô sẹo, gây khó khăn trong việc bóc tách tổn thương và nguy cơ biến chứng cao nếu can thiệp không chính xác.
Một trường hợp khác là anh P.V.T. (45 tuổi), từng mổ nội soi xoang cách đây 5 năm nhưng gần đây liên tục bị nghẹt mũi, đau đầu, chảy dịch mủ kéo dài. Anh được chẩn đoán viêm xoang tái phát, xơ dính và hẹp đường dẫn lưu xoang do mô sẹo sau mổ. Các tổn thương nằm sâu, ranh giới giải phẫu bị xóa mờ, khiến việc phẫu thuật trở nên khó khăn và tiềm ẩn rủi ro nếu không có sự hỗ trợ chính xác.
Trực tiếp phẫu thuật cho cả hai bệnh nhân, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Phan Chung Thủy – Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng ASEAN, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, Cố vấn chuyên môn Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM – cho biết ê-kíp đã sử dụng hệ thống định vị 3 chiều (IGS) tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI Navigation) để hỗ trợ phẫu thuật nội soi mũi xoang.
Trước mỗi ca mổ, hình ảnh CT của người bệnh được nhập vào hệ thống. AI phân tích và tạo “bản đồ” giải phẫu 3D cá nhân hóa, đồng bộ với dữ liệu thực tế trong mổ. Dụng cụ phẫu thuật được gắn cảm biến, hiển thị vị trí theo thời gian thực trên màn hình, cảnh báo nếu tiếp cận gần vùng nguy hiểm như hốc mắt, dây thần kinh thị giác, nền sọ.
Nhờ sự hỗ trợ của AI, các bác sĩ xác định chính xác vùng cần can thiệp, bóc tách triệt để tổn thương viêm, loại bỏ mô sẹo mà không làm tổn thương mô lành, rút ngắn thời gian mổ và giúp bệnh nhân hồi phục nhanh. Cả hai người bệnh đều có kết quả tốt sau mổ, xuất viện chỉ sau 2–3 ngày.
GS Chung Thủy khẳng định, công nghệ định vị ứng dụng AI đặc biệt hữu ích trong các ca xoang phức tạp, tái phát hoặc có tổn thương lan rộng sát các vùng giải phẫu nguy hiểm, giúp nâng cao độ an toàn và hiệu quả điều trị.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Điều trị thành công ca sốt xuất huyết nặng trên bệnh nhân ghép thận nhờ can thiệp kịp thời
- Bé gái 12 tuổi được phẫu thuật cắt u xương thành công, tránh nguy cơ lệch trục chi
- Hành trình “tái sinh” nụ cười lần thứ 10 tại Bệnh viện E: Những ca phẫu thuật mang lại hy vọng
- Cấp cứu thành công bệnh nhân ngừng tuần hoàn nghi do điện giật
- Cứu sống cụ ông 73 tuổi bị nhồi máu cơ tim nhờ phối hợp cấp cứu liên viện
- Hành trình cứu sống bệnh nhi lupus biến chứng chảy máu phế nang tại Bệnh viện Bạch Mai